Phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat. Ảnh: AFP.
Uy lực đáng sợ và toàn diện của tên lửa Sarmat
Hồi tháng 4/2022, Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới khắp mọi nơi trên thế giới. Tên lửa mới này mang tên chính thức đầy đủ là RS-28 Sarmat. NATO đặt cho nó biệt danh “Satan II”.
Trong một phát biểu trên truyền hình hồi đó, Tổng thống Nga Putin tự hào nói rằng tên lửa này không có vũ khí tương đương ở bất cứ nơi nào trên thế giới và sẽ buộc các đối thủ của Nga phải “nghĩ hai lần” trước khi đưa ra lời đe dọa với Nga.
Trong cuộc phóng thử vào tháng 4, Nga cho hay Sarmat được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk và các đầu đạn huấn luyện của nó đánh trúng các mục tiêu tại bãi thử tên lửa Kura trên bán đảo Kamchatka.
Sau vụ bắn thử đó, ông Putin nói rằng tên lửa này “có khả năng vượt qua mọi phương tiện phòng thủ hiện đại chống tên lửa”.
Ông Putin nhấn mạnh rằng, các bộ phận của Sarmat được sản xuất hoàn toàn nội địa, khiến việc sản xuất hàng loạt “dễ hơn và thúc đẩy quá trình cung cấp vũ khí này cho Lực lượng Tên lửa chiến lược của Nga”.
Tổng thống Putin từng giới thiệu về loại tên lửa này vào năm 2018 trong một thông điệp liên bang. Khi ấy, ông Putin nói rằng đây là thế hệ mới của công nghệ tên lửa hạt nhân.
Với năng lực siêu thanh của Nga, tên lửa nước này có khả năng bay nhanh hơn Mach 5 (tức 6.173km/h) trên đường bay tới mục tiêu. Trong khi đó, kể từ năm 2010, Mỹ đã thực hiện 17 vụ thử tên lửa siêu thanh khác nhau nhưng có tới 10 vụ thất bại. Cụ thể với Sarmat, Nga tuyên bố tên lửa này có thể đạt tới tốc độ vô song là 25.749km/h.
Tên lửa mới (Sarmat) có tầm bay từ 10.000 -18.000km, tức là cải thiện hơn so với tầm bắn của tên lửa Voevoda, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Nó có khả năng mang tới 15 đầu đạn hạt nhân hạng nhẹ đặt trong một dãy MIRV (đầu đạn đa đầu hướng), MIRV là một loại tên lửa được thiết kế để cho phép các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng nhiều đầu đạn vào các mục tiêu khác nhau.
So với loại tên lửa phóng từ silo (hầm), tên lửa mới của Nga thực sự đáng sợ. Nó có thể mang theo lượng thuốc nổ có sức công phá khoảng 50 megaton, trong khi tên lửa Minuteman III của Mỹ chỉ mang được lượng nổ tối đa có sức công phá là 1,425 megaton, theo CSIS.
Trong khi đó, Malcolm Chalmers - Phó Tổng Giám đốc tổ chức nghiên cứu quốc phòng Anh RUSI, nhận xét Nga phát triển được tên lửa Sarmat trong bối cảnh họ đã có sẵn kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với sức hủy diệt đáng sợ.
Khả năng bay tránh né dù là tên lửa đạn đạo
Tên lửa Sarmat siêu nặng còn được thiết kế để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa bằng pha tăng tốc ngắn lúc đầu khiến hệ thống theo dõi của đối phương có ít cơ hội phát hiện để tiến hành đánh chặn.
Kênh truyền hình R1 của nhà nước Nga tuyên bố Sarmat có thể “bay trong lớp khí quyển dày trong khi cơ động theo chiều sâu và chiều cao” trong pha tăng tốc, nhằm gây khó dễ cho hoạt động đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa.
Sarmat nằm trong các loại tên lửa thế hệ mới của Nga được Tổng thống Putin ca ngợi là “vô địch”, bao gồm cả các tên lửa siêu thanh Kinzhal và Avanguard.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: “Sarmat là loại tên lửa mạnh mẽ nhất với tầm hủy diệt xa nhất trên thế giới, sẽ nâng cao đáng kể năng lực tác chiến của lực lượng hạt nhân chiến lược chúng ta”.
Với Sarmat, Nga có thể lựa chọn phóng tên lửa qua một trong hai cực của Trái Đất. Khi ấy, tên lửa này sẽ là thách thức lớn đối với hệ thống radar và theo dõi đặt trên mặt đất hoặc dựa vào vệ tinh.
Người đứng đầu Viện thiết kế rocket Makeyev cho biết, tên lửa có tráng một lớp đặc biệt giúp nó tránh hệ thống phòng thủ tên lửa, nhất là hệ thống dò tìm bằng laser đặt trên mặt đất. Lớp tráng này cũng giúp tên lửa lao qua “mây nấm” của một vụ nổ bom hạt nhân.
Quá trình phát triển Sarmat
Tên lửa Sarmat dài 35,3m và nặng 200 tấn.
Theo Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), RS-28 Sarmat là một tên lửa ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng và có 3 tầng.
Nga bắt đầu phát triển tên lửa này vào thập niên 2000. Nhiều cuộc thử nghiệm được thực hiện từ năm 2016. Nga tuyên bố Sarmat được phóng thử lần đầu vào tháng 4/2022. Công việc thiết kế tên lửa này có thể bắt đầu sớm hơn thế do chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Nga bắt nguồn từ các chương trình trước đó của Liên Xô.
Tên lửa Sarmat được phát triển để thay thế tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện nay của Nga - tên lửa RS-20 (RS-SS-18) có từ thời Xô viết, được NATO gọi là “Satan”, chỉ mang được 10 đầu đạn hạt nhân hạng nhẹ. Đây là một phần trong nỗ lực của Nga hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược.
Trưởng Cơ quan vũ trụ Roscosmos cho biết lực lượng hạt nhân Nga theo kế hoạch bắt đầu tiếp nhận tên lửa mới này vào mùa thu 2022, khi việc thử nghiệm kết thúc.
IISS ước tính Nga sở hữu khoảng 40 tên lửa SS-18 đặt trong hầm tên lửa (silo). Các tên lửa này được đưa vào phục vụ trong quân đội Liên Xô vào năm 1988.
Các hãng hàng không vũ trụ Nga trước đó chưa thiết kế một ICBM nhiên liệu lỏng nào trong hơn 30 năm.
Sarmat do Viện thiết kế rocket Makeyev thiết kế. Viện này được lựa chọn có lẽ do họ có kinh nghiệm thiết kế tên lửa loại trước đó. Còn việc chế tạo do vài công ty khác nhau đảm nhiệm. Việc tách bên thiết kế và bên sản xuất là nhằm phát hiện sớm các vấn đề về thiết kế.
Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga ban đầu định đưa Sarmat vào biên chế năm 2018 nhưng cuối cùng việc này lùi lại vào giai đoạn 2022-2023.
Phân tích các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung đoàn tên lửa 302 (thuộc Sư đoàn Tên lửa 62 quân đội Nga) sẽ là đơn vị đầu tiên được tiếp nhận tên lửa Sarmat. Các hầm tên lửa và trung tâm kiểm soát phóng của Trung đoàn này đã trải qua hoạt động xây dựng đáng kể trong năm 2021, khác với các nơi khác.
Do Sarmat ngắn hơn một chút và có đường kính ngang bằng tên lửa loại trước (SS-18) nên hệ thống silo nói trên sẽ không phải thay đổi lớn để đặt vừa Sarmat bên trong./.