Tên lửa phòng không SAM-3 bản S-125-2BM Alebarda: Đủ sức "vít cổ" chiến cơ tàng hình

Bảo Lam |

Nhà sản xuất chào bán cả những tổ hợp nguyên bộ tại Belarus, cả thực hiện gói nâng cấp tổ hợp S-125 (Việt Nam gọi là SAM-3) theo chuẩn "Alebarda" ngay tại quốc gia sở tại.

Thông qua việc nâng cấp sâu các mẫu vũ khí cũ của Liên Xô để nghiên cứu và triển khai tự sản xuất những mẫu vũ khí mới hiện đại – đó là chiến lược phát triển mới của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Belarus.

Tại Lễ duyệt binh Ngày độc lập của Turkmenia diễn ra hôm 27/10/2017 ở TP. Ashkhabad, trong số những mẫu vũ khí và trang bị của quân đội Turkmenia, lần đầu tiên xuất hiện các tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2BM "Alebarda" ("Pechora-2BM") – đó là phiên bản nâng cấp các tổ hợp tên lửa phòng không S-125M của Liên Xô sản xuất được thực hiện bởi Belarus.

Tên lửa phòng không SAM-3 bản S-125-2BM Alebarda: Đủ sức vít cổ chiến cơ tàng hình - Ảnh 1.

Tổ hợp S-125 theo chương trình "Alebarda" của quân đội Turkmenia.

Cũ nhưng hoàn toàn hợp lý

Tổ hợp tên lửa phòng không S-125 (Việt Nam hay gọi là SAM-3) "chào đời" vào năm 1955 khi Liên Xô bắt đầu nghiên cứu chế tạo các phương tiện chống lại máy bay của kẻ địch tiềm tàng hoạt động ở độ cao lên tới 20km và xa tới 25km.

Vào năm 1961 nó được bàn giao cho quân đội. Ở thời điểm đó, nó sở hữu những tính năng ấn tượng: S-125 có thể bắn hạ mục tiêu trên không bay với vận tốc lên đến 550m/s bằng 2 quả tên lửa cùng lúc.

Trong điều kiện chiến tranh thực tế tại Việt Nam và Trung Đông, tổ hợp tên lửa này đã chứng tỏ được mình là một phương tiện phòng không hiệu quả, đặc biệt trong việc tiêu diệt các mục tiêu bay tầm thấp.

Vào thời kỳ Xô Viết, nó được xuất khẩu sang nhiều nước và cho đến nay vẫn còn phục vụ trong quân đội của 35 quốc gia (gần 400 tổ hợp), bao gồm cả các nước cộng hòa Liên Xô cũ, các nước Đông Âu,…

Tổ hợp tên lửa phòng không "Pechora" từng tham gia vào cuộc chiến tranh Ả Rập-Isarel vào tháng 10/1973. Khi đó, các đơn vị của quân đội Syria và Ai Cập đã phóng 305 quả tên lửa và tiêu diệt được 54 chiếc máy bay.

Nó từng được sử dụng trong cuộc chiến chống lại máy bay tại một loạt các cuộc xung đột quân sự 20 năm trở lại đây (bao gồm cả cuộc chiến tại Vùng Vịnh và Balkan). Trong cuộc xung đột tại Nam Tư vào năm 1999, hai quả tên lửa "Pechora" đã bắn rơi chiếc máy bay tàng hình F-117 "Diều hâu đêm" của Mỹ.

Thời gian vận hành dài và kinh nghiệm tham gia chiến đấu của "Pechora" đã chứng tỏ được rằng, dù tuổi đời "đã cao" nhưng dự địa nâng cấp của nó rất lớn.

Điều này, cùng với những phương pháp tác chiến thuần thục và sở hữu trong tay đội ngũ triển khai chiến đấu và kỹ thuật được đào tạo chuyên nghiệp, cho thấy sự hiệu quả trong việc kéo dài thời hạn phục vụ của tổ hợp này trong bối cảnh nguồn ngân sách quốc phòng hạn hẹp của những quốc gia đang phát triển – các khách hàng tiềm năng.

Cú hích trực tiếp tác động tới nhu cầu nâng cấp các phương tiện và hệ thống phòng thủ do Liên Xô sản xuất trên thị trường vũ khí thế giới - đó là sự thất thủ của Libya trước liên quân các nước phương Tây.

Khi đó, lực lượng không quân của Liên quân ngay trong những ngày đầu tiên của chiến dịch đã đè bẹp gần như toàn bộ hệ thống phòng không của Gaddafi. Trước tiên, là do nó không đáp ứng yêu cầu của một cuộc chiến tranh hiện đại.

Tình hình đó đã khiến hàng loạt những nước từng gác vấn đề tái trang bị các lực lượng phòng của mình sang một bên phải tìm kiếm cách thức để nâng cấp chúng với tiêu chí tương quan giữa giá thành và chất lượng được đặt lên hàng đầu.

Tên lửa phòng không SAM-3 bản S-125-2BM Alebarda: Đủ sức vít cổ chiến cơ tàng hình - Ảnh 2.

Bệ phóng tên lửa S-125 Pechora chưa qua nâng cấp.

Cầu sẽ tạo nên cung

Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và nâng cấp các hệ thống phòng không của một loạt các quốc gia mong muốn khai thác phân khúc mang lại lợi nhuận này. Và ở đây, các công ty đến từ Nga luôn chiếm lợi thế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Nga đã bất ngờ vấp phải sự cạnh tranh từ phía các công ty công nghiệp quốc phòng của Ba Lan, Ukraine và Belarus.

Các công ty của Belarus đề xuất một vài phương án nâng cấp tổ hợp tên lửa phòng không "Pechora". Đó là dự án S-125 2TM "Pechora-2TM" của công ty "Tetraedr", cũng như S-125 2BM "Alebarda" của công ty "Alevkurp".

Theo những thông tin của giới truyền thông, dự án S-125-2BM "Alebarda" được triển khai từ năm 2011. Lần đầu tiên mẫu S-125-2BM "Alebarda" được công khai trình diễn vào tháng 7/2014 trong khuôn khổ cuộc triển lãm quân sự MILEX-2014 diễn ra ở Minsk.

Ở đây người ta đã từng giới thiệu rằng hệ thống này vừa mới vượt qua giai đoạn thử nghiệm vài ngày trước khi khai mạc cuộc triển lãm.

Theo tuyên bố của các kỹ sư nghiên cứu, tổ hợp tên lửa phòng không "Alebarda" là phiên bản nâng cấp của tổ hợp tên lửa phòng không "Pechora-2M" được sản xuất gần 15 năm trước bởi tập đoàn "Các hệ thống phòng thủ" liên doanh Nga-Belarus trên nền tảng tổ hợp tên lửa phòng không S-125M "Pechora".

Căn cứ vào việc đơn vị nghiên cứu chế tạo chính của tổ hợp "Alebarda" và đơn vị thực hiện đầu tàu dự án "Pechora-2M" là công ty "Alevkurp" nên các chuyên gia có cơ sở để phỏng đoán rằng trong dự án nâng cấp mới tổ hợp này có kế thừa những giải pháp về thiết kế và công nghệ từ "Pechora-2M". Chính vì vậy, có thể liệt kê những điểm đáng chú ý nhất.

Chương trình nâng cấp S-125M lên cấp độ ""Pechora-2M" trước tiên tập trung vào việc thay thế thiết bị analog thành kỹ thuật số đang được trang bị trên tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU1 cũng như đưa vào các thiết bị kháng nhiễu cả chủ động và bị động; các khí tài khóa và theo dõi mục tiêu tự động; khí tài cảnh giới nhìn vòng,...

Điểm quan trọng của chương trình nâng cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-125M chính là việc chuyển tất cả những tiểu hệ thống của tổ hợp (buồng điều khiển, trạm ăng-ten, bệ phóng) lên khung gầm xe tải quân sự việt dã của Nhà máy sản xuất xe đầu kéo.

Những tính năng kỹ-chiến thuật cơ bản của tổ hợp "Pechora-2M" sau khi nâng cấp: Tiêu diệt mục tiêu ở tầm xa 2,5-32 km; tiêu diệt mục tiêu ở tầm cao 0,02-20km; thời gian chuẩn bị phóng – dưới 30 phút; khả năng theo dõi cùng lúc tới 16 mục tiêu trên không.

"Alebarda" phát triển từ "Pechora"

Căn cứ vào những tuyên bố của đơn vị sản xuất, các chuyên gia cho rằng những tính năng kỹ-chiến thuật chủ yếu của tổ hợp tên lửa phòng không "Alebarda", cũng có những điểm tương đồng.

Bên cạnh đó, tổ hợp này về bản chất là hoàn toàn do Belarus sản xuất bởi trong quá trình chế tạo nó người ta đã sử dụng các chi tiết, khớp nối và thiết bị do các doanh nghiệp nội địa xuất xưởng.

Hệ thống quang học "ngày-đêm" (cảm ứng ảnh nhiệt) đã được nghiên cứu chế tạo dành cho tổ hợp "Alebarda" với những tính năng cải tiến. Tất cả những điều chỉnh được thực hiện một cách tự động. Việc trang bị 4 bệ phóng trên các xe đầu kéo do nhà máy Minsk sản xuất giúp hệ thống này đạt được tính cơ động cao.

Trong tương lai, dự kiến sẽ nghiên cứu hệ thống chuyền tin mới dành cho trạm radar và ăng-ten mảng pha mới để tăng cường những tính năng của tổ hợp. Tuy nhiên hiện giờ các tính năng này cũng đủ để phát hiện được mục tiêu dưới dạng máy bay tiêm kích F-16 ở khoảng cách lên tới 70km.

Các chuyên gia của công ty "Alevkurp" cho rằng việc kết hợp hiệu quả các phương pháp dẫn hướng, tạo cơ hội sử dụng trên những tổ hợp "Alebarda" các tên lửa cũ của tổ hợp S-125 và vẫn có thể tiêu diệt được mục tiêu ở khoảng cách như "Pechora-2M" khi sử dụng các loại tên lửa cải tiến.

Tổ hợp "Alebarda" có thể sử dụng bất cứ bệ phóng nào với bất cứ loại tên lửa "ngoại đạo" nào. Tái lập trình quy trình thiết lập các lệnh điều khiển sẽ gửi tới quả tên lửa chỉ mất vài phần nghìn giây, sau đó chúng có thể được kết nối với trạm điều khiển chiến đấu.

Tên lửa phòng không SAM-3 bản S-125-2BM Alebarda: Đủ sức vít cổ chiến cơ tàng hình - Ảnh 3.

Tên lửa phòng không SAM-3 bản S-125-2BM Alebarda: Đủ sức vít cổ chiến cơ tàng hình - Ảnh 4.

Radar chiếu xạ và bệ phóng tên lửa Alebarda.

Những khác biệt về mặt ngoại hình dễ nhận thấy của "Alebarda" so với "Pechora-2M" - đó là việc bố trí trạm ăng-ten và bệ phóng trên đầu kéo nửa rơ moóc do nhà máy Minsk chế tạo, còn buồng điều khiển đặt trên khung gầm xe 4 cầu chủ động (loại MAZ-6317). Còn tổ hợp "Pechora-2M", như đã mô tả ở trên, được bố trí hoàn toàn trên khung sườn xe MZKT 4 cầu.

Việc thay thế khung sườn xe kéo nhiều khả năng liên quan tới mong muốn tiết kiệm chi phí (MAZ sử dụng chủ yếu các phụ tùng do chính Belarus sản xuất) và biến "Alebarda" trở nên hấp dẫn về mặt giá thành trước các khách hàng có túi tiền không rủng rỉnh.

Với mục tiêu này, nhà sản xuất chào bán cả những tổ hợp được sản xuất toàn bộ tại Belarus, cả thực hiện gói nâng cấp tổ hợp S-125 theo chương trình "Alebarda" ngay tại quốc gia đặt hàng bằng cách đưa tới trang thiết bị kỹ thuật, phụ tùng và chuyên gia cần thiết.

Theo ý kiến của các chuyên gia phân tích, thị trường của tổ hợp "Alebarda" trong vòng 10-15 năm tới có thể sẽ đạt con số 100-200 tổ hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại