Quân đội Ukraine ngày 17/10 đã sử dụng tên lửa ATACMS để thực hiện các cuộc tấn công vào sân bay của Nga ở Berdyansk và Lugansk - hai địa điểm trên lãnh thổ do Nga kiểm soát. Trong đánh giá ban đầu do Bộ Quốc phòng Ukraine đưa ra, cuộc tấn công khiến Nga mất 9 máy bay trực thăng, một bệ phóng phòng không, một số phương tiện và kho đạn.
Tên lửa ATACMS được sử dụng trong một cuộc tập trận chung gữa Mỹ và Hàn Quốc, ngày 5/10/2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Trong bản cập nhật tình báo ngày 20/10, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng có khả năng 9 chiếc trực thăng của Nga đã bị phá hủy chỉ riêng tại Berdyansk và với 5 chiếc khác ở Lugansk.
Trực thăng đóng vai trò rất quan trọng đối với Nga trong việc chống lại cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Anh nhận định, sân bay Berdyansk là căn cứ hoạt động tiền phương quan trọng của Nga, cung cấp khả năng hậu cần, tấn công và phòng thủ cho các lực lượng Nga ở trục phía Nam Ukraine. Đây cũng là hướng tấn công chính của Ukraine trong cuộc phản công bắt đầu vào đầu tháng 6. Ở hướng này, Ukraine đã giành lại được một số lãnh thổ và đưa thiết giáp tiến về phía trước theo cách mà họ không thể thực hiện ở các khu vực khác.
Mục tiêu của Kiev dọc theo trục này là tiến ra Biển Azov và chia cắt lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát, làm gián đoạn các tuyến liên lạc và tiếp tế của Moscow.
Bản cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh lưu ý rằng, nếu tất cả thiệt hại từ cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS được xác nhận, “rất có thể điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ và tấn công của Nga trên trục phía Nam”.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm: “Với tình trạng căng thẳng hiện nay trong hoạt động sản xuất quân sự của Nga, bất kỳ máy bay nào bị mất cũng sẽ khó thay thế trong ngắn hạn và trung hạn. Sự mất mát này cũng có thể sẽ tạo thêm áp lực lên các phi công Nga và những chiếc máy bay còn lại vốn đã bị căng sức trong chiến đấu và gặp nhiều vấn đề bảo trì do chiến dịch kéo dài”.
Cuộc tấn công bằng ATACMS của Ukraine có thể buộc Nga phải rút các căn cứ cũng như sở chỉ huy ra xa tiền tuyến hơn, nhưng làm như vậy sẽ gây căng thẳng cho công tác hậu cần.
Nga đã từng phải làm điều này trước đây khi Ukraine nhận được các loại vũ khí khác của phương Tây. Việc chuyển giao Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp vào năm 2022 đã làm tăng phạm vi hỏa lực của Ukraine và buộc Nga phải di dời kho đạn dược, các sở chỉ huy, hệ thống phòng không và các trung tâm hậu cần quan trọng ra khỏi tầm bắn của vũ khí này.
Tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG của Anh và Pháp cũng có tác động tương tự. Phần lớn Hạm đội Biển Đen của Nga được cho là đã rút khỏi Sevastopol sau cuộc tấn công hồi tháng 9 vào một xưởng sửa chữa tàu tại đây.
Nga sẽ phải thích nghi với điều kiện tác chiến mới
ATACMS - từ lâu nằm trong danh sách mong muốn của Ukraine và được bí mật chuyển đến nước này trước cuộc tấn công, có tầm bắn gấp đôi so với tên lửa HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Kiev.
Một nguồn tin tiết lộ với Insider rằng Ukraine đã sử dụng biến thể tên lửa M39 trong cuộc tấn công hôm 17/10. M39 là biến thể sử dụng đạn chùm có tầm bắn khoảng 165km.
Chuyên gia quân sự Nga Dmitry Kornev cho rằng, quân đội nước này hiểu rõ Ukraine sẽ sử dụng tên lửa ATACMS như thế nào và Kiev sẽ tấn công ở đâu. Theo ông, Ukraine sẽ không chỉ đánh vào các căn cứ của Nga ở tiền phương mà có thể sử dụng ATACMS hỗ trợ cho các cuộc phản công ở mặt trận Đông Nam.
“Trong trường hợp của Berdyansk, căn cứ này nằm ở phía Nam vùng Zaporizhzhia và đây là mặt trận Ukraine tổ chức nhiều đợt phản công nhất kể từ tháng 6. Kiev đang chạy đua với mùa đông và họ phải đạt được mục tiêu nào đó trước khi thời tiết lạnh hơn, do đó các cuộc phản công vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới”, ông Kornev nói.
Chuyên gia Kornev cho rằng ATACMS đặt ra mối đe dọa mới đối với các đơn vị không quân Nga ở gần chiến tuyến và họ phải học cách thích nghi với điều kiện tác chiến mới.
“Việc Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa ATACMS tấn công vào các sân bay dã chiến dành cho trực thăng Nga đã cho thấy rõ mục tiêu của họ. Tên lửa ATACMS mang đầu đạn chùm hoàn toàn có thể vô hiệu hóa cùng lúc nhiều máy bay hay kho bãi hỗ trợ hậu cần”, ông Kornev nhấn mạnh.
Theo ông Kornev, cách duy nhất là Nga phải di chuyển căn cứ ra xa khỏi vùng chiến sự. Nhưng như vậy, khả năng hỗ trợ từ trên không cho bộ binh Nga sẽ giảm hoặc bị hạn chế so với trước đây.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga cũng lưu ý rằng “thứ vũ khí được xem là thần kỳ không tồn tại” và các lực lượng Ukraine được trang bị ATACMS không thể tự mình thay đổi cục diện cuộc xung đột.