Tàu sân bay Sơn Đông liên quan gì tới "mối nhục" hạm đội Trung Quốc bị Nhật vùi dập tan tác?

Hải Võ |

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), việc Trung Quốc đặt tên tàu sân bay theo tên tỉnh thành còn mang thông điệp nhắc nhở hải quân nước này về nỗi hổ thẹn trong quá khứ.

Trung Quốc nhắc nhở hải quân về thất bại tủi nhục

Trung Quốc hiện đã có hai tàu sân bay đi vào hoạt động, sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức bàn giao mẫu hạm Sơn Đông - do Trung Quốc tự chế tạo - cho hải quân tại một căn cứ trên đảo Hải Nam hôm 17/12 vừa qua.

Nhà báo Minnie Chan, việc đặt tên cho tàu sân bay ở Trung Quốc còn thể hiện nhiều thông điệp hơn ngoài địa điểm mà chiến hạm có thể đồn trú.

Giống như chiếc Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, đóng tại tỉnh mà nó được đặt tên theo, tàu Sơn Đông cũng mang những ý nghĩa đặc biệt trong tên của nó. Các nhà phân tích quân sự và một nguồn tin "bên trong [quân đội Trung Quốc]" tiết lộ với SCMP, tên của hai mẫu hạm đều được đặt ra nhằm nhắc nhở Quân giải phóng nhân dân (PLA) bài học từ nỗi hổ thẹn trong quá khứ.

Các nguồn tin nói rằng tên của hai mẫu hạm cùng với thời gian thông báo phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường lòng yêu nước và giáo dục chính trị trong quân đội cũng như trong quần chúng.

Theo báo PLA Daily của quân đội Trung Quốc, truyền thống này khởi đầu từ việc một tàu chiến Nhật Bản được chuyển giao cho Trung Quốc sau khi Nhật thua trận trong Thế chiến II vào năm 1945.

Chiếc tàu sau đó trở thành chiến hạm đầu tiên của hải quân Trung Quốc vào năm 1955 và được đặt tên là Nam Xương - thành phố thủ phủ tỉnh Giang Tây, nơi đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức cuộc nổi dậy vũ trang lần đầu tiên năm 1927.

Hơn 60 năm sau, Bắc Kinh quyết định tổ chức lễ biên chế tàu sân bay Sơn Đông vào ngày 17/12/2019 - một dấu mốc có liên quan đến hạm đội Bắc Dương của triều đình nhà Thanh.

Tài khoản mạng xã hội Xiakedao, do Nhân dân Nhật báo Trung Quốc quản lý, giải thích: "Hạm đội Bắc Dương được thành lập vào ngày 17/12/1888 trên đảo Lưu Công ở vịnh Uy Hải [thuộc tỉnh Sơn Đông]. Nhưng không một người Trung Quốc nào nên quên đi những gì xảy ra sau đó."

Hạm đội Bắc Dương - một trong 4 hạm đội hiện đại của hải quân Trung Quốc cuối triều Thanh - đã thảm bại trước hải quân Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần đầu tiên, diễn ra năm 1894-1895. 

Đến nay, người Trung Quốc coi hải chiến Giáp Ngọ (1894) là thất bại tủi hổ nhất trong lịch sử hải quân nước này, buộc chính phủ Thanh phải ký hiệp ước Shimonoseki (Mã Quan) - văn kiện bất bình đẳng đóng vai trò lớn trong việc đưa Trung Quốc thành một nước nửa thuộc địa, khi nhà Thanh phải bồi thường hơn 200 triệu lượng bạc trắng và mất một số địa bàn cho Nhật.

Tàu sân bay Sơn Đông liên quan gì tới mối nhục hạm đội Trung Quốc bị Nhật vùi dập tan tác? - Ảnh 2.

Một tranh vẽ mô tả hải quân Nhật bắn chìm tàu chiến của hạm đội Bắc Dương, Trung Quốc trong hải chiến năm 1894 (Ảnh: Baidu)

Hai tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ mang tên gì?

Tàu sân bay mới của Trung Quốc có thể sẽ cùng với tàu Liêu Ninh đặt "cảng mẹ" tại thành phố Thanh Đảo, bờ đông tỉnh Sơn Đông. Xiakedao cũng đề cập "cống hiến lớn lao" của căn cứ hải quân Thanh Đảo đối với công cuộc phát triển chiến hạm mới, bao gồm việc đào tạo phi công.

Một nguồn thạo tin quân sự của SCMP hé lộ, chính quyền tỉnh Sơn Đông đã đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ hoạt động chế tạo mẫu hạm Sơn Đông trong 6 năm qua.

"Căn cứ 'mẹ' của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là ở Thanh Đảo, và nhiều kỹ thuật viên cùng thủy thủ làm việc trên tàu là người Sơn Đông," nguồn tin ẩn danh nói.

"Chính quyền tỉnh Sơn Đông có trách nhiệm chăm lo công nhân, thủy thủ khi về hưu, và sau này khi [tàu sân bay Sơn Đông] giải ngũ, nó sẽ trở thành tài sản của tỉnh và có thể trở thành một bảo tàng giáo dục về ái quốc trong vài thập niên nữa."

Đó có thể cũng là kế hoạch đối với tàu sân bay Liêu Ninh - nguồn tin cho hay. Tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã dành 8 năm để cải tạo mẫu hạm lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo này, trước khi mua lại nó từ Ukraine.

Tàu Liêu Ninh bắt đầu phục vụ từ năm 2012. Nhà phân tích quân sự Hồng Kông Liang Guoqiang nói rằng đó là thời điểm mà ban lãnh đạo Trung Quốc xác định quy tắc cụ thể, rằng tên của mẫu hạm cần được đặt theo tên các tỉnh thành đã diễn ra những sự kiện cách mạng quan trọng trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.

Theo PLA Daily, các quy định trước đó cho thấy tàu tuần dương có thể đặt tên theo các tỉnh, tàu khu trục và tàu hộ vệ đặt tên theo các thành phố, và tàu đổ bộ đặt tên theo các ngọn núi.

Từ năm 2014, Liang đã đưa ra dự đoán rằng tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ được đặt tên là Sơn Đông. Ông nhấn mạnh ý nghĩa của hai mẫu hạm đối với PLA, và lưu ý rằng chính phủ Thanh đã đặt căn cứ hải quân đầu tiên cho hạm đội Bắc Dương ở cảng Lushun, tỉnh Liêu Ninh. Cả căn cứ này cùng một căn cứ khác ở vịnh Uy Hải đã bị Nhật Bản phá hủy.

Trung Quốc có kế hoạch đến năm 2035 sẽ sở hữu 4 tàu sân bay, một phần trong tham vọng của Bắc Kinh nhằm xây dựng lực lượng hải quân có thể vận hành trên toàn cầu. Tàu sân bay thứ ba, tạm gọi là Type 002, đã bắt đầu được chế tạo từ hai năm trước.

Liang dự đoán, hai tàu sân bay tiếp theo có khả năng tiếp tục được đặt tên liên quan đến các sự kiện diễn ra trong thế kỷ 19.

"[Các tàu sân bay mới] có thể tên là Quảng Đông và Quảng Tây - nơi diễn ra hai sự kiện quan trọng vào cuối thời nhà Thanh," Liang nói, đề cập sự kiện tiêu hủy thuốc phiện ở Hổ Môn, tỉnh Quảng Đông năm 1839 - dẫn đến Chiến tranh nha phiến thứ I với Anh; và khởi nghĩa Kim Điền năm 1851 - cuộc nổi dậy vũ trang ở tỉnh Quảng Tây đánh dấu sự khởi đầu của phong trào Thái Bình Thiên Quốc.

Tàu sân bay Sơn Đông liên quan gì tới mối nhục hạm đội Trung Quốc bị Nhật vùi dập tan tác? - Ảnh 4.

Tàu sân bay Sơn Đông được biên chế chính thức cho hải quân Trung Quốc từ ngày 17/12/2019 (Ảnh: Weibo)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại