Giải mã câu hỏi nhức nhối: Tên lửa VN có "cơn sốt thiếu đạn" để đánh B-52 Mỹ?

Đại tá Trần Danh Bảng |

Câu hỏi này tới nay vẫn nhức nhối với nhiều người quan tâm đến chiến sử Việt Nam về thời kỳ đỉnh cao cuộc tập kích bằng B-52 của Không quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam tháng 12-1972.

LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!

Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.

----------

GIẢI MÃ CÂU HỎI NHỨC NHỐI: TÊN LỬA VIỆT NAM CÓ "CƠN SỐT THIẾU ĐẠN" ĐỂ ĐÁNH B-52 MỸ?

Câu hỏi này tới nay vẫn nhức nhối với nhiều người quan tâm đến chiến sử Việt Nam về thời kỳ đỉnh cao cuộc tập kích bằng B-52 của Không quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam tháng 12-1972.

Nhưng cũng có một câu hỏi không kém hóc búa là: Không quân chiến lược Mỹ có thể gắng gượng bao lâu, sau Noel 1972, khi mà con số máy bay đắt tiền B-52 "rụng như sung" ngay trên bầu trời Hà Nội.

Câu hỏi sau thì chỉ có người Mỹ mới trả lời được, tùy theo tính toán chiến lược tác chiến toàn cầu của họ. Còn câu hỏi đầu tiên người Việt Nam tới nay có thể tiết lộ.

Đêm nào cũng có những tiểu đoàn phải đánh đến quả đạn cuối cùng

Trước thực trạng sau đêm Noel, số máy bay B-52 vẫn liên tục bị bắn hạ, cùng với đó là số phi công sừng sỏ của không quân chiến lược Mỹ vào "Hilton Hà Nội" ngày càng "đông đàn dài lũ" khiến báo chí phương Tây nhận định chua cay: "Cứ với tốc độ này, chỉ 3 tháng nữa B-52 sẽ bị tuyệt chủng!"

Như vậy, với cách tính toán chiến dịch, căn cứ vào số máy bay rơi, cường độ nghênh chiến hai bên, nhịp độ độ bắn… người ta thấy những ngày đầu chiến dịch tiêu thụ đạn tên lửa của bộ đội tên lửa Việt Nam rất lớn.

Trước ngày đầu đọ sức (18/12/1972), các tiểu đoàn tên lửa vẫn có một số đạn dự trữ, nhưng không đáng kể. Chuẩn bị cho chiến dịch, các tiểu đoàn tên lửa được tăng cường 2 cơ số đạn S-75 (SAM-2). Ở Hà Nội, Hải Phòng, có nhiều dây chuyền sản xuất (lắp ráp) đạn.

Từ ngày 18 ,19 tháng 12 năm 1972 trở đi, các dây chuyền sản xuất đạn sản xuất cả ngày lẫn đêm để kịp có đạn cho bộ đội chiến đấu. Tính toán dự phòng cũng đã được triển khai, nhưng nhịp độ bắn cao, tiêu thụ đạn tăng, nên mới chỉ qua hai đêm 18 và 19, "cơn sốt đạn tên lửa" đã nhức nhối tâm can nhiều chỉ huy các cấp.

Giải mã câu hỏi nhức nhối: Tên lửa VN có cơn sốt thiếu đạn để đánh B-52 Mỹ? - Ảnh 1.

Đạn tên lửa chuẩn bị chuyển đến trận địa hỏa lực.

Khẩu hiệu tiết kiệm đạn "Dành đạn cho pháo đài bay B-52" đã trở thành mệnh lệnh cho các đơn vị tên lửa phòng không. Đương đầu với hàng trăm, hàng nghìn lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá liên tục cả ngày lẫn đêm dồn cho bộ đội cao xạ, không quân và dân quân tự vệ đảm nhiệm.

Nhưng các đơn vị tên lửa vẫn phải bắn nhịp độ cao chặn B-52, nên không thoát khỏi tình trạng thiếu đạn. Hầu như đêm nào cũng có những tiểu đoàn phải đánh đến quả đạn cuối cùng.

Có câu chuyện chiều 26/12/1972, địch huy động khoảng 60 máy bay phản lực các loại đánh vào vòng trong và phía trước để dọn đường cho B-52 vào rải thảm Hà Nội. Tiểu đoàn 72 vừa từ Hải Phòng lên triển khai ở Đại Chu, kíp 1 của tiểu đoàn này đã bắn cháy 1 máy bay chiến thuật F-4. Nhưng dù đánh trúng vẫn bị nhắc nhở vì "lãng phí đạn!"

Thiếu đạn! Đúng. Nhưng không có nghĩa là không còn đạn, những ngày đầu, đạn sản xuất không kịp, chở đạn không kịp nhịp độ bắn và tiêu thụ đạn cao, nên "thiếu" cục bộ đã xảy ra ở một vài trận địa.

Nhưng lối đánh bọc lót cho nhau, đánh chắc thắng và sau Noel 1972, PK-KQ Việt Nam đã chuyển hóa thế trận, chuyển hóa linh hoạt nhiều cách đánh, trình độ thao tác của nhiều kíp bắn "điêu luyện", thành thục hơn. Đây là yếu tố cốt tử giảm chi phí đạn ở mỗi tiểu đoàn, nên tình trạng thiếu hụt đạn trong từng trận, từng đêm không trở nên nghiệt ngã.

Trung tướng Lương Hữu Sắt nguyên Cục trưởng Cục Vũ khí đạn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật từng kể:

"Đêm 19, địch vào 87 lần/chiếc B-52; đêm 20-12-1972, tăng lên 93 lần chiếc máy bay B-52. Ai nấy đều hồi hộp nghĩ rằng đêm 21-12-1972, địch sẽ vào nhiều hơn, mà đạn tên lửa thì chỉ lắp ráp có hạn nên sẽ là đêm thử thách ngặt nghèo nhất, khốc liệt nhất. Nhưng những điều dự đoán đó lại không xảy ra.

Đêm 21, chỉ có một đợt 24 lần chiếc máy bay B-52 tập trung đánh vào Bệnh viện Bạch Mai, khu dân cư An Dương, ga Giáp Bát, Văn Điển,… Từ đêm 22 trở đi, B-52 đổi chiến thuật, hầu như "lảng xa" Hà Nội. Đêm 23, B-52 vào đánh Đồng Mỏ-Lạng Sơn, Bắc Giang.

Đêm 24, B-52 đánh Thái Nguyên, Kép. Như vậy, đang "cơn sốt" đạn tên lửa, các đơn vị bảo vệ Hà Nội lại có thời gian để sản xuất, bổ sung đạn. Các đơn vị tên lửa, pháo phòng không nhanh chóng rút kinh nghiệm chiến đấu. Vì thế, đến ngày 26-12-1972, các bệ phóng tên lửa của ta đã có đủ cơ số đạn theo quy định. "Cơn sốt" đạn đã bị đẩy lùi".

Bộ đội tên lửa không còn phải lo thiếu đạn, chủ động tự tin chuẩn bị sẵn sàng cho trận đánh quyết định đêm 26-12-1972.

Tình trạng khan hiếm đạn tên lửa để đánh máy bay B-52 trong một vài ngày đầu chiến dịch là có thật. Nhưng không phải chúng ta đã hoàn toàn bị bó tay, mà trên thực tế, đạn cho đánh B-52 vẫn được bảo đảm để đêm nào cũng đánh thắng. Như đêm 26-12 đã chứng tỏ.

Giải mã câu hỏi nhức nhối: Tên lửa VN có cơn sốt thiếu đạn để đánh B-52 Mỹ? - Ảnh 2.

Tên lửa SAM sẵn sàng chiến đấu.

Nguyên nhân

Mặc dầu cả guồng máy lắp ráp đạn tên lửa được vận hành hết công suất. Hai ca sản xuất suốt ngày đêm, sản xuất được quả đạn nào lập tức được đưa ngay xuống các trận địa. "Cơn sốt đạn" không những không thuyên giảm mà tiếp tục tăng cao vào các đêm 19 và 20. Ai nấy đều lo lắng.

Tình trạng thiếu đạn tên lửa xảy ra bởi nhiều lý do. Trước hết chúng ta chưa dự đoán đầy đủ quy mô lớn của trận tập kích chiến lược với số lượng B-52 tham chiến lớn như vậy.

Theo lời mô tả của viên Đại úy phi công Mỹ Rô-bớt Vôn-phơ đăng trên tạp chí Ai Forces - 1977 thì đêm 18/12 "đàn voi con" bao gồm 67 chiếc B.52 nối đuôi nhau dài tới 70 dặm ầm ầm kéo vào Hà Nội.

Cường độ đánh phá cũng đạt tới mức kỷ lục: Đêm 18 có 90 lần/chiếc tập kích liên tiếp 3 đợt vào hầu hết các mục tiêu quan trọng ở Hà Nội. Đêm 19 có 87 lần/chiếc và đêm 20 tới 93 lần/chiếc được huy động.

Máy bay địch bay vào ngày càng đông, nhưng do thiếu kinh nghiệm trong trận đầu dẫn đến bắn trượt, bắn hỏng cộng với việc sử dụng đạn tên lửa có phần phung phí ở một vài đơn vị đã góp phần dẫn đến việc khan hiếm đạn.

Sự "phung phí" ấy không "mất" hẳn đi như kiểu "vật chất biến mất". Chính nhờ hai ngày cọ sát khởi đầu rất quyết liệt đó, mới hình thành trong thực chiến nhiều cách đánh, đặc biệt khẳng định cách đánh B-52 khi không nhìn thấy trực tiếp mục tiêu (trong dày đặc nhiễu).

"Học phí" tốn kém, nhưng phương pháp giải "bài toán đánh B-52" thì các kíp bắn từ đây đã nắm rất chắc trên thực chiến. Tiểu đoàn nào cũng có kíp bắn "điêu luyện".

Sau đêm Noel, có tới 13 tiểu toàn tên lửa tham chiến, nên gánh nặng được san sẻ cho nhiều hướng, mức độ căng thẳng về đạn không còn quá bức xúc.

Về kỹ thuật, nguyên nhân thiếu đạn còn do tính chất biệt hóa của từng trái đạn (nhằm đồng bộ với từng đài, tránh nhiễu lệnh). Không phải hễ lắp ráp xong trái nào thì bổ sung ngay cho nơi thiếu. Vì đạn có mã, có cốt, theo địa chỉ từng phân đội hỏa lực.

Giải mã câu hỏi nhức nhối: Tên lửa VN có cơn sốt thiếu đạn để đánh B-52 Mỹ? - Ảnh 3.

B-52 Mỹ ở Guam.

Dẫu tốc độ lắp ráp đạn yêu cầu cao, nhưng không được bỏ qua khâu nào. Nhất là khâu kiểm tra kíp, nạp nhiên liệu… rất công phu, tỷ mỉ. Một số trường hợp bệ phóng hết đạn, nhưng lối xe chở đạn vào nạp bị băm nát, không đáp ứng kịp…

Kế hoạch ban đầu của Bộ chỉ huy liên quân Mỹ thì chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II được thực hiện trong 3 ngày với phương châm "đánh thật mạnh, thật nhanh, gặt hái thắng lợi trước Noel 1972".

Nhưng sau khi phân tích và nhận thấy rằng húc đầu vào Hà Nội, Hải Phòng là húc vào tường lửa dày đặc SAM, bị đánh hất lên, thốc vào mặt, những bộ óc thực dụng của Mỹ đã điều chỉnh kế hoạch.

Từ đêm 22/12, B.52 lại cố tình "lảng xa" Hà Nội? Những phi công còn sống sót thừa nhận: "Ngày 20/12 chứng kiến nỗ lực phòng thủ mãnh liệt nhất của Bắc Việt Nam chống lại các máy bay B.52 và đó là một ngày tổn thất cao nhất của chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II.

Sự thật nghiệt ngã như vậy! Đêm 20 rạng sáng 21, Mỹ tung vào Hà Nội nhiều B-52 nhất (93 lần/chiếc) cũng chính là đêm B-52 bị bắn rơi tại chỗ nhiều nhất: 4 chiếc. Đêm 21 có một đợt 24 chiếc vào đánh phá thì 3 chiếc bị bắn rơi tại chỗ. Có hãng thống tấn bình luận: "Cứ với tốc độ này, chỉ 3 tháng nữa B-52 sẽ bị tuyệt chủng!".

Mức thiệt hại trong 3 ngày đầu của chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II đã vượt quá mức tưởng tượng của Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ (SAC), cũng như Lầu Năm Góc. Bên cạnh sự nhức nhối về số máy bay B-52 bị bắn rơi mà còn vấn đề tinh thần hoang mang dao động của phi công Mỹ.

Từ sau đêm 20, các căn cứ suy sụp. Có phi công viết đơn phản kháng như hành động của Mai-cơn Hếch - một phi công từng có 262 lượt bay chiến đấu ở Đông Dương.

Người Mỹ cũng nhận ra sự máy móc của "điều lệnh bay", từ khúc ngoặt bay ra, đến độ cao thoát thân… "khiến cho đối phương" khoét sâu, đón lõng ở cự ly, góc bắn này!

Trước một thực trạng như vậy, việc giảm cường độ và tần suất oanh kích từ sau ngày 21 và việc B-52 "lảng xa" Hà Nội từ sau ngày 22 là điều tất yếu.

Thực tế SAC không còn đủ sức để tiếp tục cuộc đấu trí, đấu lực ở cường độ cao như 3 ngày đầu của chiến dịch; hơn nữa số lượng B-52 bị bắn rơi quá lớn đã không cho phép SAC tiếp tục đi nước cờ phiêu lưu, mạo hiểm.

Họ sợ rằng "nếu B-52 cứ rơi với tốc độ như thế này thì sau hai tuần lễ sẽ không còn máy bay B-52 ở Đông Nam Á để chiến đấu nữa". Dẫu thế, SAC cũng không tài nào xoay chuyển được tình thế.

Kết luận, tình trạng khan hiếm đạn tên lửa trong 3 ngày đầu tiên của chiến dịch phòng không tháng 12/1972 là có thực. Nó đã đạt tới đỉnh điểm vào đêm 20 rạng ngày 21.

Việc ta chặn đứng được tình trạng trên không phải hoàn toàn nhờ vào việc giảm cường độ và tần suất oanh kích của B.52 trong 3 ngày tiếp theo đó mang lại. Thực ra thì họ muốn "đánh nhanh, dứt điểm" nhưng "lực bất tòng tâm".

Có những ý kiến của các tướng lĩnh PK-KQ Việt Nam cho biết, ta còn hằng trăm quả đạn ở các kho dã chiến, nếu cường độ lắp ráp, sản xuất tốt, vẫn bảo đảm đánh B-52 ở cường độ xâm nhập cao.

Máy bay B-52 Mỹ ném bom rải thảm.

Theo tạp chí Air Forces (số 7/1977) thì "tới ngày 25/12 khi số B-52 bị rơi cao tới mức không thể chấp nhận được, lúc đó Mỹ mới nghiên cứu tới việc phối hợp đánh vào đối thủ chính đã diệt B-52, đó là tên lửa SAM".

Chiến thắng B-52 không hề dễ dàng, ngày 28, tiểu đoàn tên lửa 94 tại Tam Sơn (Bắc Ninh) bị 32 chiếc A-7 và 8 chiếc F-4 tấn công hủy diệt trận địa. Tiểu đoàn phó, chính trị viên phó và 5 chiến sĩ hi sinh.

Từ 12 giờ 59 phút đến 1 giờ 6 phút ngày 28 tháng 12, Không quân chiến thuật của Hoa Kỳ huy động 32 lần chiếc A-7 và 12 lần chiếc F-4 ném bom, bắn phá các mục tiêu trận địa tên lửa. Các tiểu đoàn tên lửa 57 và 77 bị máy bay Mỹ đánh hỏng khí tài.

Giải mã câu hỏi nhức nhối: Tên lửa VN có cơn sốt thiếu đạn để đánh B-52 Mỹ? - Ảnh 5.

Bộ tư lệnh lệnh PK-KQ cơ động hai tiểu đoàn tên lửa 87 và 88 từ phía Nam Hà Nội lên hướng phòng thủ Đông Bắc nhưng vì các cầu, phà bị bom đánh hỏng nên kế hoạch triển khai trận địa bị chậm trễ…

Có những câu hỏi còn lo xa, nếu B-52 oanh kích một tuần nữa, vài tuần nữa thì sao?

Lịch sử không có chữ nếu! Nhưng tư duy logic thực tế thì có thể diễn giải, rằng: hàng trăm trái đạn SAM-2 ở Quân Khu IV đang chuyển ra. Đã có những chuyến tàu chở đạn SAM-3 (S-125) về qua ngả Đồng Đăng, có nghĩa là hai trung đoàn 276 và 277 vừa về kịp sẽ có cơ hội đánh thắng với sự ưu việt của khí tài Pechora này (kháng nhiễu tốt).

"Lúc này, ta khó một, thì Mỹ khó nhiều lần" với logic dụng ngôn này có thể lý giải câu hỏi thiếu đạn đánh B-52 của Việt Nam tháng 12 năm 1972.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại