Ba Lan thừa nhận tên lửa Nga phóng lạc vào lãnh thổ
Trang tin Defense Express mới đây đã dẫn bài viết của truyền thông Ba Lan giải thích nguyên nhân khiến lực lượng phòng không Ba Lan và cả khối NATO đã không thể đánh chặn được tên lửa hành trình tầm xa Kh-55 của Nga bay lạc vào vùng Świnoujście của nước này hồi tháng 12/2022.
Vào ngày 12/5 vừa qua, tức là nửa năm sau khi sự kiện này diễn ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak đã thừa nhận thông tin trước đó về một tên lửa hành trình do máy bay ném bom Nga phóng đã lao xuống lãnh thổ nước mình, mà các mảnh vỡ của nó mới được người dân địa phương tìm thấy trong một khu rừng gần đó vào cuối tháng 4 năm 2023.
Ngay từ đầu, nhiều báo cáo đã tạo ra sự nhầm lẫn về nguồn gốc của nó. Tuyên bố không chính thức đầu tiên là tên lửa này được mang bởi một chiếc MiG-29 của Ba Lan và họ không biết nó rơi khi nào.
Đến bây giờ Warsaw công khai thừa nhận tên lửa đã được bắn bởi lực lượng hàng không chiến lược Nga.
Bộ trưởng Błaszczak cho biết, quả tên lửa hành trình này đã lao xuống đất vào ngày 16/12/2022. Vào ngày hôm đó, người Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công tên lửa lớn nhằm vào Ukraine, với tổng cộng 76 tên lửa phóng từ trên không và trên biển.
Các tên lửa Kh-101 và Kh-555 được phóng đi từ vùng Saratov (Saratov Oblast), cách vị trí gần nhất do Ukraine kiểm soát khoảng 400 km về phía đông. Hơn nữa, Warsaw đã nhận được cảnh báo từ phía Ukraine rằng một vật thể trên không đang tiến đến biên giới Ba Lan.
Mảnh vỡ của tên lửa Kh-55 Nga được tìm thấy gần Bydgoszcz, Ba Lan
Sau đó, các radar mặt đất của Ba Lan đã phát hiện ra vật thể bay không xác định đã xuất hiện trong không phận Ba Lan, Trung tâm Điều hành Không quân [Centrum Operacji Powietrznych] đã báo cáo Trung tâm Chỉ huy Tác chiến [Dowódca Operacyjny] và phát đi cảnh báo, máy bay phụ trách bảo vệ không phận của Ba Lan và Mỹ đã cất cánh bay lên nhưng mục tiêu đã biến mất.
Kết luận của cuộc thanh tra cho thấy, Chỉ huy Trung tâm Chỉ huy Tác chiến là ông Tomasz Piotrowski "đã bỏ bê nhiệm vụ chỉ đạo của mình" và không thông báo cho Bộ trưởng Błaszczak cũng như các cơ quan an ninh và quốc phòng khác.
Sau đó, cũng không có ai tổ chức tìm kiếm xác của quả tên lửa này, cho đến khi người dân địa phương phát hiện ra nó.
Kh-55 bay lạc: Bài test đối với hệ thống phòng không Ba Lan
Theo bài viết trên trang tin quân sự Ba Lan Defence24, việc lực lượng phòng không nước này để lọt tên lửa bay vào đất nước và không biết nó rơi ở đâu không chỉ thể hiện mật độ khí tài phòng không xung quanh biên giới còn ít, mà còn nằm ở trạng thái hoạt động "quá bất cẩn".
Bài viết của Defence24 chỉ rõ, kết luận chung là không phải do lỗi kỹ thuật hoặc cảnh báo nhầm lẫn, mà vấn đề chủ yếu đến từ cách thức tổ chức lực lượng và sự sẵn sàng của lực lượng phòng không Ba Lan.
Theo bài viết, không thể có lý do nào bao biện cho việc quả tên lửa bay lạc của Nga không bị lực lượng phòng không Ba Lan bắn hạ, dù họ đã được phía Ukraine thông báo trước, sau đó bị radar phát hiện và đã phối hợp cùng các lực lượng NATO chặn đánh, mà vẫn để mất dấu tên lửa.
Quỹ đạo hành trình của Kh-55 gây nguy hiểm cho nhà ga LNG ở Świnoujście và thành phố Bydgoszcz, thậm chí là thủ đô Warsaw của Ba Lan
Việc tên lửa rơi ở cách thành phố Bydgoszcz, vùng Świnoujście vẻn vẹn 15 km cho thấy, quả tên lửa này có thể khiến một trong những cơ sở kinh tế chiến lược của Ba Lan gặp nguy hiểm, đó là nhà ga trung chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Świnoujście.
Ngoài ra, nó cũng đặt Bydgoszcz, thành phố đông dân thứ tám của Ba Lan trong vòng nguy hiểm, thậm chí, căn cứ vào quỹ đạo bay của tên lửa, hành trình của nó đã bay gần thủ đô Warsaw của đất nước.
Quả tên lửa (dù vô tình) bay lạc của Nga đã phơi bày sự yếu kém trong công tác sẵn sàng chiến đấu và tổ chức hệ thống phòng không Ba Lan, vô tình trở thành một bài test hữu ích đối với lực lượng phòng không của quốc gia NATO mạnh nhất ở Đông Âu.
Tất cả những điều này càng kỳ lạ hơn nếu chúng ta xét đến việc ông Mariusz Błaszczak không nêu tên loại tên lửa của Nga. Các báo cáo của giới truyền thông cho rằng, đó là một quả tên lửa Kh-55 không trang bị vũ khí, với đầu đạn là một thiết bị mô phỏng đầu đạn.
Nhưng dù đầu đạn của nó là gì thì lúc tên lửa bắn vào Ba Lan, lực lượng phòng không nước này không thể chắc chắn rằng nó có nguy hiểm hay không.
Hệ thống phòng không Poprad của Lực lượng Phòng không Ba Lan
Nguyên nhân khiến quả tên lửa vô tình bay tự do trong lãnh thổ Ba Lan
Trong sự kiện diễn ra vào ngày 16/12/2022, quân đội Ba Lan có thể đã nhận được thông tin cảnh báo của Kiev về một tên lửa hành trình Nga bị lạc khỏi lộ trình dự kiến và bay hướng tới biên giới với Ba Lan.
Nhưng vì không có hệ thống cung cấp trao đổi dữ liệu mục tiêu giữa các hệ thống phòng không Ukraine và Ba Lan, nên thông báo có thể được gửi qua điện thoại. Nó đủ để nâng cao cảnh báo để các hệ thống phòng không và chuẩn bị sẵn sàng đánh chặn, nhưng không đủ để phát hiện Kh-55 của Nga và bắn hạ nó.
Khi một quan trắc viên nhìn vào màn hình radar, tất cả những gì anh ta thấy về mục tiêu là một cái vạch, một dấu chấm đang di chuyển.
Anh ta có thể xác định mục tiêu bằng các thông số và đặc điểm chuyển động của nó nhưng chỉ người có kinh nghiệm mới có thể xác định chính xác thứ anh ta đang quan sát là một máy bay phản lực của kẻ thù hay một máy bay không người lái (UAV) hoặc một tên lửa hành trình, dựa trên những dữ liệu bổ sung.
Nếu chúng ta đặt giả thuyết rằng đó là một tên lửa Kh-55 đang bay ở độ cao từ 100 đến 1.000 m với tốc độ trung bình khoảng 700 km/h, thì phạm vi phát hiện của lực lượng phòng không Ba Lan ở khoảng cách khoảng 47 đến 148 km (tùy thuộc vào độ cao).
Nếu Kh-55 cũng bị radar Ukraine nhìn thấy, nghĩa là quả tên lửa Nga có thể được phóng từ vùng Brest của Belarus. Vì vậy, lực lượng phòng không Ba Lan có đủ thời gian đưa ra phản ứng thích hợp, nhưng liệu họ có khả năng loại bỏ mối đe dọa đó hay không, lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Hệ thống phòng không Osa-AKM-P của Lực lượng Phòng không Ba Lan
Theo các chuyên gia, Bộ Quốc phòng Ba Lan tuyên bố rằng, tên lửa Nga ban đầu đã được phát hiện nhưng sau đó họ đã mất dấu nó. Điều đó có nghĩa là các radar của Ba Lan không bao phủ toàn bộ không phận của đất nước, khiến các máy bay chiến đấu của Mỹ và Ba Lan đã bay lên không trung nhưng cuối cùng không thể tìm thấy mục tiêu.
Một nghịch lý khác là các tiêu chuẩn của quân đội Ba Lan chỉ cho phép giám sát được không phận ở độ cao hơn 3.000 m, điều này chỉ phù hợp với chiến đấu cơ, máy bay trực thăng, UAV bay cao, tên lửa đạn đạo, còn trong trường hợp các mối đe dọa khó phát hiện ở độ cao thấp như tên lửa hành trình thì họ sẽ hoàn toàn bất lực.
Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất mà ngay cả trong trường hợp phát hiện được và theo dõi được mục tiêu trong suốt hành trình, các lực lượng phòng không Ba Lan cũng chưa chắc đã bắn hạ được nó.
Bài viết trên Defense24 nhắc lại rằng, vào tháng 12 năm 2022 – khi Moscow mở các đợt tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình vào Ukraine, Ba Lan đã cố gắng tự bảo vệ mình khỏi các tên lửa Kh-55 và Kalibr của Nga bằng cách triển khai các hệ thống phòng không tầm thấp/gần là Poprad và Osa-P gần biên giới.
Trong tình huống nhiều tên lửa hành trình bay thấp, người dân cũng có thể quan sát được chúng bằng mắt thường hoặc phát hiện nhờ tiếng rít gió. Thế nhưng, những hệ thống này đã không thể bắn hạ Kh-55 trong suốt hành trình dài tới 450km của nó.
Các nhà quan sát cho rằng, điều này dẫn tới một kết luận là có thể nước này đã triển khai quá ít các hệ thống phòng không để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, hoặc không đủ vũ khí phòng không để triển khai bao phủ toàn bộ dải biên giới nước mình.