Năm 206 TCN, Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ tiếp tục dẫn 60 vạn quân hướng về phía nước Tần. Trong cuộc tiến công thắng lợi đánh vào đại bản doanh của Tần quốc, Tây Sở Bá Vương đã thu về 20 vạn tù binh nước Tần là những quân lính đầu hàng.
Tuy nhiên, trong hành trình giải tù binh về thành Tân An, 20 vạn quân Tần đã "biến mất" một cách bí ẩn.
20 vạn quân "biến mất" vì bị chôn sống?
Theo sử sách ghi chép, hàng vạn binh lính Tần quốc quy hàng trên đường áp giải bị ngược đãi hết sức thê thảm. Nhưng vì mang thân phận tù binh, lại muốn bảo toàn tính mạng, họ chỉ có thể nhẫn nhục chịu đựng.
Khi vừa tới Tân An, tâm trạng của 20 vạn tù binh Tần quốc hết sức phức tạp. "Sử ký" phần "Hạng Võ bản kỷ" có ghi lại:
"Tướng sĩ nhà Tần nhiều người nói trộm với nhau: ‘Bọn Chương tướng quân lừa chúng ta đầu hàng chư hầu, nên bây giờ họ chỉ có thể vào cửa quan đánh nước Tần.
Nếu may mà đánh được nhà Tần thì tốt lắm, nếu không thì chư hầu sẽ bắt chúng mình đem về đông, còn Tần thì thế nào cũng giết hết cha mẹ, vợ con ta."
Các tướng sĩ canh gác nghe được cuộc nói chuyện của tù binh, đem báo lại với Hạng Vũ. Ông liền gọi Anh Bố và Bồ tướng quân bàn rằng:
"Tướng sĩ của Tần vẫn còn đông, bụng chúng không phục ta, đến Quan Trung mà chúng không theo ta thì việc lớn sẽ nguy, chi bằng giết chúng đi, chỉ giữ lại Chương Hàm trưởng sử Hân, đo úy Ế để cùng vào đất Tần mà thôi".
Để tránh khỏi kết cục chết chóc, 20 vạn quân Tần chỉ còn cách nhẫn nhục chịu đựng trên đường bị áp giải. (Tranh minh họa).
Bởi vậy, trong cuộc thủ tiêu quân Tần, Chương Hàm, Tư Mã Hân và Đổng Ế đều may mắn không bị vùi xác ở Tân An.
Về việc Tây Sở Bá Vương Hạng Võ thủ tiêu hàng vạn tù binh Tần quốc, sử sách không hề có ghi chép cụ thể. Nhưng giai thoại chôn sống ấy lại được hậu thế truyền miệng lại khá chi tiết.
Theo đó, muốn triệt tiêu 20 vạn lính Tần cùng một lúc vốn là điều không hề dễ dàng. Bởi lẽ nếu họ biết sớm muộn cũng bị giết, ắt không thể bó tay chịu trói.
Vì vậy, Hạng Vũ trước tiên đã giấu kín kế hoạch thủ tiêu, sau đó tập hợp toàn bộ tù binh, lựa chọn địa điểm bí mật để đào một cái hố lớn.
Sau cùng, hai chục vạn quân Tần vẫn bị vùi thây ở thành Tân An. (Tranh minh họa).
Ở phía Tây của thành Tân An lúc bấy giờ vừa vặn có một đồng cỏ ngoại ô rất lớn. Hạng Vũ liền ra lệnh cho 20 vạn tù binh đào hố mà không hề cho họ biết lý do.
Đương nhiên, các binh sĩ này cũng không hay biết họ đang "tự đào mồ chôn mình". Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, họ chỉ có thể nhẫn nhục làm theo mệnh lệnh của quân địch để bảo toàn mạng sống.
Khi hố đã đào sâu, tù binh phía dưới không có cách nào leo lên phía trên. Bấy giờ, những binh lính của Hạng Vũ liền điên cuồng tàn sát quân Tần, bất ngời ném vô số giáo, thương, đao, kiếm xuống dưới hố.
Ngay cả khi hàng chục vạn tù binh đã cầu xin, gào thét, những cơn mưa binh khí vẫn từ trên miệng hố trút xuống thân thể họ. Cứ như vậy, 20 vạn quân Tần đều vùi xác trong hố sâu do chính họ đào ra.
"Hố vạn người" ám ảnh hậu thế
Ngày nay, mồ chôn tập thể của quân Tần vẫn thường được nhắc tới với tên gọi là "hố Sở" hoặc "hố vạn người". Di chỉ này nằm gần thị xã Nghĩa Mã, nay thuộc địa phận tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Nơi đây phía Bắc giáp với đất Lĩnh và thôn Lý Hạnh Loan, phía Đông và phía Tây đều là đồng cỏ bằng phẳng.
Đọc lại lịch sử của thị xã Nghĩa Mã và thị xã Mãnh Trì, các nhà khảo cổ còn phát hiện khi xưa, trong khu vực di chỉ "hố vạn người" từng có một tòa miếu thờ "bạch long" và một chiếc giếng hình bát giác.
Những năm 70 của thế kỷ trước, công nhân ở khu vực ngoại thành Tân An đã từng khai quật được số lượng lớn xương người. (Ảnh minh họa).
Năm 1912, đường sắt Lũng Hải được tiến hành kiến tu, hai công trình trên đều đã bị phá hủy. Cũng trong khoảng thời gian kiến tu đường sắt, các công nhân đã từng khai quật được nhiều bộ xương trắng ở khu vực thôn Lý Hạnh Loan.
Bấy giờ, mọi người đều tin rằng đó là di cốt của 20 vạn quân Tần bị Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ chôn sống năm xưa. Nhưng khi ấy đang là thời chiến tranh hỗn loạn, những di chỉ và di cốt kia không có điều kiện được khai quật hay bảo tồn.
Cho tới nay, sự kiện Hạng Vũ chôn sống 20 vạn quân Tần được xem là một trong những vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.
Sự kiện này thậm chí còn được ví với việc chôn sống 49 vạn quân Triệu đầu hàng của tướng Tần là Bạch Khởi trong trận Trường Bình thời Chiến Quốc.