>>> Nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc Tết báo Trí Thức Trẻ
>>> Những kỳ vọng của bốn vị tướng vào báo Trí Thức Trẻ đầu năm mới
>>> Dị nhân tâm pháp Bùi Quang Vinh tặng thơ, chúc Tết Trí Thức Trẻ
Dù gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp không tổ chức lễ viếng tại tư gia nhưng nhiều người vẫn đứng từ ngoài cánh cửa căn nhà đặc biệt để bồi hồi, xúc động nhớ Đại tướng.
Tết Giáp Ngọ 2014 là cái Tết đầu tiên vắng Đại tướng nhưng căn nhà số 30 Hoàng Diệu không vì thế mà vắng bóng những người tôn kính ông lui tới. Ông Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự: “Từ sáng nay đã có rất nhiều đoàn khách đến viếng, đồng bào và chiến sĩ cả nước ở khắp mọi miền cũng gọi điện tới gia đình để thăm hỏi và chúc Tết. Mọi người đều nhớ ông!”.
Chuyện bên chiếc bàn đá của Đại tướng
Phóng viên Báo Người Lao Động có may mắn hơn nhiều người khi được ông Võ Hồng Nam trực tiếp dẫn đến bàn thờ Đại tướng để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ ông. Ông Nam chia sẻ: “Tôi biết hôm nay vẫn có rất nhiều người muốn vào nhà để thắp nhang cho ba tôi nhưng vì Tết là dịp của gia đình nên chúng tôi không tổ chức lễ viếng. Chúng tôi muốn có một khoảng lặng để nhớ về ông vì dù sao đây cũng là cái Tết đầu tiên ba tôi đi xa”.
Tiếp chúng tôi trên chiếc bàn đá khi còn sống Đại tướng vẫn thường ngồi để tiếp khách và bàn bạc công việc, ông Võ Hồng Nam bùi ngùi: “Chiếc bàn này công binh làm tặng ba tôi từ năm 1966, giờ nó đã hơi nhỏ nhưng nó cũng như nhiều đồ đạc khác trong ngôi nhà này là những kỉ vật vô giá với chúng tôi”.
Bên chiếc bàn đá đã gần 50 năm tuổi, những kỉ niệm về người cha, vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc cứ hiện về như thước phim quay chậm với ông Nam. Lúc đầu, tôi chỉ xin 15 phút để thắp nhang và nói về những câu chuyện viếng Đại tướng ngày đầu năm nhưng câu chuyện của ông Nam và tôi đã kéo dài đến gần 2 giờ đồng hồ.
Ông Võ Hồng Nam bên bàn thờ của người cha thân yêu trong ngày mùng Một Tết
Thỉnh thoảng, câu chuyện của chúng tôi và ông Võ Hồng Nam bị gián đoạn vì những cuộc điện thoại thăm hỏi từ khắp mọi miền Tổ quốc. Ông Võ Hồng Nam tâm sự: “Như truyền thống của mọi gia đình Việt Nam, vào lễ giao thừa chúng tôi làm mâm cơm để cúng ba. Sau thời khắc giao thừa, chuyện sang năm mới, mọi người đều cảm nhận một khoảng trống, một sự hụt hẫng khó tả’.
Theo ông Nam, những năm trước khi mất, khi Đại tướng phải ăn Tết trong bệnh viện ông vẫn rất minh mẫn và lạc quan. Sau hai ngày Tết ở lại tư gia tiếp đón các đoàn khách cũng như nhang khói cho ba, ông Nam sẽ về quê Quảng Bình để thăm lại nơi yên nghỉ của cha. “Ở Vũng Chùa, phần mộ của ba tôi được đơn vị biên phòng chăm lo rất chu đáo”- ông nói.
Chiếc bàn đá được Đại tướng sử dụng từ năm 1966 vẫn là ki vật vô giá của gia đình.
Khi năm Giáp Ngọ đã chính thức sang, cũng như nhiều người Việt Nam khác, ông Nam tiếc nuối: “Năm nay là một năm của nhiều ngày kỉ niệm đặc biệt, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội. Tiếc là ba tôi đã không đợi được những thời khắc lịch sử đó”.
Theo ông Nam, suốt từ dịp 22-12 đến tận Tết nguyên đán những năm Đại tướng còn khoẻ ông luôn dành thời gian tiếp rất nhiều đoàn khách. “Nhiều lần bộ đội đến thăm từ 30 đến qua giao thừa và ăn cơm giao thừa với ông. Các cháu thiếu nhi thì vẫn thường đến hát cho ông nghe vào sáng mùng Một”.
Hoa cúc vàng trải dài trên con đường vào bên trong ngôi nhà của Đại tướng.
Nước mắt rơi trước nhà số 30
Trước khi vào căn nhà rợp bóng cây xanh và đầy những dấu tích cũng như lưu giữ rất nhiều kỉ niệm của Đại tướng trên phố Hoàng Diệu, phóng viên Báo Người Lao Động đã được chứng kiến nhiều cảnh tượng xúc dộng khi người dân đến viếng vị "Đại tướng của Nhân dân".
Chị Nguyễn Thanh Huyền, một hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật, xúc động nói: “Dịp Đại tướng mất, chúng tôi đã vào viếng ông nhưng hôm nay là ngày đầu năm mới tôi vẫn muốn ghe qua dù biết gia đình không tổ chức lễ viếng. Từ bên ngoài căn nhà tôi vẫn muốn cầu chúc Đại tướng yên nghỉ ngàn thu, phù hộ cho đất nước và con cháu”.
Một gia đình Hà Nội xin phép vào nhà riêng viếng Đại tướng.
Ông Nguyễn Viết Sự, một nhà giáo ở quận Long Biên đưa cả đại gia đình đến trước cửa ngôi nhà số 30. Ông ngậm ngùi kể: “Dịp Đại tướng mất tôi đang đi công tác xa, không thể hoà vào dòng người đến viếng ông. Hôm nay, dù không đuợc vào nhưng đứng trước ngôi nhà nhiều năm gắn bó với Đại tướng tôi cũng đã cảm thấy mãn nguyện”.
Những cây nến của người dân đến viếng Đại tướng vẫn được thắp lên phía bên hàng rào của ngôi nhà, giống hệt khi ông mới vĩnh viễn ra đi. Đường vào phía trong ngôi nhà, hoa cúc vàng vẫn trải khắp sân như sự thành kính của người dân cả nước hướng về ông trong ngày đầu năm mới.
Chị Nguyễn Thanh Huyền tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ bên ngoài cánh cổng.
Tôi được trò chuyện với ông Võ Hồng Nam dưới dàn hoa phong lan, loài hoa Đại tướng yêu thích nhất và khi nghe ông Nam thổn thức: “Mọi người nhớ ông” tôi cũng thấy sống mũi cay cay và nước mắt như nhoè đi.