Sau vụ thảm sát, Tổng thống Trump hủy đối thoại vào phút chót: Hy vọng về hiệp định Mỹ-Taliban vụt tắt

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ông Chris Mason, Giáo sư Học viện quân sự thuộc quân đội Mỹ nói: "Chỉ việc rút năm ngàn lính Mỹ không thôi sẽ không thay đổi bất cứ điều gì ở Afghanistan trong tương lai gần".

Ngày 2/9/2019, sau gần một năm với 9 phiên đàm phán đầy khó khăn tại Thủ đô Doha của Qatar, Mỹ và Phong trào Taliban đã đạt được một dự thảo Hiệp định hoà bình gồm 11 điểm với nội dung chính là Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan và Taliban phải đảm bảo không cho phép các phần tử khủng bố, đứng đầu là Al-Qaida và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Theo thoả thuận này, giai đoạn đầu Mỹ sẽ rút 5,400 trong tổng số 14,000 quân từ 5 căn cứ quân sự ở Afghanistan trong vòng 135 ngày tới.

Ngay sau khi đạt được dự thảo Hiệp định, Đặc phái viên, trưởng đoàn đàm phán của Mỹ Zalmay Khalilzad đã bay sang Kabul để thông báo cho Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani về nội dung thoả thuận. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự định sẽ có cuộc gặp gỡ với đại diện Taliban và Tổng thống Ashraf Ghani để đi đến thoả thuận cuối cùng trước khi ký kết chính thức.

Đạt được thoả thuận trên bàn đàm phán nhưng việc ký kết Hiệp định cuối cùng đang gặp nhiều trở ngại

Mặc dù hai đoàn đàm phán của Mỹ và Taliban đã đạt được một dự thảo Hiệp định hoà bình, nhưng Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ashraf Ghani phải là người quyết định cuối cùng.

Ngày 7/9/2019, Tổng thống Donald Trump đã đột ngột huỷ cuộc gặp với Tổng thống Ashraf Ghani và đại diện Phong trào Taliban dự định được tổ chức tại Trại David thuộc bang Maryland của Mỹ và tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán hoà bình với Taliban. Lý do ông Donald Trump đưa ra là do Taliban tiến hành một loạt các cuộc tấn công vào Thủ đô Kabul làm nhiều người chết và bị thương, trong đó có một lính Mỹ.

Sau vụ thảm sát, Tổng thống Trump hủy đối thoại vào phút chót: Hy vọng về hiệp định Mỹ-Taliban vụt tắt - Ảnh 1.

Dự thảo Hiệp định hòa bình giữa Mỹ và Taliban đã không nhận được sự đồng thuận ngay trong nội bộ Nhà Trắng. Một trong những người phản đối Hiệp định này là Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông Pompeo không đồng ý việc Taliban đòi ông phải đại diện cho phía Mỹ ký kết hiệp định.

Mặt khác, Taliban còn đòi thuật ngữ "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan", tên gọi chế độ của họ trước đây bị lật đổ trong chiến dịch quân sự của Mỹ và NATO năm 2001 phải được ghi trong văn bản của Hiệp định. Ông Pompeo lo ngại rằng chữ ký của ông trên một văn kiện có từ ngữ này sẽ được hiểu rằng Mỹ thừa nhận sự tồn tại của hai chính quyền ở Afghanistan.

Chính phủ Afghanistan đã tỏ lo ngại về hậu quả của thỏa thuận giữa Mỹ và phong trào Taliban đạt được tại Doha. Phó Tổng thống Afghanistan Sarwar Danish cho biết việc dùng thuật ngữ "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan" để chỉ tên Phong trào Taliban trong văn bản thỏa thuận với Mỹ là không thể chấp nhận được, bởi vì nó vi phạm Hiến pháp và chủ quyền quốc gia của Afghanistan.

Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan của Taliban được thành lập và tồn tại từ năm 1996-2001 và được nhiều nước công nhận. Chế độ này bị Mỹ và đồng minh lật đổ năm 2001 trong cuộc tấn công nhằm trả thù cho vụ khủng bố 11/9.

Chính quyền Afghanistan cũng không hài lòng về nội dung dự thảo Hiệp định vì Kabul đã không được tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban vì Taliban cho đây là chính quyền bù nhìn của Mỹ. Mặt khác, trong dự thảo không có điều khoản nào quy định rõ trách nhiệm của Taliban phải đối thoại trực tiếp với chính phủ Kabul. Hơn nữa, các cuộc đàm phán Doha đã không đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm giảm mức độ bạo lực ở Afghanistan.

Taliban tiếp tục các cuộc tấn công của họ nhằm vào các cơ quan của chính phủ Kabul và quân Mỹ. Các vụ đánh bom không chỉ xảy ra ở các địa phương mà cả ở Thủ đô Kabul. Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 2/9, trong khi trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ Zalmay Khalilzad đang có mặt tại Kabul để thông báo nội dung dự thảo Hiệp định giữa Mỹ và Taliban, một chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ đã lao vào khu phố Green Village, nơi người nước ngoài sinh sống và làm việc, ít nhất 16 người đã thiệt mạng. Taliban trực tiếp nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

Nguyên nhân thực sự của việc chưa ký được Hiệp định hoà bình về Afghanistan là gì?

Hiệp định này chưa thể coi là một bước đột phá, vì nó không làm thay đổi nhiều tình hình chính trị cũng như quân sự ở Afghanistan.

Ông Trump gọi Hiệp định với Taliban là Hiệp định hòa bình, nhưng trên thực tế theo thoả thuận này số quân Mỹ tại Afghanistan chỉ giảm vài ngàn người so với khi ông bước vào Nhà Trắng.

Tháng 12/2014, tại một buổi lễ tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama lúc đó đã chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết sẽ rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, tuy nhiên, sau khi trở thành Tổng thống, tháng 8/2017 ông đã quyết định đưa thêm 4 ngàn quân đến quốc gia này. Đến giờ phút này tình hình quân Mỹ ở Afghanistan vẫn không có gì thay đổi.

Thỏa thuận mới đây với Taliban về cơ bản không có gì mới. Mỹ đã không đưa ra được một lịch trình cụ thể về giảm quân số của mình mà vẫn giữ lại 8,4 ngàn quân tại Afghanistan. Đồng thời, thỏa thuận này không tính đến số lượng lớn lính đánh thuê do các nhà thầu tư nhân và hàng ngàn sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt của CIA vẫn ở lại Afghanistan.

Sau vụ thảm sát, Tổng thống Trump hủy đối thoại vào phút chót: Hy vọng về hiệp định Mỹ-Taliban vụt tắt - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trước khi rời nhiệm sở đã để lại khoảng 8,4 ngàn quân tại Afghanistan. Tuy nhiên năm 2017, Lầu Năm góc cho biết con số thực sự là 11 ngàn người. Sau đó, tháng 8/2017, ông Trump đã đưa thêm khoảng bốn nghìn quân nữa, như vậy tổng số quân Mỹ hiện nay là khoảng 15 ngàn. Nếu Mỹ rút 5 ngàn quân theo thoả thuận thì số quân chính thức của Mỹ còn lại ở Afghanistan vẫn là 11 ngàn. Tình hình chẳng có gì thay đổi cả.

Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố, Washington sẽ duy trì sự hiện diện quân sự và tình báo lâu dài ở Afghanistan để thu thập các thông tin tình báo ngay cả sau khi đạt được thỏa thuận với Taliban. Còn Taliban thì yêu cầu rút toàn bộ quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 5/9/2019, Tổng thống Trump cho biết Washington đang lập kế hoạch để giảm lực lượng quân sự của Mỹ ở Afghanistan từ 14,000 hiện nay xuống 8.600 người. Ông cảnh báo quân Mỹ sẽ quay trở lại ngay nếu xảy ra bất cứ một cuộc tấn công nào có nguồn gốc từ Afghanistan nhằm váo Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Tổng thống Trump mới đây cũng nói với kênh truyền hình Fox News rằng, các nhân viên tình báo của Mỹ (CIA) sẽ luôn luôn có mặt ở Afghanistan. Theo tờ New York Times, các cố vấn của Nhà Trắng đang xem xét kế hoạch mở rộng sự hiện diện của CIA ở Afghanistan để lấp những khoảng trống từ việc rút quân từng phần của Mỹ.

Việc rút một phần quân Mỹ khỏi Afghanistan không làm thay đổi nhiều tình hình Afghanistan

Ông Chris Mason, Giáo sư Học viện quân sự thuộc quân đội Mỹ nói: "Chỉ việc rút năm ngàn lính Mỹ không thôi sẽ không thay đổi bất cứ điều gì ở Afghanistan trong tương lai gần".

Theo giáo sư Chris Mason, Taliban không phân biệt giữa các nhân viên CIA và các đơn vị bán quân sự với các lực lượng quân sự chính quy. Việc rút quân chỉ nên được coi là bước đầu tiên hoặc là một biện pháp để xây dựng lòng tin. Ông nói thêm rằng, tranh thủ các điều kiện của Hiệp định này, các lực lượng Taliban sẽ tiếp tục củng cố vị trí của họ trên các mặt trận khác nhau. 

Ngay sau khi đạt được thoả thuận tại Doha, các hoạt động vũ trang ở Afghanistan vẫn không những không hề thuyên giảm mà còn trở nên ác liệt hơn. Theo các thông tin từ Afghanistan, ngày 5/9/2019, chính các lực lượng không quân của chính phủ đã khai hoả trước bằng một cuộc không kích vào thành phố Ghazni, tiêu diệt 26 chiến binh Taliban. Một ngày sau Taliban đã đáp trả bằng một vụ đánh bom xe vào Thủ đô Kabul làm 11 người chết và 42 người khác bị thương, trong đó có một binh sỹ Mỹ.

Sau vụ thảm sát, Tổng thống Trump hủy đối thoại vào phút chót: Hy vọng về hiệp định Mỹ-Taliban vụt tắt - Ảnh 3.

Taliban có ý định giành lại quyền kiểm soát chính trị hoàn toàn đối với Afghanistan, chứ không chấp nhận hòa nhập vào trật tự chính trị hiện nay ở Kabul mà họ coi là dị giáo và bất hợp pháp. Họ dần dần từng bước giành quyền kiểm soát các vùng nông thôn của Afghanistan, nơi có khoảng 80% dân số Afghanistan sinh sống. Hơn nữa, hiệp định đạt được tại Doha không có điều khoản nào quy định ngừng bắn nên không gì có thể ngăn cản Taliban tăng cường các hoạt động quân sự để giành chính quyền.

Dự thảo Hiệp định nói Mỹ và Taliban đồng ý về thời hạn rút quân khỏi Afghanistan, nhưng tất cả còn rất mơ hồ. Mặt khác, trên thực tế thực tế Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al-Qaeda hiện cũng đang củng cố sự hiện diện của mình tại Afghanistan.

Quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là quân sự. Các cuộc hoà đàm với Taliban và tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan chủ yếu là để thể hiện rằng ông Trump thực hiện cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và tranh thủ lá phiếu của cử tri khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại