Thách thức chồng chất, thoả thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ về Syria liệu có "xuôi chèo mát mái"?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ là bước đầu mở ra hy vọng tránh một cuộc chiến tranh và thảm họa nhân đạo cho dân thường. Việc thực hiện thỏa thuận này sẽ không dễ dàng.

Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi ngày 17/9/2018 về việc thành lập một khu phi quân sự ở Idlib giữa quân chính phủ và các lực lượng thuộc phe đối lập đã chấm dứt tình trang lo âu của người dân sống ở vùng Tây-Bắc Syria kéo dài mấy tháng nay khi quân đội Syria và Nga đe dọa mở một một cuộc tổng tấn công vào Idlib.

Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng đặt ra nhiều câu hỏi mới về cơ chế thực hiện và tương lai của các lực lượng đối lập sẽ ra sao sau thỏa thuận này?

Nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu thỏa thuận này có ngăn chặn được các cuộc tấn công của các lực lượng chính phủ vào Idlib hoặc vẫn tiến hành các cuộc không kích vào các tổ chức đối lập.

Các nhóm thuộc phe đối lập lo ngại thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng chính phủ tiến quân sau khi họ rút các vũ khí hạng nặng ra khỏi đường giáp ranh của khu phi quân sự với chiều rộng 15-20 km. Phe đối lập nói rằng, chính quyền Damascus chưa bao giờ tuân thủ các cam kết của mình và các thỏa thuận đã được ký kết trước đây giữa hai bên.

Lực lượng quân sự Syria ồ ạt tiến về Idlib

Mặc dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng không ai có thể phủ nhận các cố gắng ngoại giao tích cực đã ngăn chặn được một cuộc chiến tranh ở Idlib và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố.

Các chuyến thăm con thoi tới Ankara và Damascus của Ngoại trưởng Iran M. J. Zarif, Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran tại Tehran ngày 7/9/2018 và cuối cùng là Thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi ngày 15/9/2018 đã đạt được thỏa thuận để tránh được một cuộc đổ máu.

Phản ứng quốc tế đối với thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Chính giới cũng như các phương tiện thông tin đại chúng ở khu vực và trên thế giới đều hoan nghênh thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, coi đây là một "thắng lợi ngoại giao".

Các bên trong cuộc gồm chính phủ Syria, Iran, Hezbollah đều tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận này và coi đây là một phần của thỏa thuận đạt được trước đây về khu vực giảm căng thẳng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria và khẳng định sự cần thiết phải tiêu diệt tận gốc các tổ chức khủng bố.

Yahya Al-Aridi, người phát ngôn của phe đối lập Syria nói rằng thỏa thuận này đã loại trừ được cuộc tấn công của quân đội Syria và cứu được hàng triệu người Syria, đồng thời coi đây là một dấu hiệu về sự cần thiết phải mở ra con đường hòa bình. 

Mustafa Al-Siraj, một quan chức của "Quân đội Syria tự do (FSA)" tuyên bố, thỏa thuận Idlib đã cứu được mạng sống của hàng vạn dân thường ở Idlib.

Video người dân xếp đồ đạc rời khỏi Idlib (nguồn: Al-Zahraa)

Đáng lưu ý, Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận Putin-Erdogan tại Sochi, coi đây là bước đi thực tế và đúng hướng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt bạo lực và căng thẳng tại Idlib.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc A. Guterres, Đặc phái viên về Syria của Liên Hợp Quốc De Mistura, Cao ủy phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu F. Mogherini, Thủ tướng Đức Angela Merkel.... đã lên tiếng hoan nghênh và cho rằng, thỏa thuận này là một bước đi quan trọng góp phần tránh một cuộc chiến tranh đẫm máu, cứu khu vực khỏi một thảm họa nhân đạo to lớn.

Những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ là bước đầu mở ra hy vọng tránh một cuộc chiến tranh và thảm họa nhân đạo cho dân thường. Việc thực hiện thỏa thuận này sẽ không dễ dàng.

Một trong những khó khăn lớn nhất là nội bộ phe đối lập do mâu thuẫn về lợi ích và tôn chỉ mục đích, đến nay vẫn không thống nhất được với nhau trong việc thành lập một cơ chế hành chính ở Idlib để giao dịch với chính quyền Damascus, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, theo thỏa thuận về thành lập 4 khu vực giảm căng thẳng thì Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chịu trách nhiệm về quân sự và an ninh, không có thẩm quyền về hành chính.

Theo thỏa thuận, việc rút tất cả các vũ khí phục vụ chiến đấu phải hoàn thành trước 10/10/2018 và thành lập khu phi quân sự ở Idlib phải hoàn thành trước 15/10/2018. Từ nay đến thời điểm đó thời gian còn rất ít, các bên khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Nhiệm vụ của Ankara là tách ly các tổ chức đối lập ôn hòa ra khỏi các nhóm khủng bố cực đoan. Đây là công việc hết sức khó khăn do có sự chống đối mạnh mẽ của các nhóm khủng bố.

Tổ chức "Hayet Tahrir Al-Sham", Mặt trận Al-Nusra, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Al-Qaeda là những tổ chức hoạt động mạnh nhất ở Idlib và được Liên Hợp Quốc liệt kê vào danh sách khủng bố đến nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về thỏa thuận Sochi.

Thách thức chồng chất, thoả thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ về Syria liệu có xuôi chèo mát mái? - Ảnh 3.

Trong khi đó, các tổ chức đối lập của người Kurd gồm "các đơn vị bảo vệ nhân dân" (YPG) và "Lực lượng Dân chủ Syria" (SDF) lại nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Phe đối lập Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib tuyên bố sẽ hợp tác với những cố gắng ngoại giao của Ankara, nhưng sẽ không bao giờ trao vũ khí và rút khỏi các vùng lãnh thổ họ đang kiểm soát.

Trong khi đó, "Mặt trận Dân tộc Giải phóng (NFL)" gồm một số nhóm thuộc "Quân đội Syria tự do (FSA)" được Thổ Nhĩ Kỳ coi là đối lập ôn hòa tuyên bố sẽ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để tránh thảm họa chiến tranh cho dân thường, chứ không giao nộp vũ khí và "ngón tay của chúng tôi vẫn luôn luôn để bên cò súng" và sẽ hết sức cảnh giác, đặc biệt trước những tuyên bố của chính quyền Syria, Nga và Iran cho rằng thỏa thuận Sochi chỉ mang tính chất tạm thời.

Trong khi đó, theo các nguồn tin từ Syria, hàng trăm ngàn người dân ở các vùng Tây-Bắc do phe đối lập kiểm soát ngày 21/9/2018 đã xuống đường biểu tình mang theo các biểu ngữ "không Hiến pháp, không tái thiết trước khi Tổng thống B. Al-Assad phải ra đi".

Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện sẽ mở ra khả năng giải quyết cuộc xung đột Syria bằng đàm phán hòa bình. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng triệt để công thức Astana để nối lại các cuộc hòa đàm Geneva dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc nhằm tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề Syria.

Nội dung thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về Idlib

1- Khu vực giảm căng thẳng ở Idlib sẽ được giữ nguyên và các chốt giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được củng cố và tiếp tục hoạt động.

2- Liên bang Nga sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo tránh không để xảy ra các hoạt động quân sự và các cuộc tấn công vào Idlib và hiện trạng sẽ được duy trì.

3- Một khu phi quân sự sâu vào bên trong khu vực giảm căng thẳng 15-20 km sẽ được thiết lập.

4- Các đường ranh giới chính xác của khu phi quân sự sẽ được xác định thông qua các cuộc tham vấn.

5- Tất cả các nhóm khủng bố cấp tiến sẽ bị loại khỏi khu phi quân sự trước ngày 15/10/2018.

6- Rút tất cả xe tăng, tên lửa, pháo binh và súng cối của các bên xung đột khỏi khu phi quân sự trước ngày 10/10/2018.

7- Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và quân cảnh của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga sẽ tiến hành tuần tra phối hợp và sử dụng máy bay không người lái để giám sát dọc theo ranh giới của khu phi quân sự nhằm đảm bảo tự do di chuyển của người dân địa phương, hàng hóa và nối lại các quan hệ thương mại và kinh tế.

8- Giao thông quá cảnh trên các tuyến đường M4 (Aleppo-Latakia) và M5 (Aleppo-Hama) sẽ được khôi phục trước cuối năm 2018.

9- Các biện pháp hiệu quả sẽ được thực hiện để đảm bảo quy chế ngừng bắn bền vững trong khu vực giảm căng thẳng ở Idlib. Các chức năng của Trung tâm điều phối chung Iran-Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tăng cường.

10- Hai bên khẳng định lại quyết tâm chống khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện ở Syria.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại