Tên lửa S-300 Nga–Syria không đánh đã thắng: Đạt cảnh giới cao nhất của binh pháp Tôn Tử!

Lê Ngọc Thống |

Tên lửa S-300 đã đóng sập bầu trời Syria với không quân Israel và kể từ đó, không phận Syria được bảo vệ, Syria không bị chiến đấu cơ Do Thái động đến "sợi lông chân".

Tôn Tử nói: "Bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã; bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã", nghĩa là, đánh đâu thắng đó không được gọi là cao minh nhất, không tiến hành chiến tranh mà khiến kẻ địch đầu hàng mới là cảnh giới cao nhất của binh lược.

Tôn Tử chỉ coi chiến tranh là biện pháp hạ sách nhất, động binh là chiến lược bất đắc dĩ phải dùng mà thôi. Cho nên, để đánh thắng quân địch, tài trí nhất là biết dùng mưu, thấp hơn thì dùng các biện pháp ngoại giao, hạ sách nhất mới phải dùng vũ lực.

Có thể nói, đây là câu nói phản ánh nội dung quan trọng nhất trong tư tưởng binh gia của Tôn Tử - một danh tướng Trung Quốc nổi tiếng bởi "Tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại" mang tên: Binh pháp Tôn Tử.

S-300 là loại vũ khí gì?

Chắc chắn nó không phải là vũ khí hạt nhân (VKHN). Lưu ý là VKHN ngoại trừ lúc chứng minh sự khủng khiếp của nó tại Nhật Bản, thì từ đó đến nay nó chưa sử dụng một lần nào nhưng luôn dành chiến thắng bởi không một kẻ thù nào dám tấn công vào những quốc gia nào sở hữu nó.

Rõ ràng sức răn đe của VKHN là rất lớn, răn đe trong phòng thủ và răn đe cả trong tấn công. Vì thế trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, xet theo nghĩa nào đó thì VKHN không đánh nhưng đã tạo nên chiến thắng…

Vậy thì S-300 của Nga tại Syria nó có tính chất như VKHN hay không?

Tên lửa S-300 Nga–Syria không đánh đã thắng: Đạt cảnh giới cao nhất của binh pháp Tôn Tử! - Ảnh 1.

Tại sao Israel phải sợ tên lửa S-300 Nga ở Syria?

S-300 là một tổ hợp phòng không có nhiệm vụ tấn công vào không quân địch bảo vệ không phận mà theo "tin đồn" là rất tiên tiến và nguy hiểm cho máy bay kẻ thù. Nói là "tin đồn" vì nó chưa thực chiến bao giờ mà chỉ lấy kết quả từ thực nghiệm…

Tuy nhiên, "không có lửa làm sao có khói", ngay Việt Nam, dạn dày kinh nghiệm phòng không, cũng đã có nó từ lâu thì không thể coi thường tin đồn về tính năng kỹ, chiến thuật của nó được. Và chắc chắn, Israel cũng đã "kiểm tra tin đồn" này rất nhiều lần khi S-300 xuất hiện tại Syria.

Tên lửa S-300 Nga–Syria không đánh đã thắng: Đạt cảnh giới cao nhất của binh pháp Tôn Tử! - Ảnh 2.

Khi xuất hiện và triển khai, kết nối xong S-300 tại Syria thì đã có rất nhiều lần không quân Israel đã… đến biên giới không phận Syria đều phải quay trở ngược lại. Tại sao?

Liệu các phi công của Israel có nên bay vào không phận Syria không khi họ nhận ra rằng, họ đang bị S-300 ngắm bắn?

Không rõ, nhưng thực tế là không quân Israel kể từ khi nó xuất hiện đã không còn tự tung tự tác trên không phận Syria như trước đây, và 2 lần tấn công vào lãnh thổ Syria mới đây cũng chỉ từ trên không phận Lebanon phóng tên lửa hay bom dẫn đường vào mà thôi.

Như vậy, S-300 mà Nga chuyển giao cho Syria đã đóng sập bầu trời Syria với không quân Israel là một thực tế. Và, coi như kể từ đó, không phận Syria được bảo vệ, Syria không bị không quân Israel động đến "sợi lông chân". Nó, S-300 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã thắng dù chưa khai hỏa.

Đến đây sẽ có người đặt câu hỏi, vậy 2 đòn tấn công của Israel và lãnh thổ Syria ngày 25/12 và đêm 11 rạng ngày 12/1 vừa qua là thế nào? Sao S-300 lại im lặng?

Tên lửa S-300 Nga–Syria không đánh đã thắng: Đạt cảnh giới cao nhất của binh pháp Tôn Tử! - Ảnh 3.

Tên lửa S-300 hiện đại đã có mặt ở Syria.

Ở góc nhìn quân sự, trong 2 lần Israel tấn công thì phòng không Syria chỉ đáp trả bằng bắn hạ tên lửa và bom điều khiển phóng ra từ máy bay tiêm kích F-16 ở trên không phận Lebanon nhưng với kết quả rất thành công.

Điều đó cho thấy, phòng không Syria nếu sử dụng S-300 để tấn công F-16 trên không phận Lebanon là không mấy khó khăn vì F-16 không phải là F-35 tàng hình, F-16 dễ phát hiện hơn so với tên lửa diệt radar hiện đại Delilah và bom lượn GBU-39 của Israel.

Vậy thì tên lửa S-300 không khai hỏa không phải vì lý do kỹ thuật quân sự thuần túy mà vì lý do khác ngăn cản. Đó là điều chắc chắn. Lý do gì? Để trả lời chúng ta phải nhận thức được về cục diện địa chính trị khu vực khi Mỹ bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria.

Đối đầu Syria – Israel …

Thứ nhất, trong tình thế Mỹ rút quân tạo ra một khoảng trống quyền lực phía Bắc, Thổ Nhĩ Kỳ đang có âm mưu tạo ra một vùng đệm lớn ở phía Bắc bởi quân nổi dậy thân Ankara các loại chống Assad và lực lượng HTS gần như kiểm soát toàn Idlib.

Thứ hai, trong khi đó tiêm kích F-16 của Israel chỉ tấn công "phẫu thuật" nhằm vào căn cứ lực lượng Iran-Hezbollah (không động đến Nga và Syria).

Lúc này, ông Assad có nên ra lệnh S-300 bắn hạ F-16 Israel trên không phận Lebanon (khi nó không nhắm vào mình) hay phóng Iskander vào lãnh thổ Israel trả đũa để kích hoạt một cuộc chiến trực tiếp với Israel không?

Tên lửa S-300 Nga–Syria không đánh đã thắng: Đạt cảnh giới cao nhất của binh pháp Tôn Tử! - Ảnh 4.

Tiêm kích F-16 của Israel

Có thể Syria và Israel sẽ có một cuộc chiến để phân chia cao nguyên Golan nhưng ít nhất không phải lúc này. Do vậy, S-300 khai hỏa chỉ đơn giản là diệt được một hoặc nhiều máy bay Israel nhưng hệ quả mang ý nghĩa chính trị trọng đại là đưa 2 quốc gia vào một cuộc chiến tranh.

Tổng thống Assad không muốn "tứ bề thọ địch", không ra lệnh S-300 khai hỏa là chính xác.

Thứ ba, dù Israel "tấn công vào Syria" nhưng chính cơ quan tình báo MOSSAD của Israel đã hành động như thể Israel đã rút hoàn toàn mọi yêu sách chống lại Assad, công nhận tính hợp pháp của quyền lực và đang tích cực khôi phục tình hữu nghị giữa các nước Ả Rập bị phá hủy năm 2011.

Làm sao Dịch vụ an ninh của Israel lại hành động chống lại lợi ích của nhà nước và trái với quan điểm của chính phủ?

Lưu ý, tình hình ở Trung Đông trước đây được xác định bởi sự cân bằng của bốn lực lượng: Sunni (quân chủ vùng Vịnh), Shiites (Iran), Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, nhưng hiện tại, Arabia Saudi, UAE, Qatar, Ô man và Bahrain có những mâu thuẫn sâu sắc…

Vì vậy, khi Mỹ rời khỏi Syria thì đã có sự thay đổi cơ bản. Sự thay đổi đó là hình thành một cấu trúc địa chính trị và quân sự khó chịu nhất, là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với Israel: Iran-Syria-Lebanon.

Do đó, việc đánh bật Damascus ra khỏi liên minh Iran-Hezbollah trở thành vấn đề an ninh quốc gia sống còn của Israel. Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách trả lại Cộng hòa Ả Rập Syria (UAR) cho Liên minh các quốc gia Ả Rập, liên kết 22 quốc gia Ả Rập, chủ yếu là Sunni, trong khu vực.

Đây là các hành động phối hợp 4 cơ quan tình báo của KSA, UAE, Ai Cập và... Israel, theo kế hoạch, đã thống nhất tại "cuộc họp kín của những người đứng đầu các dịch vụ đặc biệt của các quốc gia này" mà Tel Aviv được đại diện bởi người đứng đầu của Mossad, Yossi Cohen (tin của MEE).

Rõ ràng là tình báo Israel đã bí mật với KSA (Arabia Saudi) UAE, Ai Cập bắt tay với Syria hậu chiến để gạt Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ra khỏi ảnh hưởng khu vực – một sách lược rất thông minh và hợp lý của Mossad.

Kết quả không bất ngờ, khi các thành viên hàng đầu của Liên đoàn Ả Rập kể từ tháng 12 năm ngoái đã vội vã tăng tốc khôi phục quan hệ ngoại giao với Damascus.

Ngày 27 tháng 12, chính thức ra mắt đại sứ quán UAE. Arabia Saudi đang chính thức chuẩn bị cho sự trở lại của phái đoàn ngoại giao với UAR. Qatar, Kuwait và Bahrain cũng đang quay trở lại Syria…

Như vậy, có thể thấy Israel bắt đầu tái cơ cấu rất nhanh chính sách của mình đối với Assad, để không rơi ra khỏi "trò chơi lớn". Hành động này là dấu hiệu chính xác chỉ ra rằng Thỏa thuận giữa Nga - Hoa Kỳ, Nga - Israel đang diễn ra, và Israel là một phần trong kế hoạch hoạt động của nó.

Tên lửa S-300 Nga–Syria không đánh đã thắng: Đạt cảnh giới cao nhất của binh pháp Tôn Tử! - Ảnh 5.

Sơ đồ địa điểm bị Israel không kích đêm 12/1. Ảnh: Intelli Times

Đối với Iran – Hezbollah. Đây là lực lượng đã giúp Assad rất lớn trong cuộc chiến tranh 7 năm qua, cho nên, Assad (kể cả Nga) không thể từ chối với họ trong cuộc đối đầu của họ với Israel, ít nhất trong lúc này, chấp nhận (thỏa thuận ngầm) để Israel tấn công vào lãnh thổ Syria.

Nhưng để khỏi mất lòng Iran – Hezbollah, Syria chỉ bắn hạ tên lửa, bom điều khiển và tinh ý sẽ thấy trong ngày 25/12, S-200 của Syria phóng rất nhiều nhưng chỉ khi máy bay Israel đến không phận cao nguyên Golan để làm quân xanh cho "vòm sắt" và Patriot bắn hạ.

Bất kỳ một loại vũ khí nào, súng AK, S-300 hay S-500… mà khi phát hỏa có thể kích hoạt một cuộc chiến thì bắn hay không, bắn ai, lúc nào… Bộ Tham mưu không phải là cơ quan quyết định mà mệnh lệnh được đến từ Bộ Chính trị Tối cao quốc gia.

Chính vì thế, trong cục diện địa chính trị khu vực hiện nay, S-300 Syria sẽ chưa có cơ hội để khai hỏa. Nó đã trở thành vũ khí địa chính trị, vũ khi răn đe trong trò chơi địa chính trị sau khi Mỹ rời khỏi Syria.

Xem ra chẳng phải S-300 chưa khai hỏa, tức chưa đánh đã thắng đó sao? Người Nga và Syria cũng biết vận dụng "Binh pháp Tôn Tử" đấy chứ!

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Ngọc Thống

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại