Dự án nào đang được Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc quan tâm?
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Trần Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc trao đổi về khả năng nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng khoảng 388 km hồi trung tuần tháng 9. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong chương trình công tác tại Quảng Tây, Trung Quốc hồi trung tuần tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC). Tại cuộc tiếp, Chủ tịch CREC đã báo cáo Thủ tướng các hoạt động của Tập đoàn tại Việt Nam, ông cho biết Tập đoàn mong muốn tham gia đầu tư xây dựng các dự án đường sắt nằm trong Quy hoạch được Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong các đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, bao gồm đường sắt. Thủ tướng và ngài Chủ tịch đã trao đổi về khả năng nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng khoảng 388 km.
Hoan nghênh khả năng Tập đoàn tham gia dự án này, Thủ tướng đề nghị ngay sau cuộc tiếp, các cơ quan Việt Nam như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn trao đổi cụ thể về khả năng triển khai dự án trong thiết kế, thu xếp nguồn vốn, thi công, quản lý… theo hình thức phù hợp nhất, có lợi nhất cho hai bên. Chính phủ sẽ có ý kiến về những vấn đề thuộc thẩm quyền. Tinh thần là bảo đảm tiến độ và chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Theo nghiên cứu, dự án này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong hai hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Được biết, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc là tổng thầu thi công công trình xây dựng cơ bản bao gồm: Đường sắt, đường bộ, thị chính, giao thông đường sắt đô thị, thủy lợi, thủy điện, sân bay, cảng biển, bến cảng, chế tạo thiết bị công nghiệp và linh phụ kiện, phát triển bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh đường bộ cao tốc và đầu tư tài chính... Tính đến nay, Tập đoàn có 381 chi nhánh tại 105 quốc gia với tổng nhân viên là khoảng 290.000 người; doanh thu năm 2022 là 1.150 tỷ nhân dân tệ.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc là tổng thầu thi công dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông với tổng giá trị hợp đồng EPC 640 triệu USD; dự án điện gió Đắk Nông có tổng giá trị hợp đồng 18,1 triệu USD; dự án nhà máy lốp tại Tiền Giang có tổng giá trị 5 triệu USD.
Dự án dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng, phía Trung Quốc từng hỗ trợ nghiên cứu
Dự án tuyến đường sắt cao tốc trị giá 7,3 tỷ USD do Trung Quốc xây dựng tại Indonesia. Ảnh: Courtesy of China Railway
Liên quan đến dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trước đó vào năm 2019, Viện khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn) từng nghiên cứu báo cáo cuối kỳ quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn.
Tuyến đường sắt này dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với chiều dài hơn 130 km, 25 hầm dài 25 km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự báo năng lực vận tải là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.
Lý do được đưa ra việc cần thiết đầu tư tuyến đường sắt này là do hiện nay tuyến đường sắt từ Lào Cai đến Hải Phòng có tiêu chuẩn và năng lực thấp, vận tốc trung bình là 50 km mỗi giờ; tốc độ cao nhất 80 km mỗi giờ.
Theo nghiên cứu, qua phân tích ưu nhược điểm của từng phương án, tư vấn kiến nghị xây dựng tuyến mới với quy mô tuyến chính là đường sắt cấp I, đường đơn tốc độ chạy tàu thiết kế 160 km mỗi giờ, loại hình dẫn kéo điện lực, sử dụng trạm đóng tự động để đảm bảo an toàn.
Kinh phí cho việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được Chính phủ Trung Quốc viện trợ. Đơn vị tư vấn đã ước tính tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 100.000 tỷ đồng; diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.
Sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, bản quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải và các cấp có thẩm quyền xem xét. Theo lộ trình, tuyến đường sắt này được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2020 -2025 và xây dựng sau năm 2025.
Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được ưu tiên lộ trình đầu tư như thế nào?
Liên quan đến dự án trên, theo Quyết định 396/QĐ-TTg ký hồi tháng 4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ:
Sẽ ưu tiên thực hiện đối với các tuyến đường sắt chưa chuẩn bị đầu tư, lộ trình đầu tư trước năm 2030; các tuyến đường sắt đang khai thác, việc quản lý được thực hiện theo hành lang an toàn đường sắt; các tuyến đường sắt mới đã, đang thực hiện chuẩn bị đầu tư hoặc thực hiện đầu tư sẽ được cập nhật và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Tuyến đường sắt hiện tại từ Hà Nội đi Lào Cai có tàu cũ và chạy tốc độ trung bình từ 50-80km/h. Ảnh: Thiên Sơn
Tổ chức triển khai lập quy hoạch đối với các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030, cụ thể như sau: 03 quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, khu vực đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực đầu mối thành phố Hải Phòng; quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm cả đoạn nối đến Hạ Long).
Cũng theo Quyết định này của Thủ tướng, nguồn vốn dự kiến cần đầu tư trung hạn cho đường sắt trên toàn quốc đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025: Bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án đường sắt theo quy hoạch.
Giai đoạn 2026 - 2030: Dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021 - 2030.