Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: “Bằng mặt, không bằng lòng” trong vấn đề Syria

Đình Nam |

Dù đã nhất trí sẽ thành lập vùng an toàn tại Syria, đến nay Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ “bằng mặt nhưng chưa bằng lòng” về những gì hai bên đạt được.

Mỗi bước đi tại Syria, hai bên đều đã để lộ những bất đồng cơ bản về quan điểm. Đây có lẽ cũng là một phần lý do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan rất muốn gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump vào cuối tháng này, để thu hẹp khoảng cách giữa 2 bên trong vấn đề.

Hôm 8/9, các xe quân sự có vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên giới, tiến vào Syria, để bắt đầu tuần tra chung với Mỹ - một bước đệm trong việc thiết lập “vùng an toàn” dọc khu vực biên giới Đông Bắc Syria, đang do các lực lượng người Kurd Syria kiểm soát. Việc tuần tra chung đánh dấu bước tiến hợp tác mới nhất giữa các đồng minh NATO Mỹ - Thổ ở phía Đông con sông Euphrates, bất chấp những phản đối và chỉ trích vi phạm chủ quyền từ Chính phủ Syria. Dự kiến, cuộc tuần tra chung giữa 2 bên sẽ kéo dài trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi cuộc tuần tra bắt đầu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng thừa nhận, mỗi bước đi để thành lập vùng an toàn tại Syria , Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều đã để lộ những bất đồng cơ bản: “Chúng tôi đang thấy, ở mọi bước đi, những gì chúng tôi muốn và Mỹ muốn trong đầu đều không giống nhau. Mục đích của chúng tôi là tiêu diệt tổ chức khủng bố trong khu vực, trong khi Mỹ lại muốn dàn xếp giữa chúng tôi và tổ chức khủng bố. Có vẻ đồng minh Mỹ của chúng tôi đang muốn tìm kiếm 1 khu vực an toàn cho tổ chức khủng bố thay vì chúng tôi”.

Không chỉ tranh cãi “kịch liệt” về kích cỡ vùng an toàn, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn chưa thống nhất được ai sẽ là bên quản lý và giám sát vùng an toàn sau này.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ muốn lực lượng người Kurd Syria rời khỏi vùng an toàn này để Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ quản lý, thậm chí là có thể chỉ mình Thổ Nhĩ Kỳ quản lý. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho hồi hương khoảng 1 triệu trong tổng số 3,6 triệu người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ về vùng an toàn này.

Thêm vào đó, Tổng thống Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể chấp nhận việc Mỹ tiếp tục huấn luyện quân sự cho các tay súng người Kurd Syria – một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có mối quan hệ với tổ chức khủng bố Đảng Công nhân Người Kurd PKK tại nước này.

Tuy nhiên, mục đích trước mắt của Mỹ về vùng an toàn này chỉ là để ngăn chặn 1 cuộc tấn công lớn của Ankara dự định tiến hành nhằm vào người Kurd, Syria. Theo phía Mỹ, vùng an toàn sẽ giải quyết mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh, song vẫn cho phép liên minh quân sự quốc tế và người Kurd Syria tập trung vào mục tiêu đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng.

Chính vì mục tiêu cuối cùng trong việc thành lập vùng an toàn của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều khác biệt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã bày tỏ mong muốn gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc, diễn ra tại New York, Mỹ vào cuối tháng này để thảo luận sâu hơn.

Từ lâu, vấn đề người Kurd, Syria đã khoét sâu các bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù 2 bên đang cố gắng thu hẹp sự khác biệt, song việc “tự ý” thiết lập vùng an toàn của 2 quốc gia này bên trong lãnh thổ Syria cũng đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận quốc tế, đặc biệt là chính phủ Syria. Chính quyền Damascus cho rằng động thái là một sự gây hấn với mục đích kéo dài khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria khẳng định, cuộc tuần tra chung của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Syria là sự “xâm phạm trắng trợn” chủ quyền quốc gia, vi phạm sự “toàn vẹn lãnh thổ”. Chính phủ Syria cũng cáo buộc lực lượng người Kurd nước này đang đi theo đường lối muốn ly khai và đang tiếp tay cho lực lượng nước ngoài xâm chiếm quốc gia này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại