Tết của những bệnh nhân bị căn bệnh "ăn thịt người" hành hạ

Tú Nguyễn |

(Soha.vn) - Bị căn bệnh phong “ăn” dần từng phần cơ thể, hơn 230 bệnh nhân ở làng phong da liễu Quỳnh Lập đang đón tết trong trăm ngàn nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần…

Ngôi nhà chung của những mảnh đời tận cùng đau khổ

Nằm ẩn mình sau ngọn núi dài hun hút, làng phong Da liễu Trung ương Quỳnh Lập (ở xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu, Nghệ An) như tách biệt với cuộc sống của thế giới bên ngoài. Được thành lập cách đây gần 60 năm, hiện tại làng phong đang là nơi điều trị cho hơn 230 bệnh nhân ở mọi miền đất nước.

230 bệnh nhân phong ở đây đang từng ngày từng giờ chiến đấu với những đau đớn của bệnh tật, khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống.

230 bệnh nhân phong ở đây đang từng ngày từng giờ chiến đấu với những đau đớn của bệnh tật, khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống.

Trước đây, bệnh phong là một bệnh cực kỳ ghê gớm và đáng sợ. Những người không may mắc phải căn bệnh này đều bị người đời thậm chí là người thân trong gia đình xa lánh, kỳ thị. Cuộc sống của họ không những bị bệnh tật hành hạ mà họ còn chịu biết bao cay đắng, đớn đau về tinh thần.

230 bệnh nhân ở đây là những mảnh đời, số phận khác nhau. Có những người đã được điều trị gần 60 năm từ khi làng phong bắt đầu được thành lập, cũng có người mới được đưa về đây.

Hàng ngày họ được các y bác sĩ, hộ lý chăm sóc rửa vết thương tra thuốc, thay băng gạt.

Chia sẻ về cuộc đời mình, cụ Hồ Xuân Quăn (79 tuổi) quê ở huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) một trong những bệnh nhân đầu tiên về điều trị tại đây buồn bã chia sẻ. “Đã gần 60 năm điều trị tại đây, tứ chi tôi cũng đã bị căn bệnh phong “ăn” mất. Ngày trước khi biết tôi mắc bệnh phong, mọi người không hiểu nên xa lánh tôi. Sau nhiều năm liền sống vất vưởng mặc cho bệnh tật hành hạ tôi được đưa về đây và gắn bó với làng phong này từ ngày đó”.

Co đôi chân đã bị căn bệnh phong “ăn” cụt mất, hai bàn tay cũng chỉ còn vài ngón. Cụ Phan Dương Mềm (quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nghẹn đắng. “Ra Tết các cháu mới xuống đây thăm tôi được. Bệnh tật hành hạ cả ngày đau lắm, có hôm chân đau quá không ngủ được tôi lại thấy nhớ nhà nhớ các con các cháu nhiều lắm...”.

Những bệnh nhân bị căn bệnh phong quái ác "ăn" gần hết bàn tay, bàn chân.

Cuộc sống của những bệnh nhân phong đang được điều trị tại đây hết sức khó khăn. Hàng ngày họ được các y bác sĩ, hộ lý chăm sóc rửa vết thương tra thuốc, thay băng gạt. Ngoài số tiền thuốc được Bệnh viện lo,  một tháng mỗi bệnh nhân được hỗ trợ thêm 370 ngàn đồng tiền ăn uống. Số tiền quá ít ỏi để có thể đảm bảo cho cuộc sống cho các bệnh nhân.

Mỗi lần nhận tiền trợ cấp, ngoài việc trích ra một khoản nhỏ để chi tiêu cá nhân hầu như tất cả các bệnh nhân đều xin nộp lại cho nhà bếp của bệnh viện để nhờ bệnh viện mua thực phẩm và nấu thức ăn trong cả tháng. Thường ngày, các bệnh nhân được ăn 2 bữa với thực đơn thường là trứng và rau.

Những bàn tay, những phần cơ thể không còn lành lặn nhưng các cụ vẫn cố bấu víu vào nhau chăm sóc cho nhau để vượt lên số phận.

Những bàn tay, những phần cơ thể không còn lành lặn nhưng các cụ vẫn cố bấu víu vào nhau chăm sóc cho nhau để vượt lên số phận.

Đón Tết với 50 nghìn đồng

Đến làng phong Quỳnh Lập những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cuộc sống của những bệnh nhân nơi đây. Ngoài kia, khi sắc xuân đang tràn ngập khắp nơi trên mọi miền của Tổ quốc thì tại đây cuộc sống của bệnh nhân phong vẫn diễn ra trong bình lặng và có chút khổ đau, tuyệt vọng.

Những ngày Tết Nguyên Đán ngoài số tiền 370.000 hàng tháng hỗ trợ, mỗi bệnh nhân được tặng thêm 50 nghìn đồng để đón xuân vui Tết. Số tiền với mỗi bệnh nhân quá ít ỏi nên không ai dám mua sắm gì thêm, họ lặng lẽ chờ đến 2 bữa ăn mỗi ngày.

Cụ Phan Dương Mềm (quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đang cố gắng kẹp chặt chiếc bút vào đôi bàn tay không còn lành lặn để viết lên những vần thơ tặng cho ban lãnh đạo bệnh viện.

Cụ Phan Dương Mềm (quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đang cố gắng kẹp chặt chiếc bút vào đôi bàn tay không còn lành lặn để viết lên những vần thơ tặng cho ban lãnh đạo bệnh viện.

Bài thơ chúc Tết của cụ Mềm chúc tết đến Ban lãnh đạo của bệnh viện trong năm mới.

Bài thơ chúc Tết của cụ Mềm gửi đến Ban lãnh đạo của bệnh viện trong năm mới.

Được sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, những ngày 30, mồng 1, mồng 2 Tết bữa cơm của các cụ còn có thêm những miếng thịt. Nhưng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy lại chan đầy nước mắt bởi sự trống vắng, nỗi buồn sâu lắng trong tâm hồn.

Để động viên tinh thần cho các bệnh nhân trong những ngày tết, hàng năm, Ban giám đốc và tập thể y bác sĩ bệnh viện phong da liễu trung ương Quỳnh Lập đều tổ chức thăm hỏi chúc tết các cụ. Đặc biệt trong đêm giao thừa, ban lãnh đạo bệnh viện đều đến cùng bệnh nhân đón Tết.

Cụ Dương khoe có 2 cặp bánh chưng được con gửi lên cho ăn Tết.

Cụ Dương khoe có 2 cặp bánh chưng được con gửi lên cho ăn Tết.

Ông Lê Viết Dương - Giám đốc bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quỳnh Lập chia sẻ: “Ngoài việc nhắc nhở các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện tận tâm hơn trong công tác chăm sóc y tế cho bệnh nhân. Hàng năm vào dịp Tết chúng tôi cũng tổ chức vận động quyên góp trong tập thể cán bộ công nhân viên ở bệnh viện để cố gắng hết mình lo cho cái Tết của các cụ đầy đủ, đầm ấm hơn”.

Những giọt nước mắt lại rơi trong sâu thẳm tâm hồn những bệnh nhân nơi đây bởi sự trống vắng mỗi khi tết đến xuân về.

Những giọt nước mắt lại rơi trong sâu thẳm tâm hồn những bệnh nhân nơi đây bởi sự trống vắng mỗi khi tết đến xuân về.

Rời làng phong khi trời đã sẩm tối, cái lạnh của gió biển như càng thấu vào nỗi đau của bệnh nhân phong nơi đây. Những thời khắc cuối cùng của năm cũ sắp qua, Tết đang "gõ cửa" từng ngôi nhà trên mọi miền đất nước. Người người đều cố gắng hoàn thành nốt những việc cuối cùng để trở về đoàn tụ với gia đình người thân. Còn ở đây, nơi những con người ở tận cùng đau khổ, những bệnh nhân phong họ vẫn sống trong vất vả khó khăn và muôn vàn thiếu thốn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại