Tập kích “bầy đàn” UAV: Chưa có cách đối phó, Mỹ quay sang… dùng tạm tên lửa Stinger!

Trung Phạm |

Hệ thống phòng không vác vai tầm ngắn Stinger được Mỹ lựa chọn như một giải pháp tình thế để đối phó với kiểu tấn công "bầy đàn" UAV như đã xảy ra với Nga tại Syria.

Khi mối đe dọa từ phương thức tác chiến kiểu "bầy đàn" máy bay không người lái (UAV) đang ngày càng trở nên hiện hữu, Quân đội Mỹ buộc phải gấp rút đẩy mạng các khả năng phòng không tầm gần mới.

Lục quân Mỹ hiện đang lên kế hoạch bổ sung cho các đơn vị chiến đấu cơ động hàng trăm khẩu đội vũ trang tên lửa Stinger bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện một chương trình ở quy mô lớn hơn là phát triển các thiết bị laser và chế áp điện tử mới cũng như nhiều loại pháo tự động và tên lửa đất đối không truyền thống khác.

Đầu tháng 1/2018, Lục quân Mỹ đã cử lực lượng tới châu Âu để bắt đầu huấn luyện cho các đơn vị vũ trang ở đây sử dụng hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger và dự tính sẽ thành lập tổng cộng khoảng 600 tổ đội cho các đại đội bộ binh cơ giới.

"Đưa các tên lửa Stinger hoạt động trở lại là nhằm giải quyết khoảng cách do chính Mỹ tạo ra và cũng đã nhận thức được điều đó", Trung tá Aaron Felter, Giám đốc phụ trách Huấn luyện và Học thuyết của Trung tâm Phòng không tích hợp Lục quân Mỹ phát biểu trên Defense News.

"Chúng tôi đang trở lại với những nguyên lý cơ bản và sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn này cho các đơn vị cơ động".

Tập kích “bầy đàn” UAV: Chưa có cách đối phó, Mỹ quay sang… dùng tạm tên lửa Stinger! - Ảnh 1.

UAV tấn công căn cứ quân sự Nga tại Syria

Stinger được lựa chọn như một giải pháp tình thế

Biên chế các khẩu đội Stinger cho những đơn vị chiến đấu cơ động quy mô nhỏ từng là hoạt động đặc trưng ở giai đoạn cuối của thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng nó đã chấm dứt khi mối đe dọa tấn công không quân từ đối phương không còn là một mối lo ngại với Mỹ trong những năm 1990.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các tên lửa Stinger cũng chỉ là một giải pháp tạm thời trong việc đối phó với mối đe dọa tập kích "bầy đàn" UAV đang nổi lên. Lục quân Mỹ vẫn đang cân nhắc bổ sung thêm nhiều hệ thống, trong đó có các xe tác chiến điện tử, vũ khí laser và nhiều loại pháo, tên lửa truyền thống khác cho toàn lực lượng.

Nhưng trong lúc chờ đợi các hệ thống này ra đời thì Stinger được lựa chọn như một giải pháp tình thế trước thực tế các lực lượng quân sự Nga ở Syria vừa bị tấn công ồ ạt bởi các máy bay không người lái.

Theo các nhìn nhận của Mỹ, không chỉ có các phần tử khủng bố và phiến quân triệt để tận dụng vai trò của UAV mà các đối thủ ngang tầm như Nga và Trung Quốc cũng đang tích cực cải thiện năng lực trong lĩnh vực này, gồm cả khả năng vận hành các nhóm máy bay không người lái quy mô nhỏ tham gia tác chiến bầy đàn tự động và bán tự động.

"Di chuyển ở trần bay thấp, tốc độ chậm, các hệ thống không người lái bộc lộ một mối đe dọa to lớn đối với các lực lượng cơ động trong khi chúng lại rất khó phát hiện và phòng vệ", Chuẩn tướng Lục quân Mỹ Randall McIntire bình luận trên ấn phẩm tháng 11-12/2017 của tạp chí Fires Bulletin.

"Không có các năng lực phòng không tầm gần, các đơn vị chiến đấu cơ động phải đối diện với nguy cơ bị UAV liên tục theo dõi và cuối cùng có thể bị hủy diệt bởi pháo binh và trực thăng hoặc máy bay chiến đấu".

Tập kích “bầy đàn” UAV: Chưa có cách đối phó, Mỹ quay sang… dùng tạm tên lửa Stinger! - Ảnh 2.

Máy bay không người lái chiến thuật Eleron-3SV của Nga

Viện dẫn các mối đe dọa đến từ Nga, Trung tá Felter nói rằng "Sự tập trung trước hết giành cho châu Âu và chuẩn bị cho châu Âu sẵn sàng chiến đấu chống trả bất kỳ đối thủ nào. Mục tiêu trước mắt là biên chế 62 khẩu đội Stinger cho các đơn vị đang hoạt động tại đây càng sớm càng tốt".

Mối đe dọa đến từ các máy bay không người lái và kiểu tác chiến bầy đàn đang diễn biến rất nhanh. Chỉ trong vòng 1 năm, các nhân tố phi nhà nước ở Trung Đông đã sử dụng nhiều chủng loại UAV dẫn đường GPS mang theo thuốc nổ tự chế tấn công các lực lượng an ninh nhà nước ở đây.

Trong khi khoảng cách giữa các hệ thống phòng không hiện có và những mối đe dọa tiềm ẩn này đang ngày càng mở rộng, Quân đội Mỹ không thể chờ đợi lâu hơn nữa cho tới khi được tiếp nhận các vũ khí mới và những biện pháp đối phó khác. Dó đó, hệ thống tên lửa vác vai Stinger đã được lựa chọn như một giải pháp tình thế.

Hệ thống tên lửa vác vai FIM-92 Stinger khai hỏa

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại