Hai tháng hoạt động của lô F-16 đầu tiên ở Ukraine hầu như không có tác động chiến lược đáng chú ý nào. Kiev hiện đang chuyển sự chú ý sang tiêm kích Gripen và Eurofighter trong khi chủ yếu tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga bằng máy bay không người lái (UAV).
“Một chiếc máy bay không phải là cây kim trong đống cỏ khô khó tìm. Đó là một khối kim loại chỉ có thể cất vào hầm trú ẩn kiên cố nếu có”, Thiếu tá Andrei Krasnoperov, cựu chiến binh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga và là huấn luyện viên bay, nói.
Ông Krasnoperov đưa ra bình luận trên khi nói về một cuộc tấn công của Không quân Nga vào sân bay ở Starokonstantinov, khu vực Khmelnitsky có thể đã phá hủy một số máy bay F-16 của Không quân Ukraine đang được cất giữ tại đây.
“Hầm trú ẩn bê tông chỉ có thể bảo vệ máy bay ở mức độ thấp. Nếu một quả tên lửa Kinzhal phát nổ gần đó, hầm trú ẩn sẽ sụp đổ như một ngôi nhà bằng bìa các tông”, ông Krasnoperov nói.
Theo ông Krasnoperov, máy bay là một sản phẩm công nghệ tinh vi, ngay cả thiệt hại do mảnh đạn từ một vụ nổ gần đó cũng có thể khiến một chiếc F-16 không thể hoạt động và đòi hỏi phải sửa chữa tốn kém. Việc sửa chữa cũng phải do các chuyên gia nước ngoài hoặc được đào tạo ở nước ngoài thực hiện và những chuyên gia như vậy cũng không dễ tìm được.
“Theo như tôi biết, cho đến nay, Ukraine mới chỉ nhận 6 chiếc F-16. Họ đã mất một chiếc do vô tình bắn hạ nó bằng tên lửa Patriot và khiến phi công thiệt mạng. Đối với các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, việc điều động F-16 để phá hủy các kho đạn dược nằm xa khu vực biên giới đòi hỏi nó phải tiến gần hơn đến các hệ thống phòng không của Nga. Hiện Nga triển khai rất nhiều hệ thống phòng không dọc mặt trận, cả Pantsir và nhiều loại tên lửa đất đối không, cũng như các máy bay chiến đấu có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 300 km”, chuyên gia Krasnoperov nói.
“Nói cách khác, Ukraine đã phát động một chiến dịch quảng bá để nâng cao tinh thần chiến đấu của quân đội và mọi người sẽ cảm thấy thuyết phục về mặt tâm lý. Nhưng thực tế khắc nghiệt là nếu biết tọa độ, hoàn toàn có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào ở bất kỳ sân bay nào. Kinzhal, bay với tốc độ gấp 10 lần âm thanh, là không thể bị đánh chặn. Việc Nga phá hủy ít nhất 2 chiếc F-16 tại Starokonstantinov chỉ là phát súng đầu tiên trong trận chiến”, ông Krasnoperov cho biết thêm.
Theo ông Krasnoperov, về lâu dài, ngay cả mạng lưới boongke ngầm đang được xây dựng tại các sân bay ở miền Tây Ukraine cũng sẽ không cứu được những chiếc F-16 của họ. Nga đã và sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các cơ sở như vậy và có thể phát hiện ra hoạt động xây dựng của Ukraine từ không gian.
“Nếu biết thông tin về các boongke như vậy, Nga có thể triển khai tên lửa Kinzhal. Với khả năng xuyên sâu tới 100 mét xuống lòng đất của loại tên lửa này, sẽ không còn bất kỳ boongke nào nữa”, ông nói.
Không quân Ukraine dự kiến sẽ vận hành khoảng 20 chiếc F-16 vào cuối năm nay và có thể lên tới 79 chiếc vào năm 2025.
Ông Krasnoperov cho rằng quan điểm của phương Tây trong việc giao F-16 cho Ukraine xuất phát từ lợi lợi ích của chính họ. Các quốc gia NATO tài trợ F-16 cho Kiev hoặc là đang loại bỏ các máy bay cũ trong kho dự để nhường chỗ cho các máy bay mới như F-35, hoặc trông chờ Mỹ sẽ cung cấp cho họ khoản bồi thường tài chính.
Điều tương tự cũng từng xảy ra khi các thành viên phía Đông của NATO chuyển giao máy bay MiG và Sukhoi cũ từ thời Hiệp ước Warsaw cho Ukraine. Những chiếc máy bay này cũng đã bị phá hủy trong hơn 2 năm qua.