Trong bài viết đăng trên Tạp chí Quân sự số tháng 3-4 do Trung tâm Binh chủng Hợp thành Quân đội Mỹ (USACAC) với tựa đề “Chiến thắng gì của Nga tại Syria?”, tác giả thừa nhận Nga giành chiến thắng nhất định tại Syria. Tác giả bài viết trình bày ngắn gọn lý do tại sao liên minh do Nga đứng đầu tại Syria sắp sửa đạt được các mục tiêu quân sự và chính trị mà liên minh này đặt ra.
Theo bài báo, Matxcơva bắt đầu quan ngại về khả năng các phần tử khủng bố IS đánh bại quân đội chính phủ Syria và chính thức đe dọa khu vực Kavkaz của nước Nga, do đó Nga quyết định triển khai chiến dịch quân sự tại Syria vào tháng 9/2015. Trên thực tế, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Syria là theo đề nghị của chính quyền Syria.
Tác giả bài viết nhận định rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Syria thành công trên 3 mặt trận: ngăn cản việc Mỹ lật đổ chính quyền Syria, phá vỡ thế cô lập chính trị và buộc Washington phải đàm phán với Matxcơva một cách bình đẳng, thể hiện rằng Nga là cường quốc với sức mạnh to lớn trong nền chính trị quốc tế.
Bài viết cũng thừa nhận rằng quân đội Nga nhanh chóng vượt qua những tình huống chiến lược khó khăn mà Damascus phải đương đầu, trong khi cùng lúc buộc các nước có liên quan như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út phải thay đổi chính sách hoặc cách tiếp cận với vấn đề Syria.
Điều này bao gồm việc hối thúc Washington phải ngầm chấp nhận việc Matxcơva triển khai lực lượng quân sự tại Syria cũng như chiến thắng về thực tế của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad trước lực lượng mà Mỹ gọi là “đối lập ôn hòa”. Bài báo nhận định, “nếu chiến dịch ở Syria không phải là chiến thắng của Nga, thì vẫn chắc chắn rằng đó là thấy bại của những bên đối lập với liên minh do Nga dẫn đầu”.
Bên cạnh đó, bài báo còn khen phương pháp tiếp cận nhỏ gọn, linh hoạt của Nga, đồng thời chỉ ra rằng Nga giải quyết thành công các vấn đề tồn tại như thiếu kinh nghiệm trong việc tác chiến tại nước ngoài kể từ khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989, vấn đề về khả năng thực hiện công tác hậu cần, sự phức tạp của việc phối hợp của quân đội Nga với quân đội Syria, Iran và các nhóm quân tình nguyện địa phương khác.
Mặc dù ban đầu có những hoài nghi về triển vọng của chiến dịch quân sự do Nga triển khai tại Syria, tuy nhiên đến nay Nga lại chiếm ưu thế tại khu vực này. Xét về mặt kỹ thuật, bài viết đánh giá cao khả năng cơ động của Không quân Nga, cũng như các tổn thất do kỹ thuật hay trong chiến đấu thấp hơn trước đây.
Về ngoại giao, bài báo nhận định Nga phá vỡ thế độc quyền ngoại giao của Mỹ tại tiến trình hòa bình Geneve. Với sự giúp đỡ của Nga, chính quyền Syria được củng cố lại và đủ sức gây áp lực lên phe đối lập trong các cuộc đàm phán để đưa ra những điều kiện riêng của mình.
Về lâu dài, tác giả bài viết ghi nhận rằng Nga đạt được thắng lợi về chính trị, bao gồm việc được chấp thuận đóng quân lâu dài tại căn cứ quân sự Hmeymim và Tartus của Syria. Điều này được cho là sẽ giúp Nga có điều kiện tốt hơn để trở thành “bên trung gian đầy sức mạnh ở khu vực Trung Đông”.