Thái Lan và cái gật đầu bí mật trong thương vụ tàu ngầm gần 400 triệu USD với Trung Quốc

QS |

Tờ Bangkok Post đưa tin, Nội các Thái Lan đã bí mật thông qua thỏa thuận tàu ngầm trị giá 13,5 tỷ Baht (tương đương 393 triệu USD) với Trung Quốc dù nó vẫn gây nhiều tranh cãi.

Hôm qua, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Kongcheep Tantravanich xác nhận rằng vào ngày 18/4, chỉ 1 ngày sau khi kỳ nghỉ lễ Songkran kết thúc, Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch mua sắm tàu ngầm do Hải quân Hoàng gia đề xuất nhưng không tổ chức họp báo.

"Chúng tôi không có ý định giấu kín vấn đề này, nhưng không phải bất cứ vấn đề nào được Nội các thông qua cũng phải thông tin tới báo chí" - Thiếu tướng Kongcheep nói.

Ông Kongcheep cho biết, kế hoạch mua sắm tàu ngầm không phải là kế hoạch mới, mà đã được công bố từ lâu.

Ngoài ra, 60 năm trước, Thái Lan đã từng có tàu ngầm, vì thế, đợt mua sắm này chỉ đơn giản là tái trang bị.

Ban đầu, Nội các Thái Lan đã cho phép hải quân nước này mua 1 tàu ngầm S-26T lớp Yuan từ Trung Quốc trị giá 13,5 tỷ baht và sẽ trả dần bằng ngân sách riêng trong giai đoạn 2017-2023.

Theo kế hoạch đầy đủ hiện nay, Hải quân Thái Lan sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Yuan với tổng trị giá 36 tỷ baht trong hơn 11 năm.

Đô đốc Na Areenich - Tư lệnh hải quân Thái Lan sẽ đến Trung Quốc để ký hợp đồng tàu ngầm trong tháng 5 tới.

Trước đó, phát biểu trước Hội đồng Quốc phòng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon nhấn mạnh, Bangkok cần có trang thiết bị và khí tài quân sự để bảo vệ lợi ích hàng hải, chúng đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược quân sự của Thái Lan.

Ông Wongsuwon khẳng định, Thái Lan sẽ minh bạch trong mọi thỏa thuận mua sắm trang thiết bị.

Bangkok Post cho hay, theo dự kiến ban đầu, đề xuất mua tàu ngầm sẽ được trình lên để xin Nội các phê duyệt vào hôm nay, và tướng Prawit sẽ chủ trì cuộc họp nội các thay cho Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, bởi ông Prayut Chan-o-cha đang có chuyến thăm 2 ngày tới Bahrain.

Thỏa thuận mua tàu ngầm được thông qua khi vẫn còn nhiều chỉ trích và nghi vấn.

Một số ý kiến phản đối thỏa thuận này cho rằng Thái Lan không nên chi một số tiền khổng lồ để mua tàu ngầm khi nền kinh tế nước này đang trong thời kỳ suy thoái; ngoài ra, những tàu ngầm này liệu có thích hợp hoạt động tại khu vực nước nông như vịnh Thái Lan?; chi phí và chất lượng của tàu ngầm Trung Quốc cũng gây nhiều nghi ngại.

Các nhà phê bình cho rằng, số tiền khổng lồ này nên được đầu tư vào các dự án mang lại lợi ích thực sự cho cộng đồng.

Tuy nhiên, hải quân và bộ trưởng quốc phòng Thái Lan đã kiên quyết giữ quan điểm, khẳng định rằng ngân sách để mua tàu ngầm không phải là tiền tăng cường từ chính phủ.

Họ nhấn mạnh rằng Thái Lan cần những khí tài như vậy để bảo lệ lợi ích lãnh thổ, lãnh hải trong bối cảnh an ninh toàn cầu hiện nay và để cân bằng cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực.

Malaysia hiện có 2 tàu ngầm, trong khi Singapore có 4 chiếc và dự định sẽ mua thêm 2 chiếc nữa. Indonesia đang trong quá trình thay thế 2 tàu ngầm cũ của Đức bằng 3 tàu ngầm mới mua từ Hàn Quốc.

Về vấn đề giá cả, ông Prayut trước đó đã tuyên bố rằng 3 tàu ngầm Trung Quốc "rất rẻ" khi so với giá của các tàu ngầm châu Âu, đặc biệt là phía Trung Quốc đã đề nghị "mua 2, tặng 1".

Hải quân Thái Lan đã vài lần lên kế hoạch mua tàu ngầm trong những năm qua. Năm 2011, lực lượng này đề xuất mua 6 tàu ngầm đã qua sử dụng của Đức với chi phí 7,7 tỷ baht nhưng kế hoạch đã bị chính phủ Yingluck Shinawatra bác bỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại