Tàu tình báo Nga, Trung bám theo tàu Mỹ ở vùng biển Triều Tiên làm gì?

Rick Moran |

Cứ như là tại vùng biển bán đảo Triều Tiên chưa đủ nguy hiểm khi cụm tàu sân bay Mỹ lừ lừ phía ngoài bờ biển Triều Tiên sẵn sàng tấn công nếu ông Kim Jong un tiếp tục có hành động khiêu khích, những con tàu trinh thám của Nga và Trung Quốc cũng xuất hiện tại đó, công khai dõi theo người Mỹ.

Tin từ AP, Trung Quốc và Nga đã cử các tàu hải quân thu thập tình báo tàu theo dõi tàu sân bay Carl Vinson hiện đang tiến đến vùng biển bán đảo Triều Tiên.

Chắc là hai nước này hướng tới việc nghiên cứu các động thái của Mỹ, đang thể hiện quan điểm không loại trừ hành động quân sự chống Triều Tiên. Lực lượng phòng vệ Nhật cũng đang tăng cường cảnh báo và trinh sát các hoạt động dưới nước và trên không tại vùng biển này.

Cụm tàu sân bay tấn công gồm tàu sân bay Carl Vinson làm nòng cốt cộng thêm các tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường và các tàu khác ở biển Hoa Đông và hiện đang hướng về phía Bắc đến bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc và Nga đặt vấn đề ổn định của bán đảo Triều Tiên lên mức quan tâm hàng đầu và bày tỏ sự lo ngại về lập trường cứng rắn của Mỹ. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh rằng, cuộc khủng hoảng cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua các nỗ lực chính trị và ngoại giao.

Việc cả Trung Quốc và Nga gửi những con tàu thu thập tình báo đến vùng biển này có một số mục tiêu, trong đó có việc gửi tín hiệu cảnh báo tới Hoa Kỳ.

Tiếp sau lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông Kim Nhật Thành, người cha sáng lập của Triều Tiên, tổ chức vào ngày 15/4, ngày 25/4 tới, Triều Tiên sẽ kỷ niệm 85 năm năm ngày thành lập lực lượng vũ trang. Nước này vẫn giữ nguyên quan điểm sẽ tiếp tục thực hiện cuộc thử vũ khí hạt nhân lần thứ sáu của mình, và phóng thử tên lửa xuyên lục địa.

Các con tàu của Nga và Trung Quốc để mắt tới tàu sân bay Mỹ không phải là sự khiêu khích - nếu như chúng giữ khoảng cách an toàn. Sẽ không có nhiều khả năng tạo ra căng thẳng, tuy nhiên cũng không thể loại trừ các sự cố có thể xảy ra.

Thực tế là các "nỗ lực chính trị và ngoại giao" nhằm thuyết phục Triều Tiên dừng các chương trình hạt nhân và thử tên lửa xuyên lục địa mang tính hung hăng và khiêu khích, đã được tiến hành suốt 20 năm nay và đều thất bại.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc không phải là những đấu thủ không vụ lợi trong chuyện này. Hai nước này có thể không thích gì một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, nhưng lại chấp nhận sử dụng chế độ gia tộc Kim như là một phương thức kiềm chế Hoa Kỳ trong thế cân bằng khu vực.

Triều Tiên với cả lá bài hạt nhân cũng không đe dọa lợi ích của Nga và Trung Quốc. Nhưng nó lại làm Washington lo ngại.

Nghệ thuật chơi bài của hai nước này đang dịch chuyển sang vùng nguy hiểm. Hoa Kỳ đang cố gây ấn tượng với hai cường quốc về thái độ đặc biệt nghiêm túc đối với mối đe dọa từ phía Triều Tiên.

Cánh cửa để hành động ngăn chặn Triều Tiên đạt được khả năng phóng tên lửa tấn công các đồng minh đang nhanh chóng khép lại. Chúng ta có cho phép một chế độ như thế có được khả năng ấy không? Hay chúng ta sẽ làm gì đó để ngăn chế độ ấy lại.

Tổng thống Trump nói rằng, Trung Quốc muốn hỗ trợ kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng sự trợ giúp ấy hiệu quả đến đâu? Nếu họ muốn giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này, họ sẽ phải làm nhiều hơn rất nhiều so với những gì họ từng làm trước đây!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại