Tên lửa Tomahawk Mỹ tập kích Syria: Đốt tiền mua vui?

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến -Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng |

Cuộc tiến công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ vào căn cứ không quân Al-Shayrat đã phá hủy 1 máy bay Su-22M, 5 máy bay Su-22M3 và 3 máy bay MiG-23.

LTS: Đã hơn nửa năm trôi qua, kể từ khi Quân đội Mỹ bất ngờ tiến công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Shayrat, với cớ Quân đội Sirya sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân.

Tuy nhiên nhiều bí ẩn về vụ tiến công được tất cả các bên "im lặng". Tình tiết vụ tiến công được đưa tin tới tấp; khi độ nóng tin tức đã tan dần, nhưng nhiều nghi vấn về cuộc tiến công lần này vẫn chưa được làm rõ.

Xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của tác giả Trịnh Ngọc Tiến phân tích từ góc độ kỹ thuật giúp bạn đọc tìm hiểu thêm bản chất sự việc.

Kỳ 1: Tên lửa Tomahawk Mỹ tấn công căn cứ không quân Syria: Né S-400 và S-300 Nga thật xa

Kỳ 2: Tên lửa Tomahawk Mỹ ồ ạt tập kích Syria quá hiểm hóc: S-400 và S-300 Nga trơ mắt nhìn?

----

KỲ CUỐI: TÊN LỬA TOMAHAWK MỸ TẬP KÍCH SYRIA - ĐỐT TIỀN MUA VUI?

Thiệt hại của Syria là bao nhiêu?

Theo tin của đài truyền hình nhà nước Syria, đến ngày 9/4/2017, cho biết cuộc tiến công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ vào căn cứ không quân Al-Shayrat đã phá hủy 1 máy bay Su-22M, 5 máy bay Su-22M3 và 3 máy bay MiG-23.

Ngoài ra tên lửa còn phá hủy radar của một hệ thống phòng không gần sân bay của quân đội chính phủ Syria và một hệ thống tên lửa chiến thuật M600 sản xuất tại Iran. Xem xét từ hình ảnh công khai tên báo chí, không ít người thấy hiện trường quá đổ nát, tổn thất rất lớn, sự thật có đúng như vậy không?

Trước hết hãy xem xét về máy bay chiến đấu Su-22, đây là loại máy bay Su-17M3 xuất khẩu thập niên 70 thế kỷ trước. Loại máy bay này trang bị động cơ R-29BS-300, hiện nay loại máy bay này đã ngừng chế tạo từ lâu, cũng không còn tồn kho.

Có nguồn tin cho biết, 5 máy bay Su-22M3 cất giữ trong hầm chứa đều là loại đã bị tháo dỡ hết linh kiện cho máy bay khác. Có thể nói, Su-22M3 đã không còn cần thiết tiếp tục bảo dưỡng, cũng không thích hợp để tiếp tục duy tu. Tổn thất mấy chiếc Su-22M3 gần thải loại thực ra không có gì nghiêm trọng.

Xem xét về Su-22M, hình ảnh truyền hình gần đây về chiến trường Syria cho thấy, không lâu trước đây, loại máy bay này còn là máy bay chủ lực của không quân Syria, sánh vai chiến đấu cùng MiG-23.

Vì vậy hai loại máy bay trên bị tổn thất mất 4 chiếc, có thể tạo ra ảnh hưởng đối với quân đội Syria, nhưng không lớn, vì nửa cuối năm 2016, Nga đã cung cấp cho quân đội Syria loạt máy bay ném bom Su-24M2 mà Quân đội Nga sử dụng.

Còn hệ thống tên lửa M600 chỉ bị phá hủy xe chuyên chở, tính năng của loại tên lửa này vẫn tốt, nhưng giá thành chế tạo không cao.

Tên lửa Tomahawk Mỹ tập kích Syria: Đốt tiền mua vui? - Ảnh 1.

Máy bay trong nhà chứa ở căn cứ không quân Syria bị phá hủy.

Mỹ đã đốt tiền mua vui?

Nếu bỏ qua ảnh hưởng về chính trị, xem xét đơn thuần về hiệu quả tiến công quân sự lần này thì đây là một cuộc đổi chác thua lỗ nhất của hành động tiến công bằng tên lửa hành trình.

Trong năm tài khóa 2016, giá mua tên lửa Tomahawk khoảng 1,7 triệu USD/quả, 60 quả tên lửa Tomahawk khoảng trên 100 triệu USD, không những không làm tê liệt một sân bay, thậm chí những máy bay bị phá hủy cùng công trình kèm theo cộng lại không bằng giá tiền số tên lửa đã phóng.

Điều thú vị là, sau 12 giờ bị công kích, chiều 7/4/2017 ít nhất có 1 chiếc máy Su-22 từ sân bay quân sự Shayrat lại cất cánh làm nhiệm vụ chiến đấu.

Từ ngày 9/4, xem tin tức hình ảnh trên truyền hình khi quan chức cao cấp quân chính phủ Syria thị sát sân bay Shayrat thấy rằng, tuy tên lửa Tomahawk đánh phá có trọng điểm các hầm chứa máy bay, nhưng đường băng sân bay và các máy bay đỗ trên đường băng dường như không bị phá hoại.

Tin tức lan truyền trên các mạng khác còn cho thấy, những chiếc máy bay bị oanh tạc trong hầm chứa đều không được duy tu, đã mất sức chiến đấu từ trước, ngược lại những chiếc lộ thiên tưởng như "đồ cũ nát" mới thực sự là những máy bay chiến đấu có thể cất cánh làm nhiệm vụ tiến công.

Chính vì vậy, bên ngoài đã có không ít hoài nghi về hiệu quả tác chiến tiến công sân bay của tên lửa Tomahawk. Chẳng lẽ tên lửa hành trình lại là loại vũ khí "không thích hợp" cho tiến công sân bay?

Phân tích các bức ảnh hiện trường về sân bay Shayrat được công bố thấy rằng, các hầm chứa máy bay bị oanh tạc chưa bị phá hoại nghiêm trọng, kết cấu chính về cơ bản vẫn còn nguyên, nhưng máy bay để bên trong lại trở thành đống sắt vụn, điều này phù hợp với hiệu quả tiến công của đầu đạn xuyên phá.

Xuất phát từ yêu cầu phần đầu đạn xuyên phá của tên lửa Tomahawk chiến thuật, trọng lượng phần thuốc phóng tên lửa đều phải tăng lên đáng kể.

Kích thước của phần đầu đạn nổ phá và lượng thuốc nổ buộc phải rút đi, chỉ còn 200 kg, nên sức công phá khá thấp. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp vì sao sau 12 giờ, sân bay bị tiến công đã có thể khôi phục hoạt động trở lại.

Trên thực tế, với một sân bay lớn có 2 đường băng dài hơn 3.000m, trận địa phòng không, kho tàng hậu cần, nhà ăn, trung tâm huấn luyện,... và hơn 10 hầm chứa máy bay được làm bằng xi măng cốt thép của sân bay Shayrat, thì vài chục quả tên lửa Tomahawk chiến thuật mang đầu đạn xuyên phá khó mà phá hủy hoàn toàn được đường băng sân bay.

Là vũ khí lợi hại "đánh điểm huyệt" từ xa hàng ngàn km, xác suất trúng đích của tên lửa Tomahawk là điều đáng kinh ngạc; nhưng chỉ là sự "bắt nạt nhỏ".

Xem xét hình ảnh vệ tinh đánh giá hiệu quả tiến công được phát đi sau hành động tiến công của Quân đội Mỹ lần này, trong 60 quả tên lửa, có 1 quả gặp sự cố, 1 quả mất mục tiêu, còn lại đánh trúng 44 mục tiêu dự định (một số mục tiêu còn bị nhiều quả tên lửa tiến công), xác suất trúng đích 96%.

Tuy nhiên, cho dù là nhiều quả tên lửa xuyên vào 1 điểm cũng không che giấu nổi nhược điểm về cường độ tiến công. Ảnh chụp hiện trường cho thấy, trên mỗi nóc hầm chứa máy bay bị oanh tạc đều có 1 lỗ đạn lớn có kích thước khác nhau, điều này chứng tỏ có nhiều quả tên lửa hành trình phát nổ bên trong, nhưng một số cửa hầm chứa lại không bị đánh sập.

Tên lửa Tomahawk Mỹ tập kích Syria: Đốt tiền mua vui? - Ảnh 2.

Máy bay trong nhà chứa ở căn cứ không quân Syria sau đòn tập kích của tên lửa Tomahawk Mỹ.

Ví dụ, 3 quả Tomahawk đều đánh trúng tòa nhà trung tâm huấn luyện của sân bay, tuy tòa nhà chỉ kết cấu bằng gạch ngói thông thường, nhưng chỉ bị đánh sập một nửa.

Xem ra, tên lửa Tomahawk chỉ thích hợp tiến công những mục tiêu "nhỏ" có giá trị như trung tâm chỉ huy, kho tàng hậu cần và hệ thống phòng không, hoặc tiến đánh các mục tiêu quy mô nhỏ như cuộc tiến công lần này.

Nếu thực sự muốn làm tê liệt một sân bay, thì ngoài sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk tiến công chính xác, còn phải sử dụng máy bay ném bom đánh phá liên tục đường băng, mới có thể phá tan một sân bay cũng như làm hư hỏng các mục tiêu khác trên sân bay.

Những nghi ngờ vẫn chưa có lời giải đáp, khi tình trạng của sân bay sau cuộc tập kích dữ dội bằng 59 quả tên lửa Tomahawk hầu như không bị ảnh hưởng đáng kể. Những tổn thất sau cuộc tập kích có thể đếm được trên đầu ngón tay, không bằng một cuộc tập kích của một phi đội F-4 Phantom trong chiến tranh ở Việt Nam.

Sân bay quân sự trở lại trạng thái sẵn sàng chiến đấu chỉ một ngày sau cuộc tập kích, khác hoàn toàn với những cuộc tập kích khác mà quân đội Mỹ đã tiến hành trong lịch sử các cuộc chiến tranh mà sau đó, các cơ sở hạ tầng hầu như bị san phẳng và phá hủy hoàn toàn.

Điều đó khiến các nhà bình luận quân sự Mỹ và thế giới đặt ra câu hỏi, phải chăng giữa Nhà Trắng và điện Kremlin đã có thỏa thuận nào đó để Trump có thể giữ được thể diện và Syria không chịu quá nhiều tổn thất.

Nếu thực sự muốn hủy diệt, với khả năng phòng không yếu kém của Sirya, thì những máy bay ném bom chiến lược B-52 tại căn cứ trên đất châu Âu có thể dễ dàng san phẳng một mục tiêu như vậy mà không phải tốn phí một số lượng tên lửa hành trình quá lớn để tiến công một mục tiêu không có quá nhiều ý nghĩa về mặt chiến thuật.

Điều này đi ngược quan điểm thực dụng của người Mỹ và chúng ta hoàn toàn có thể nghi ngờ vụ tiến công của Mỹ vào căn cứ quân sự.

Máy bay Su-22M của Không quân Syria xuất kích, chỉ một ngày sau cuộc tập kích của Hải quân Mỹ bằng tên lửa Tomahawk vào sân bay Shayrat

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại