Trao đổi với trang Navy Recognition bên lề triển lãm, kiến trúc sư hải quân, Bob De Smedt, một trong những người tham gia vào dự án Omega giải thích rằng mô hình trưng bày là mẫu thiết kế đầu tiên dành cho dự án tương lai để thay thế các khinh hạm lớp M của Hải quân Hoàng gia Hà Lan và Hải quân Bỉ.
Tuy nhiên, lý do chính khiến mẫu khinh hạm lớp Omega được giới thiệu tại triển lãm IndoDefence (thay vì ở triển lãm EuroNaval có quy mô lớn hơn nhiều diễn ra 2 tuần trước), là bởi Tập đoàn Damen đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Indonesia về một loại khinh hạm lớn hơn.
Do đó, tên 'FFI' trên hình ảnh của Damen nghĩa là Khinh hạm tương lai của Indonesia (Future Frigate Indonesia).
Thiết kế mới, vượt trội so với Sigma
Omega thực sự là một dòng sản phẩm mới của Damen, bổ sung vào bên cạnh lớp tàu Sigma nổi tiếng. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là sẽ không có "dòng Omega tiêu chuẩn": nghĩa là thiết kế của lớp Omega sẽ luôn được thiết kế hoàn toàn theo yêu cầu của khách hàng.
Khinh hạm lớp Omega (với chữ FFI) cùng với khinh hạm Sigma 10514 của Hải quân Indonesia. Nguồn ảnh: Damen
Vì lý do đó, thiết kế khinh hạm Omega tương lai của Hải quân Indonesia nhìn khá khác so với thiết kế để thay thế khinh hạm lớp M, trừ khi Indonesia muốn tham gia cùng với Hà Lan và Bỉ.
Cả Hà Lan và Bỉ cùng tham gia chế tạo 4 khinh hạm (mỗi nước 2 chiếc) để thay thế các khinh hạm lớp M.
Các nguồn tin bên lề triển lãm IndoDefence cho Navy Recognition biết rằng Hải quân Indonesia có nhu cầu về lớp khinh hạm 6.000 tấn theo sau việc đóng khinh hạm PKR thứ 3 và 4 (cũng là thiết kế của Damen, thuộc gia đình tàu Sigma).
Mô hình khinh hạm lớp Omega trưng bày tại triển lãm IndoDefence.
Những chiếc khinh hạm thế hệ mới này có chiều dài 144m, rộng 8,8m với lượng giãn nước 6.100 tấn; Tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ; Tầm hoạt động: 5.000 hải lý ở tốc độ 18 hải lý/giờ; Dự trữ hành trình: 30 ngày; Thủy thủ đoàn: 122 người (cho phép tối đa 160 người). Trên tàu có nhà chứa cho 2 trực thăng cỡ trung hoặc UAV.
Mô hình khinh hạm lớp Omega trưng bày tại triển lãm IndoDefence.
Tập đoàn Damen giải thích rằng lớp Omega/FFI được dựa trên khung thân đã được chứng minh của lớp De Zeven Provinciën. Tàu được trang bị 4 động cơ diesel cùng 2 động cơ điện.
Lớp Omega cũng có 2 khoang đa nhiệm với diện tích lớn: 1 khoang ở giữa thân tàu và khoang còn lại ở đuôi tàu.
Hình dáng tương lai của khinh hạm lớp Omega là phần lớn do thiết kế radar thế hệ mới của Tập đoàn Thales bao gồm: radar SeaMaster 400 băng tầng S cùng radar đa chức năng APAR Block II băng tầng X, đều được lắp vào thượng tầng.
Về vũ khí trang bị
Mô hình khinh hạm lớp Omega trưng bày tại triển lãm IndoDefence.
Mô hình trưng bày tại triển lãm IndoDefence cho thấy khinh hạm lớp Omega trang bị:
- 1 pháo chính cỡ nòng 127mm của hãng Leonardo, pháo Leonardo 76mm lắp phía trên nhà chứa trực thăng, 1 hệ thống CIWS Rheinmetall Millennium đặt phía trước thượng tầng, 2 bệ pháo điều khiển từ xa Leonardo Hitrole;
- 8 tên lửa chống hạm Kongsberg NSM;
- 4 bệ phóng mồi bẫy Rheinmetall MASS, thiết bị thủy âm gắn vào thân tàu Thales Kingklip, thiết bị thủy âm chìm Captas-4.
- Tàu có 24 bệ phóng thẳng đứng cho tên lửa phòng không (có thể là loại VL MICA cho Indonesia hoặc ESSM Block 2 cho Hà Lan và Bỉ).