Hôm 3-7, trang Eurasia Review cho biết cuộc tuần tra được thực hiện trong tuần này. Lúc đó, một tàu kiểm ngư của Việt Nam cũng có mặt.
Hạm đội 7 của hải quân Mỹ hôm 2-7 xác nhận tàu chiến USS Gabrielle Giffords đang tiến hành nhiệm vụ thường xuyên ở biển Đông. Lực lượng này công bố một bức ảnh cho thấy nó ở gần tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc.
Trong một bức ảnh khác do hải quân Mỹ chia sẻ, một tàu kiểm ngư của Việt Nam cũng hiện diện trong cùng khu vực với hai tàu Mỹ và Trung Quốc.
Tàu USS Gabrielle Giffords tăng tốc vượt lên tàu Hải Dương 4. Ảnh: U.S. Navy
Hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy 3 tàu USS Gabrielle Giffords, Hải Dương 4 và kiểm ngư Việt Nam KN750 trong cùng khu vực. Ảnh: Twitter
Hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy 3 tàu USS Gabrielle Giffords, Hải Dương 4 và kiểm ngư Việt Nam KN750 trong cùng khu vực. Ảnh: Twitter
Vào giữa tháng 6, tàu Hải Dương 4 đi vào lãnh hải thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam nhằm gây áp lực về hoạt động khai thác dầu với các đối tác quốc tế ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam Việt Nam.
Con tàu rời đi hôm 20-6 nhưng phần mềm theo dõi tàu được trang Benar News sử dụng cho thấy tàu Hải Dương 4 cách bờ biển Việt Nam khoảng 205 hải lý hôm 30-6 - ngày cuối cùng nó phát tín hiệu địa điểm.
Theo Eurasia Review, Trung Quốc thường gửi các tàu khảo sát đến vùng biển tranh chấp hoặc EEZ của các quốc gia khác để gây sức ép buộc họ không được khai thác tài nguyên. Từ ngày 15-4 đến ngày 15-5, Trung Quốc đã gửi tàu Hải Dương 8 vào EEZ của Malaysia cùng với một đội tàu hộ tống. Con tàu đã thực hiện khảo sát trong vùng biển Malaysia, gần giàn khoan West Capella do Malaysia ký hợp đồng.
Sự cố này khiến hải quân Mỹ triển khai các tàu chiến đến khu vực ít nhất 3 lần. Còn giàn khoan West Capella đình chỉ hoạt động sớm vào ngày 12-5 và tàu Hải Dương 8 rời đi ngay sau đó.