Tên lửa Patriot đại bại trước "Phi đội Tử thần" của Houthi: Nỗi hổ thẹn của người Mỹ?

Anh Tú |

Mặc dù Houthi không có được nguồn tài chính dồi dào nhưng những máy bay không người lái đã mang đến cho lực lượng này một biện pháp tấn công có thể nói là vô cùng hiệu quả.

UAV - công cụ tấn công hiệu quả trong tay Houthi

Phi đội máy bay không người lái (UAV) được phong trào vũ trang Houthi của Yemen sử dụng để tấn công cơ sở chế biến dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia cùng một mỏ dầu lớn khác ngày 14/9 đã gây ra những đám cháy khổng lồ.

Đây là những cơ sở được vận hành bởi Saudi Aramco - công ty dầu mỏ quốc doanh Saudi Arabia chịu trách nhiệm sản xuất tới 70% sản lượng dầu thô của đất nước.

Tạp chí Wall Street Journal dẫn các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết, sau các vụ tấn công trên Saudi Arabia đã phải cắt giảm khoảng một nửa sản lượng dầu. Việc ngừng hoạt động sẽ gây thiệt hại ước tính 5 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng dầu thô của thế giới.

Mặc dù Houthi không có được nguồn tài chính dồi dào nhưng những máy bay không người lái đã mang đến cho lực lượng này một biện pháp tấn công có thể nói là vô cùng hiệu quả, gây tổn thất lớn cho Saudi Arabia, nước đứng thứ ba thế giới về chi tiêu mua sắm các thiết bị quân sự năm 2018, với khoản đầu tư khoảng 67,6 tỷ đô la cho vũ khí.

"Saudi Arabia đang đứng trước một thách thức mà họ không thể đối phó cho dù tiềm lực tài chính, khả năng quân sự hay tình báo của họ có mạnh đến đâu", Farea Al-Muslimi, đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu chiến lược Sanaa chuyên nghiên cứu về Yemen nhận xét.

Tên lửa Patriot đại bại trước Phi đội Tử thần của Houthi: Nỗi hổ thẹn của người Mỹ? - Ảnh 1.

Cơ sở chế biến dầu lửa của Saudi Aramco bốc cháy. Ảnh: AP

Các vụ tấn công bằng UAV được Houthi thực hiện từ khoảng cách 800 km trên đất Yemen không chỉ cho thấy Saudi Arabia dễ bị tổn thương như thế nào trong cuộc chiến chống lại Houthi mà còn chứng tỏ phong trào vũ trang này đã tận dụng triệt để được một cách thức tiến hành chiến tranh tương đối rẻ.

Wim Zwijnenburg, nhà nghiên cứu cấp cao về máy bay không người lái tại PAX - một tổ chức hòa bình của Hà Lan cho biết, máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công hôm thứ Bảy vừa qua chỉ có giá khoảng 15.000 USD hoặc thậm chí ít hơn.

Hãng thông tấn AP dẫn tin từ tổ chức Nghiên cứu Vũ trang Xung đột cho biết, Houthi đã điều khiển bay máy bay không người lái tiếp cận các hệ thống radar trang bị cho hệ thống tên lửa Patriot của Saudi Arabia để vô hiệu hóa chúng rồi sau đó sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công mà không gặp phải thách thức nào.

Lịch sử đáng xấu hổ của hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ chế tạo

Tháng 5/2019, Houthi cũng đã từng phóng UAV tập kích đường ống dẫn dầu Đông - Tây trọng yếu của Saudi Arabia và đến tháng 8 vừa qua là giếng dầu Shaybah.

Trước đó, vào tháng 3/2018 xuất hiện tin tức cho thấy các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ chế tạo đã thất bại cay đắng trong nhiệm vụ bảo vệ Saudi Arabia.

Cụ thể, ít nhất 5 tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất dường như đã bắn trượt, bị trục trặc kỹ thuật hoặc không thể đánh chặn được loạt rocket mà Houthi sử dụng để phóng vào Thủ đô Riyadh ngày 25/3/2018.

Tên lửa Patriot đại bại trước Phi đội Tử thần của Houthi: Nỗi hổ thẹn của người Mỹ? - Ảnh 2.

Tên lửa của Houthi phóng đi từ Yemen. Ảnh minh họa

Đó rõ ràng là một tin cực xấu với quân đội Mỹ và các đồng minh thân cận nhất của họ, những nước đang phải nhờ cậy rất nhiều vào Patriot để ngăn chặn các cuộc tấn công quy mô lớn của kẻ thù.

Ngay từ thời điểm mới được đưa vào sử dụng năm 1984, hệ thống tên lửa dẫn đường radar phóng từ mặt đất Patriot đã chứng tỏ là một tổ hợp phòng thủ gây tranh cãi.

Hệ thống này đã không thể đánh chặn rất nhiều mục tiêu trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. 12 năm sau đó, trong cuộc chiến xâm lược Iraq do Mỹ đứng đầu, Patriot đã bắn rơi hai máy bay đồng minh khiến 3 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Tháng 8/2015, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua hợp đồng trị giá 5,4 tỷ USD bán 600 tên lửa Patriot do Lockheed sản xuất cho Saudi Arabia cùng với nửa tỷ USD nữa cho các loại vũ khí khác nhỏ hơn.

Nói ngắn gọn thì Saudi Arabia đang mua tới 68% lượng vũ khí từ Mỹ. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), giai đoạn từ 2014-2018, quốc gia này đã tiếp nhận 56 máy bay chiến đấu từ Mỹ, 38 từ Anh và đều được trang bị tên lửa hành trình cũng như các vũ khí dẫn đường khác.

Theo các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc thì máy bay không người lái UAV-X mới của Houthi được phát hiện thấy trong những cuộc tấn công gần đây có tầm bắn lên tới 1.500 km. Điều đó có nghĩa là cả Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đều bị đặt trong trong phạm vi tấn công của chúng.

Patriot của Saudi Arabia đánh chặn tên lửa của Houthi rơi ngay khi khai hỏa

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại