Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng mở rộng vai trò của mình ở Syria bằng cách ký kết thỏa thuận với Nga liên quan đến tỉnh Idlib - địa phương hiện nằm dưới quyền kiểm soát của quân nổi dậy.
Thành công ngoại giao
Xét về bên ngoài, thỏa thuận trên - do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ký kết hôm 17-9 - nhằm mục đích ngăn ngừa, hoặc ít nhất là trì hoãn, một cuộc tấn công toàn lực vào Idlib - thành trì của phe nổi dậy ở Tây Bắc Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara vẫn lo ngại rằng cuộc tấn công như thế có thể gây ra một làn sóng tị nạn mới từ Idlib, nơi 3 triệu thường dân và hàng chục ngàn tay súng nổi dậy dày dạn kinh nghiệm ẩn náu trước đợt càn quét của quân chính phủ Syria.
Chính phủ của Tổng thống Erdogan đang cố lái thỏa thuận được cho là thành công về ngoại giao này theo hướng các mục tiêu chính trị trung hạn nữa. Hiện tại, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng 2 khu vực phía Bắc Syria, xung quanh các thành phố Jarabulus và Afrin.
Ký thỏa thuận với Nga, Ankara hy vọng sẽ có thêm một chỗ đứng khác ở Syria và khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ thẳng tay trong cuộc đàm phán về tương lai của quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Hai bên đã nhất trí tạo ra một vùng đệm khoảng 15-20 km dọc theo đường ranh giới Idlib giáp với các khu vực do chính phủ kiểm soát đến phía Đông và phía Nam của tỉnh này vào giữa tháng 10 tới. Ngoài ra, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và quân cảnh Nga sẽ cùng nhau tuần tra khu vực này.
Đánh giá về thỏa thuận nêu trên, ông John Landis, chuyên gia về Trung Đông tại Trường ĐH Oklahoma, cho rằng nó đem lại cho Moscow những ưu thế về chiến lược, quân sự và chính trị. Theo ông, Nga bảo toàn được mối quan hệ ngày càng gia tăng với Thổ Nhĩ Kỳ và giành được dải đất kéo dài 20 km ở Idlib - vốn là nơi ẩn náu của nhiều phần tử thánh chiến.
Sứ mệnh hiểm hóc
Tuy nhiên, về phía Ankara, thỏa thuận trên sẽ buộc họ phải đương đầu với các chiến binh thánh chiến.
Theo đó, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải giải giáp các phần tử thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS), được mệnh danh là Al-Qaeda ở Syria, bên trong vùng đệm và chuyển những tay súng HTS đến các khu vực khác ở Idlib.
Phía Nga tin rằng việc giải giáp sẽ khiến HTS không thể tấn công các căn cứ quân sự của Nga hoặc TP Aleppo.
Ankara thừa nhận "quân nổi dậy ôn hòa" - trong đó có nhiều phần tử liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ có thể ở lại tại chỗ và được giữ vũ khí hạng nhẹ.
Tuy nhiên, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chưa có sự đồng thuận về việc ai trong số hơn 60.000 tay súng nổi dậy ở Idlib là lực lượng "ôn hòa" và ai được xem là phần tử quá khích.
Có điều, Thổ Nhĩ Kỳ đang quyết tâm thăm dò những ưu thế tiềm tàng có thể có được từ thỏa thuận mới nhất với Nga.
"Nếu tận dụng tốt cơ hội, Thổ Nhĩ Kỳ có thể củng cố sự hiện diện quân sự ở Idlib và ngăn chặn một cuộc tấn công xảy ra" - ông Oytun Orhan, Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ), nhìn nhận. Bên cạnh đó, thỏa thuận trên còn có thể củng cố lực lượng nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và điều đó có thể buộc chính phủ Syria phải nhượng bộ.
Phe đối lập Syria cũng có chung suy nghĩ. Ông Abdurrahman Mustafa, Chủ tịch Liên minh Đối lập Syria - được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, cho rằng thỏa thuận Thổ - Nga đã "tạo cơ hội đưa cuộc nổi dậy ở Syria trở lại con đường ban đầu của nó, đó là giành lại tự do và chân giá trị cũng như thay đổi chế độ thông qua một giai đoạn chuyển tiếp".
Tuy vậy, việc lợi dụng thỏa thuận với Tổng thống Putin để mở rộng tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria tiềm ẩn những nguy cơ cao độ.
Trong khi đó, ông Orhan nhận xét Thổ Nhĩ Kỳ ít có uy thế đối với các nhóm cực đoan ở Idlib. Ankara sẽ thuyết phục như thế nào để HTS từ bỏ vũ khí hiện vẫn chưa tìm được lời giải. Nếu như Thổ Nhĩ Kỳ không thể giữ lời hứa trong vài tuần lễ tới, chính phủ Syria có thể phát động cuộc tấn công mà Ankara đang lo ngăn ngừa.
Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Abu al-Yaqdhan al-Masri, một thủ lĩnh HTS, đã phản ứng khi tuyên bố: "Bất cứ ai yêu cầu tôi buông vũ khí, kẻ đó xứng đáng bị đánh nhất trước những kẻ khác".
Thùng thuốc súng chờ nổ
Dù ghi nhận thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về một vùng phi quân sự ở Idlib - Syria là kết quả đột phá giúp "chảo lửa" ở Trung Đông hạ nhiệt nhưng giới chuyên gia cho rằng vùng đất này vẫn có thể "nổi lửa" bất cứ lúc nào.
Hy vọng thiết lập một khu phi quân sự để bảo vệ dân thường Idlib được cho là có thể đổ vỡ nếu nổ ra một vụ tấn công vũ khí hóa học do phương Tây và lực lượng nổi dậy dàn dựng hoặc Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng tình hình để nhằm vào các mục tiêu của đối thủ.
Trong khi đó, trang Rudaw (Iraq) bình luận sự cố chiếc máy bay do thám Il-20 của Nga bị Phòng không Syria bắn hạ trên Địa Trung Hải hôm 17-9 cũng là một lời nhắc nhở rằng Syria là một thùng thuốc súng chờ nổ.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 23-9 đã tổ chức một cuộc họp báo để cung cấp thông tin chi tiết "từng phút" xung quanh vụ việc nhằm củng cố hơn tuyên bố của Moscow rằng Israel phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nhấn mạnh Không quân Israel đã cung cấp thông tin sai lệch cho Nga về vị trí mục tiêu không kích của họ ở Syria, khiến chỉ huy chiếc Il-20 không thể xác định được khu vực an toàn và bị bắn hạ.
Phía Israel cũng không thông tin trước cho Nga về thời điểm không kích - một hành động được cho là vi phạm các thỏa thuận song phương năm 2015 về việc ngăn chặn các sự việc như trên ở không phận Syria.
Theo thông tin từ cuộc họp báo, chiếc Il-20 đã bị các chiến đấu cơ F-16 của Israel sử dụng làm "lá chắn" trước hệ thống phòng không Syria. "Không quân Israel phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong thảm kịch máy bay Il-20 của Nga" - ông Konashenkov nhấn mạnh.
Thu Hằng