Tàu ngầm Nga được phát hiện gần địa điểm máy bay F-35 của Anh gặp nạn

Thanh Bình |

Theo các nguồn tin của Avia.pro, giới chức quân sự Anh đã phát hiện tàu ngầm Nga gần địa điểm máy bay chiến đấu F-35 gặp nạn.

Bộ Quốc phòng Anh thông báo, chỉ vài giờ sau khi tiêm kích F-35 gặp nạn ở Địa Trung Hải, tàu ngầm Nga đã được phát hiện trong khu vực rơi của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Theo đó, tàu ngầm của Nga được cho là lớp Varshavyanka, dường như ngay sau khi phát hiện sự cố xảy ra đã rời căn cứ hải quân ở Syria và di chuyển đến khu vực chiến đấu cơ của Anh gặp nạn.

Cố vấn An ninh Quốc gia Anh Stephen Lovegrove cho biết, tàu ngầm Nga đã di chuyển vào khu vực máy bay chiến đấu Anh gặp nạn để xác định vị trí và sau đó nghiên cứu xác chiếc máy bay bị rơi. Tuy nhiên, theo ông Lovegrove, do bị phát hiện nên tàu ngầm Nga buộc phải rời khỏi khu vực.

Tàu ngầm Nga được phát hiện gần địa điểm máy bay F-35 của Anh gặp nạn - Ảnh 1.

Tàu ngầm Nga được phát hiện gần địa điểm máy bay F-35 của Anh gặp nạn. (Ảnh: AP)

“Rõ ràng việc trục vớt chiếc máy bay một cách nhanh chóng là điều chúng tôi muốn làm và chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh về việc này, nhưng chúng tôi không thể đi sâu vào chi tiết vì lý do an toàn vận hành.

Chúng tôi nhận thức được khả năng hoạt động dưới nước tàu ngầm của Nga. Các biện pháp phòng ngừa mà chúng tôi hiện đang thực hiện nhằm đảm bảo rằng công nghệ của chiếc F-35 vẫn được giữ bí mật”, Cố vấn An ninh Quốc gia Anh thông báo.

Hiện phía Nga không đưa ra bình luận nào về tuyên bố của London, tuy nhiên, trước đó có thông tin cho rằng trên thực tế, Nga không quan tâm đến việc tìm kiếm xác máy bay chiến đấu F-35.

Trước đó, máy bay F-35 của Anh lao xuống Địa Trung Hải hôm 17/11 khi phi công vừa cất cánh từ trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Nguyên nhân của vụ tai nạn có thể là do tấm che mưa bị kẹt vào động cơ khi cất cánh, vì đội kỹ thuật mặt đất đã không tháo tấm che này ra khi chuẩn bị cho máy bay cất cánh.

Phi công của chiếc F-35B đã phát hiện vấn đề và cố hủy màn cất cánh nhưng do đã chạy hết đường băng nên buộc phải thoát ra khỏi máy bay trước khi quá muộn. Dù của phi công bị mắc vào tàu do người này bật ghế phóng lúc ở quá gần tàu sân bay.

Sau đó, việc Anh không ra lệnh cấm bay toàn bộ phi đội F-35 dường như thể hiện rằng họ xem vụ tai nạn là lỗi của con người, chứ không phải trục trặc kỹ thuật với máy bay.

Hôm 8/12, Bộ Quốc phòng Anh thông báo, xác máy bay F-35B của nước này lao xuống Địa Trung Hải hồi tháng 11 đã được trục vớt. Việc tìm được xác máy bay được xem là ưu tiên hàng đầu của Anh trong bối cảnh họ lo ngại rằng công nghệ tuyệt mật trên tiêm kích có thể bị Nga tiếp cận.

Hải quân Anh đã mất 2 tuần để định vị vị trí chính xác của xác máy bay F-35 và mất thêm 1 tuần để kéo chiếc máy bay lên.

Vụ tai nạn này là vụ rơi thứ 5 của dòng tiêm kích tàng hình F-35 trị giá cả trăm triệu USD, không tính đến những sự cố trên mặt đất hoặc khi hạ cánh, đây cũng là chiếc F-35 đầu tiên bị phá hủy khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại