"Star Trek" trên biển
Ý tưởng đóng siêu tàu khu trục DDG-1000 được phát triển dưới thời Tổng thống Rô-nan Ri-gân (Ronald Reagan) trong những năm 80 của thế kỷ trước.
Năm 2010, dự án đóng tàu DDG-1000 mới được khởi công đóng. Hải quân Mỹ đặt tên con tàu mới được tiếp nhận này là Zumwalt để vinh danh Đô đốc Hải quân Elmo Russell Zumwalt Jr, Tư lệnh Hải quân Mỹ giai đoạn 1970-1974.
Siêu tàu khu trục Zumwalt có hình dáng góc cạnh, kiểu thiết kế giúp tàu khó bị ra-đa của đối phương phát hiện hơn so với các tàu khu trục truyền thống.
Tàu dài 189m, rộng hơn 24m, có lượng giãn nước lên tới 15.000 tấn, lớn gấp đôi các tàu khu trục hiện nay. Động cơ turbine khí của hãng Rolls-Royce cung cấp công suất 58MW và bảo đảm tốc độ hành trình của tàu là 20 hải lý/giờ.
Ẩn phía sau các bề mặt phẳng của tàu là những hệ thống vũ khí tối tân. Không chỉ sở hữu một nhà máy điện có thể tạo 78 megawatt (đủ để cung cấp cho một thành phố cỡ nhỏ), con tàu này còn được trang bị 80 bệ phóng tên lửa, pháo 155mm có thể đánh sâu vào trong đất liền đến 100km.
Những "nòng pháo thủy quân nặng nhất được thiết kế từ nhiều thập niên nay", chuyên gia Chris Cavas nhận định trên tờ Defense News. Ngoài ra, Zumwalt còn được trang bị hệ thống ra-đa sóng âm tần số cao rất đặc biệt, hiệu quả trong việc phát hiện các vật thể rất nhỏ, bao gồm cả mìn cài trên mặt nước.
Zumwalt lớn hơn các tàu khu trục hiện tại của Mỹ, khoang đáp và chứa máy bay phía đuôi tàu cũng rộng rãi hơn, có thể chứa được cả chiến đấu cơ F-35, máy bay vận tải lai trực thăng MV-22 Osprey và các máy bay không người lái.
Điểm yếu nhất của chiếc tàu khu trục này là giá thành quá đắt với giá thành 4,4 tỷ USD một chiếc (gấp đôi tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất của Mỹ). Ban đầu, Hải quân Mỹ dự trù sở hữu 32 chiếc song giờ đành phải chấp nhận có… 3 chiếc.
Thông thường, các tàu khu trục truyền thống cần khoảng 300 sĩ quan và thủy thủ để vận hành, nhưng con số này ở Zumwalt chỉ là 130 người nhờ nhiều tính năng trên tàu được tự động hóa hoàn toàn.
Một sự trùng hợp khá thú vị là chỉ huy con tàu này có tên là James Kirk, trùng tên với nhân vật chỉ huy tàu không gian "Enterprise" trong bộ phim truyền hình khoa học giả tưởng "Star Trek". Vì lẽ đó, nhiều người ví von Zumwalt chính là "Star Trek" trên biển của Hải quân Mỹ.
Bước tiến về công nghệ
Việc hạ thủy chiếc Zumwalt đánh dấu những tiến bộ của Mỹ về công nghệ đóng tàu khu trục thế hệ mới trước đối thủ truyền thống Nga. Tờ Le Monde của Pháp đã tỏ ra ngạc nhiên về khả năng tàng hình của tàu khu trục này.
Dù sở hữu "thân hình" đồ sộ, song siêu tàu khu trục này có thể hoạt động "rất mượt" và phát ra tiếng ồn ít hơn nhiều so với các tàu chiến khác.
Một ngư dân trong vùng, từng gặp chiếc tàu này khi đang trên đường chạy thử, cũng cho biết là trên màn ảnh radar của ông, âm thanh do chiếc USS Zumwalt dội ra làm ông nghĩ đó chỉ là một chiếc tàu đánh cá cỡ nhỏ dài chừng 12-15m".
"Khả năng bị radar phát hiện thấp đến 50 lần so với những tàu khu trục trước đây", tờ Le Monde nhận định.
Theo Đô đốc John Richardson, siêu khu trục này nằm trong biên chế Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) và sẽ được đặt tại căn cứ hải quân San Diego, bang California. Dự kiến, Zumwalt sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018.
Ngoài ra, hai chiếc còn lại là USS Micheal Monsoor (DDG-1001) và USS Lyndon B.Johnson (DDG-1002) đang trong quá trình đóng và hoàn thiện.
Nhận xét về Zumwalt, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy PACOM của Hải quân Mỹ, ví von rằng: "Nếu Batman (siêu anh hùng trong điện ảnh) có một tàu chiến, thì đó phải là USS Zumwalt". Vì thế, không ngoa khi gọi Zumwalt chính là bảo bối của Hải quân Mỹ trên biển.
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự nhận định, việc Mỹ bổ sung tàu khu trục Zumwalt vào biên chế của PACOM nhằm giúp lực lượng hải quân bắt kịp với một Trung Quốc đang trỗi dậy, một nước Nga ngày càng quyết đoán và tiến hành các chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu.