MK: Ông Putin ra lệnh đáp trả Mỹ
Tờ Moskovsky Komsomolets (MK) của Nga ngày 11/9 đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định đưa ra phản ứng phi đối xứng nhằm đáp trả mối đe dọa từ Mỹ trong việc cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa như ATACMS.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga nhận định rằng Washington "có vẻ đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga". Ông lưu ý, Moscow "sẽ có phản ứng thích hợp".
"Quyết định rất có thể đã được (Mỹ) đưa ra, với xác suất cao" - Ông Peskov nói - "Ở thời điểm hiện tại, các phương tiện truyền thông chỉ đơn giản đang thực hiện một chiến dịch thông tin để chính thức hóa quyết định đã được đưa ra".
Về phần Mỹ, theo tờ Guardian (Anh) ngày 11/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken "đã đưa ra tín hiệu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay" rằng Nhà Trắng sắp dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng bên trong lãnh thổ Nga.
Tờ báo Anh cũng đồng thời cho biết, "quyết định về vấn đề này dường như đã được đưa ra một cách riêng tư".
Phát biểu tại Kyiv cùng Ngoại trưởng Anh David Lammy, ông Blinken cho biết, Washington "ngay từ ngày đầu tiên" đã sẵn sàng điều chỉnh chính sách của mình khi tình hình trên chiến trường Ukraine thay đổi.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó" - ông Blinken nói.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga đã thay đổi tư duy chiến lược của London và Washington. Mỹ đánh giá động thái của Iran "là một sự leo thang đáng kể và nguy hiểm".
"Người khiến tình hình leo thang ở đây là ông Putin, với lô hàng tên lửa từ Iran. Từ đây, chúng ta nhận thấy một trục mới của Nga - Iran - Triều Tiên" - Ông Blinken lưu ý.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Lammy thúc giục Trung Quốc "không tham gia" cùng 3 nước trên.
Một nguồn tin trong chính phủ Anh cho biết, London đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow (tầm bắn tối đa lên tới 550km) để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, mặc dù quyết định này có thể sẽ chưa được công bố ngay ngày mai (13/9), khi Thủ tướng Anh Keir Starmer có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại thủ đô Washington.
Theo người đứng đầu Ủy ban Chính sách Thông tin của Hội đồng Liên bang Nga Alexei Pushkov, chỉ trong vài ngày tới, quyết định chính thức của Mỹ và phương Tây về việc cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga sẽ được công bố.
"Rõ ràng là quyết định cho phép tấn công vào lãnh thổ Nga đang được chuẩn bị. Việc rò rỉ thông tin qua tờ Guardian không phải là điều ngẫu nhiên" - Ông Pushkov nói.
Trả lời phỏng vấn của Đài RTVI, ông Aleksandr Ermakov - một chuyên gia về vũ khí chiến lược và là nghiên cứu viên tại IMEMO RAS, các sân bay quân sự, trung tâm hậu cần quan trọng và sở chỉ huy quân sự của Nga sẽ là những nơi đầu tiên bị tên lửa chiến thuật ATACMS của Mỹ tấn công (tầm bắn lên tới 300 km).
Hiện có 2 phiên bản của tên lửa này - phiên bản M39A1 có tầm bắn tối đa 300 km và phiên bản M39 tầm bắn tối đa 165 km. M39A1 có thể được hiệu chỉnh bằng cách sử dụng định vị vệ tinh. M39 cũ hơn chỉ được trang bị hệ thống định vị quán tính, do đó độ chính xác khi bắn trúng mục tiêu kém hơn.
Theo ông Ermakov, các mục tiêu của Nga ở Smolensk, Kaluga, Lipetsk và Volgodonsk có thể bị tấn công. ATACMS hiện không vươn tới được Moscow, nhưng nếu các nước phương Tây khác làm theo Mỹ thì mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng tên lửa vào thủ đô của Nga là điều không thể tránh khỏi, bởi tên lửa Storm Shadow mà Anh-Pháp cung cấp cho Kiev có tầm bắn lên tới 550km.
Đòn giáng của Nga
Theo MK, ông Putin đã yêu cầu Thủ tướng Mikhail Mishustin xem xét hạn chế nguồn cung nguyên liệu thô mà Mỹ đang nhập khẩu, trong đó có uranium và titan. Sự thiếu hụt của 2 mặt hàng này có thể "giáng đòn nặng nề" lên 3 lĩnh vực trụ cột của kinh tế Mỹ, bao gồm năng lượng hạt nhân, sản xuất vũ khí và hàng không.
Yêu cầu được nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong cuộc họp với các thành viên chính phủ. Ông Putin lưu ý, Nga là nước dẫn đầu thế giới về trữ lượng nguyên liệu thô, như nắm trong tay 22% trữ lượng khí đốt, 25% trữ lượng vàng và 55% trữ lượng kim cương của thế giới.
"Nói đến đây, ông Putin đột nhiên quay sang ông Mishustin và lập tức liệt kê các mặt hàng xuất khẩu mà Nga có thể hạn chế trước tiên, bao gồm uran, titan, niken" - MK cho hay.
Theo tờ báo, ý định của ông chủ Điện Kremlin đã quá rõ ràng. Mỹ là nước nhập khẩu chủ lực uranium làm giàu của Nga trong nhiều năm qua để sử dụng trong ngành năng lượng hạt nhân và sản xuất vũ khí. Bên cạnh đó, Washington cũng nhập khẩu lượng lớn titan để phục vụ ngành hàng không.
Năm ngoái, Nga đã xuất sang Mỹ lượng uranium có tổng giá trị 1,9 tỷ USD - cao hơn so với năm 2022. Thời điểm đó, một số chuyên gia cho rằng Mỹ đang lập kho dự trữ chiến lược để chuẩn bị cho tình hình leo thang.
Tháng 5 năm nay, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm mua uranium của Nga nhưng theo MK, lệnh này chỉ áp dụng đối với uranium làm giàu thấp, và còn có các điều khoản ngoại lệ đi kèm.
Ví dụ, trong năm 2024, trong trường hợp không có nguồn lực nào khác đủ khả năng hỗ trợ hoạt động liên tục của các công ty điện hạt nhân thì Mỹ được phép nhập 476,5 tấn uranium chưa làm giàu của Nga. Con số này đồng thời được xác định là 470 tấn vào năm 2025 nếu xảy ra trường hợp tương tự.
Hiện tại, Mỹ chưa đưa ra hạn chế trực tiếp nào đối với nguồn cung titan và niken từ Nga.
Theo tờ Bloomberg, kế hoạch hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô của ông Putin dường như không chỉ nhằm vào Mỹ, mà còn nhắm tới phương Tây nói chung. Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với kinh tế Nga kể từ năm 2022, khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng, trong đó có niken, paladi và uranium, không bị hạn chế nên vẫn tiếp tục được vận chuyển tới các thị trường phương Tây.