Tục sắm mía lùi cúng tổ tiên của người dân tộc vào ngày "Đắp"

Nông Vĩnh |

(Soha.vn) - Hai bên bàn thờ của gia đình dân tộc Tày, Nùng nào cũng có mỗi bên một cây mía lùi, một bên cúng nam giới (cụ ông), bên kia là nữ (cúng cụ bà).

Chợ mía được hình thành từ nhu cầu cúng tế tổ tiên vào dịp tết của người dân không biết từ bao giờ. Vì vậy, cứ vào ngày cuối năm âm lịch, chợ mía thuộc xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) lại tấp nập người mua kẻ bán.

Theo đồng bào dân tộc Tày, Nùng gọi đây là ngày “Đắp” (tức ngày cuối năm âm lịch), người dân đi chợ để mua sắm đồ Tết cho gia đình, tuy nhiên, mặt hàng chủ yếu vẫn là mía lùi.

Chợ mía Thông Huề
Chợ mía Thông Huề

Ngày cuối năm đi chợ sắm… mía lùi

Từ thành phố Cao Bằng chạy dọc về 50km, khi vượt qua đèo Mã Phục và Khau Liêu ngoằn ngoèo và uốn lượn, chợ Thông Huề hiện ra sau cánh đồng mấp mô ven những sườn đồi. Bao đời nay, Thông Huề vốn nổi tiếng với những đồng bạt ngàn mía lùi được thu hoạch cuối năm.

Vào những ngày thường, Thông Huề được chọn làm địa điểm tổ chức họp chợ phiên vào các ngày mùng 2,7, 12, 17, 22, 27 hàng tháng. Từ lâu, chợ Thông Huề đã có những lễ hội đặc sắc như hội Lồng Tồng, hội chợ tình, cầu mùa… được đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, vào ngày chợ cuối năm chợ mía mới được họp chuyên phục vụ cho mục đích tâm linh cúng tế bàn thờ tổ tiên.

Hàng mía được bày bán từ sáng sớm
Hàng mía được bày bán từ sáng sớm

Trước khi đem mía ra chợ bày bán, người buôn mía bao giờ cũng phải để nguyên ngọn, chọn những cây dài, đẹp, sau đó mới buộc thành từng cặp. Như vậy, khách sẽ đến mua nhiều và được giá hơn những dịp chợ phiên thông thường.

Anh Nông Văn Tậu người bán mía ở xóm Sộc Riêng, xã Thông Huề cho biết: “Vào ngày cuối năm này, không ai hẹn ai mọi người đều đến chợ từ sáng sớm. Nhiều năm nay, cứ đến ngày này là tôi cùng vợ thay mẹ bán mía lùi. Năm nào cũng bán hết hàng và được giá lắm. Vì nhà nào cũng cần phải có mía để bày cạnh bàn thờ tổ tiên mà. Trước khi đem mía ra chợ, năm nào tôi cũng để riêng một cặp cho gia đình mình để đến đêm giao thừa mới bắt đầu bày lên bàn thờ cúng tế”.

Cây mía luôn được để ngọn để bày bán
Cây mía luôn được để ngọn để bày bán

Độc đáo tục cúng tổ tiên bằng cặp mía lùi

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng huyện Trùng Khánh cho rằng: Cây mía là vật tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi mạnh mẽ. Đồng thời là cây giúp con người giải khát nên được người dân quan niệm như nguồn nước vô tận mang lại sự sống cho cây cối, mùa màng không bị hạn hán. Vì vậy, đã từ lâu đồng bào Tày, Nùng nơi đây đã chọn cây mía lùi làm lễ cúng bàn thờ vào những ngày Tết, mong được thần linh, tổ tiên phù hộ, ban phúc.

Hai bên bàn thờ được dùng để đặt dọc mỗi bên một cây mía, một bên cúng nam giới (cụ ông), bên kia là nữ (cúng cụ bà). Mía được bày cho đến hết ngày mùng 5 âm lịch, người dân mới cất xuống dưới bàn thờ.

Ông Nông Văn Khoan (65 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề cho hay: “Tục cúng mía tổ tiên ngày tết đã có từ rất lâu đời, thế hệ như chúng tôi cũng chẳng thể nào biết được. Đây là nét đẹp truyền thống của người dân tộc vùng núi về tinh thần đoàn kết và việc biết ơn tổ tiên cũng như thiên nhiên, núi rừng. Chợ mía cũng được người dân gắn với những ý nghĩa cao đẹp kể từ khi nó được hình thành”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại