Tàu chở dầu Adrian Darya 1 của Iran đã bán dầu cho ai?

Hoàng Phạm |

Iran cho biết, tàu Adrian Darya 1 đã bán dầu nhưng không nêu tên người mua. Trong khi đó, theo hình ảnh vệ tinh, con tàu đang ở ngoài khơi Syria.

Bộ Ngoại giao Iran ngày 9/9 cho biết, tàu chở dầu Adrian Darya 1 đã tới điểm đến của nó và đã bán dầu. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh có nhiều cáo buộc con tàu này vi phạm lệnh trừng phạt của EU khi vận chuyển dầu tới Syria.

“Tàu Adrian Darya 1 cuối cùng đã cập cảng ở bờ biển Địa Trung Hải và đã dỡ hàng”, hãng thông tấn IRNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi cho biết. Tuy nhiên, ông Mousavi không nêu cụ thể tên nước có liên quan.

Tàu chở dầu Adrian Darya 1 của Iran đã bán dầu cho ai? - Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh do Maxar cung cấp cho thấy, ngày 6/9, tàu Adrian Darya cách Tartus của Syria 2 hải lý.

Bán dầu cho ai khi chưa dỡ hàng?

Tàu chở dầu Adrian Darya 1, tên trước đó là Grace 1, bất ngờ “mất dấu vết” từ tuần trước và sau đó được vệ tinh chụp lại nó ở gần cảng Tartus của Syria.

Bất chấp sự phản đối của Mỹ, tháng trước chính quyền Gibraltar của Anh đã thả tàu chở dầu Adrian Darya 1 sau khi nhận được sự đảm bảo bằng văn bản từ phía Iran rằng con tàu sẽ không hướng đến các nước nằm trong lệnh trừng phạt của EU. Tuy nhiên, Iran sau đó bác bỏ đã đưa ra bất cứ cam kết nào về điểm đến của con tàu.

Ngày 6/9, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đăng tải trên Twitter bức ảnh do một công ty chuyên về hình ảnh vệ tinh cung cấp cho thấy, con tàu này cách cảng Tartus của Syria khoảng 2 hải lý. Ông cáo buộc Iran chuyển dầu cho Syria nhằm trợ giúp chính quyền Tổng thống Assad, một trong những đồng minh Arab thân cận nhất của Iran.

“Bất cứ ai nói rằng tàu Adrian Darya-1 không hướng tới Syria đều là dối trá. Tehran nghĩ rằng hỗ trợ chính quyền Assad quan trọng hơn so với việc hỗ trợ người dân của chính mình. Chúng tôi có thể đối thoại, nhưng Iran sẽ không nhận được bất cứ sự dỡ bỏ trừng phạt nào nếu không chấm dứt việc dối trá và gieo rắc khủng bố”, ông Bolton tuyên bố trên Twitter.

Thông tin về vị trí của tàu Adrian Darya-1 trước khi nó mất dấu vết là ở phía Đông Địa Trung Hải, giữa CH Síp và Syria vào chiều ngày 2/9. Các nhà giám sát hàng hải cho rằng, thủy thủ trên tàu đã tắt bộ phát tín hiệu để tránh bị phát hiện điểm đến cũng như các hoạt động bốc dỡ hàng của tàu.

Trang chuyên theo dõi tàu thuyền TankerTrackers cho biết, tới đêm 8/9, con tàu này vẫn ở ngoài khơi cảng Tartus của Syria, nhưng vẫn chưa dỡ hàng.

Các hình ảnh vệ tinh cho rằng, con tàu vẫn ở ngoài khơi Syria, chờ một con tàu khác để chuyển hàng sang, từ đó có thể chuyển dầu vào đất liền. Công ty theo dõi tàu thuyền TankerTrackers phát hiện một số con tàu có thể là “ứng cử viên” lý tưởng cho việc vận chuyển như vậy, tuy nhiên, việc chuyển dầu vẫn chưa diễn ra.

Căn cứ hải quân Tartus ở Syria hiện đang do Nga sử dụng, nhưng không rõ Nga có liên quan gì tới các hoạt động vận chuyển dầu, nếu có, hay không.

Mỹ vừa tìm cách mua chuộc, vừa gia tăng sức ép

Tranh cãi về tàu chở dầu Iran diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây đang tìm cách trừng phạt Tổng thống Bashar al-Assad của Syria.

Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào tàu chở dầu Adrian Darya 1 của Iran và thuyền trưởng con tàu này với cáo buộc họ đang làm việc cho Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) và “hỗ trợ khủng bố hoặc hành động khủng bố”.

Mỹ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với bất kỳ nước nào mua dầu hoặc giao thương với lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách về Chủ nghĩa khủng bố và Tình báo tài chính Sigal Mandelker ngày 8/9 cho biết, sẽ không nước nào được ngoại lệ đối với các lệnh cấm của Mỹ liên quan tới việc mua dầu của Iran.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng sức ép với Iran và như Tổng thống [Trump] đã nói, sẽ không có sự miễn trừ nào đối với các trường hợp mua dầu của Iran”, bà Mandelker nói.

Mặt khác, Mỹ vẫn tìm cách mua chuộc thuyền trưởng tàu chở dầu Iran với số tiền lên tới 15 triệu USD nếu họ đầu hàng và “giao nộp” con tàu cho chính quyền Mỹ.

Theo CBS News, không chỉ thuyền trưởng tàu Adrian Darya 1, giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ còn liên hệ với một số tàu chở dầu khác của Iran, thông báo cho các thuyền trưởng rằng nếu họ muốn chuyển hướng con tàu tới bất cứ nơi nào mà Mỹ có thể tịch thu nó, họ có thể được trao thưởng lên tới 15 triệu USD cùng lời cam kết đảm bảo an toàn.

“Với số tiền này, bạn có thể sống cuộc sống mà bạn mong muốn và giàu có tới già. Nếu bạn lựa chọn không muốn đi con đường dễ dàng, cuộc sống sẽ khó khăn hơn với bạn”, Brian Hook, người đứng đầu nhóm Hành động Iran của Mỹ, nói trong một email gửi tới Akhilesh Kumar - thuyền trưởng Adrian Darya 1 đang vận chuyển 2 triệu thùng dầu thô.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/9 cũng đã xác nhận đề xuất này còn được đưa ra với thuyền trưởng của các tàu chở dầu khác.

Thực chất đây không phải là chiến thuật mới mà là một chương trình từng được Mỹ đưa ra từ năm 1984 với tên gọi “Phần thưởng cho Công lý” (Rewards for Justice). Như một phần của chương trình chống khủng bố, Bộ Ngoại giao đã sử dụng các nguồn lực tài chính để chi cho những thông tin giúp bắt giữ những đối tượng bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.

Chính quyền Iran đã phản ứng lại nỗ lực mua chuộc của Mỹ bằng cách gọi đây là chiến thuật “tống tiền” kiểu mới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại