Tàu Trung Quốc cập cảng Sri Lanka: Con tàu nhỏ trong cuộc chơi lớn

Ngải Sa |

Các chuyên gia quân sự trên thế giới cho rằng tàu Viễn Vọng 5 có khả năng tầm soát mục tiêu trong phạm vi bán kính tới 750 km

Tùy theo vị trí hiện diện mà tàu Viễn Vọng 5 của quân đội Trung Quốc được bên ngoài Trung Quốc nhìn nhận khác nhau: là tàu nghiên cứu, tàu giám sát và thậm chí cả tàu gián điệp.

Sau 5 ngày chờ đợi, con tàu trên rồi cũng cập cảng Hambantota của Sri Lanka hôm 16-8. Cả Trung Quốc lẫn Sri Lanka đều quả quyết con tàu ghé cảng chỉ để cung ứng hậu cần. Nhưng Ấn Độ và Mỹ nghi ngại con tàu hoạt động tình báo và gián điệp.

Bởi các chuyên gia quân sự trên thế giới cho rằng con tàu này có khả năng tầm soát mục tiêu trong phạm vi bán kính tới 750 km, tức là từ cảng Hambantota có thể vươn rất sâu vào lãnh thổ Ấn Độ. Vụ việc này trở nên đặc biệt nhạy cảm về chính trị thế giới nói chung và địa chính trị ở khu vực Nam Á nói riêng bởi những lý do sau.

Thứ nhất, Trung Quốc được quyền thuê cảng nước sâu Hambantota trong thời gian 99 năm, bắt đầu từ năm 2017, sau khi Sri Lanka không có khả năng trả nợ Trung Quốc về vốn đầu tư xây dựng cảng này và Viễn Vọng 5 là con tàu thủy đầu tiên thuộc quân đội Trung Quốc ghé vào cảng. Nội bộ Sri Lanka bị phân rẽ sâu sắc về việc xây dựng và rồi cho Trung Quốc thuê cảng với thời gian dài như vậy.

Ở bên ngoài Sri Lanka, không ít đối tác nhìn nhận cảng Hambantota là hệ lụy bất lợi cho Sri Lanka mà chính phủ nước này không lường trước được khi chấp nhận để cho Trung Quốc đầu tư xây dựng cảng. Bây giờ xuất hiện những tình huống sử dụng cảng khiến Sri Lanka khó xử về đối nội và đối ngoại.

Tàu Trung Quốc cập cảng Sri Lanka: Con tàu nhỏ trong cuộc chơi lớn - Ảnh 1.

Tàu Viễn Vọng 5 cập cảng Hambantota của Sri Lanka hôm 16-8 Ảnh: Tân Hoa Xã

Thứ hai, Sri Lanka hiện vẫn chưa thoát được ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, tài chính và xã hội trầm trọng chưa từng thấy trong lịch sử đất nước. Ấn Độ đã cứu trợ Sri Lanka 4 tỉ USD.

Nước này cần được Trung Quốc đồng ý cơ cấu lại nợ thì mới có thể được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho vay tín dụng mới. Mỹ đóng vai trò quan trọng trong chuyện này. Sri Lanka phải lựa ý cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ và Mỹ.

Năm ngày trì hoãn chắc là thời gian Sri Lanka đã cần để xoa dịu mối quan ngại của Ấn Độ và Mỹ. Mỹ và Ấn Độ không thể quá căng với Sri Lanka để tránh đẩy nước này về hẳn phe Trung Quốc.

Thứ ba, Sri Lanka nói chung và cảng Hambantota nói riêng là mắt xích rất quan trọng đối với Trung Quốc trong sáng kiến Một vành đai, một con đường mà Ấn Độ và Mỹ rất quan ngại. Mối quan hệ giữa họ và Trung Quốc không được êm đẹp và họ có cùng lợi ích trong việc đối phó Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sri Lanka vì thế là một trong những nơi diễn ra sự cọ xát trực tiếp lợi ích chiến lược hiện tại và lâu dài giữa Trung Quốc với Mỹ và Ấn Độ.

Trung Quốc chắc biết Sri Lanka khó xử nhưng vẫn đưa tàu Viễn Vọng 5 đến xem ra nhằm 3 mục đích. Thứ nhất là vừa tăng cường hiện diện trực tiếp ở Sri Lanka vừa thể hiện ưu thế có thể tùy ý sử dụng cảng. Thứ hai là nhắc nhở chính quyền mới ở Sri Lanka trong bối cảnh tình hình hiện tại không được "nhất biên đảo" (ngả về một bên) bất lợi cho Trung Quốc. Thứ ba là làm cho Mỹ và đồng minh của Mỹ thấy rằng họ đưa thiết bị tác chiến điện tử đi qua eo biển Đài Loan thì Trung Quốc cũng làm như vậy ở các khu vực khác nhạy cảm về địa chính trị đối với họ.

Vì thế, chuyện tàu Viễn Vọng 5 cập cảng Hambantota của Sri Lanka phản ánh "cuộc chơi" địa chính trị giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Mỹ ở vùng Nam Á và Ấn Độ Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại