Cuộc họp của Hội đồng Bảo an diễn ra hôm 28.2, cho thấy sự thất vọng và giận dữ của cả hai bên khi chiến sự vẫn tiếp diễn bốn ngày sau khi các thành viên thông qua nghị quyết ngừng bắn "ít nhất 30 ngày khắp Syria" để tiến hành hỗ trợ nhân đạo và sơ tán y tế, theo AP.
"Khi nào nghị quyết sẽ được thực hiện?", quan chức điều phối công tác cứu trợ nhân đạo Liên Hợp Quốc Mark Lowcock hỏi.
Theo ông Lowcock, các đoàn viện trợ sẵn sàng đến 10 địa điểm bị bao vây, khó tiếp cận ở Syria, trong đó gồm 45 xe tải chở hàng cho 90.000 người tại Douma, đông Ghouta. Quan chức Liên Hợp Quốc cảnh báo, việc cung cấp viện trợ cho hàng triệu người ở các khu vực bị bao vây ở Syria "đã sụp đổ hoàn toàn."
"Trừ khi có thay đổi, nếu không chúng ta sẽ sớm nhìn thấy người chết vì đói và bệnh tật nhiều hơn do đánh bom, pháo kích", ông nói.
Nga ra lệnh ngừng bắn 5 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 27.2. Theo đó, dân thường được phép rời Đông Ghouta nhưng không có ai đi ra và cũng không có đoàn viện trợ nhân đạo nào đi vào, theo AP.
Nga đề nghị các thành viên hội đồng ủng hộ, yêu cầu tất cả các quốc gia đảm bảo các nhóm vũ trang ủng hộ các hành lang nhân đạo của Nga. Các nhà ngoại giao giấu tên cho biết, Mỹ và các quốc gia phương Tây phản đối vì tuyên bố này không phản ánh nội dung nghị quyết.
Ông Lowcock nhắc lại đánh giá của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế về việc không thể cung cấp viện trợ nhân đạo trong 5 giờ và lưu ý các đoàn viện trợ mất cả ngày để đi qua các trạm kiểm soát.
Bà Kelley Currie - Đại sứ Mỹ về các vấn đề kinh tế và xã hội nói rằng: "Nga không thể đơn phương viết lại các điều khoản của nghị quyết họ đã thương lượng và ngồi đây để bỏ phiếu".
"Lệnh ngưng bắn kéo dài trong 5 giờ không đáp ứng được yêu cầu của nghị quyết", Phó Đại sứ Thụy Điển Carl Skau tuyên bố. "Nghị quyết này không phải vấn đề di tản dân thường mà nhằm để viện trợ nhân đạo tiếp cận được với dân thường và tiến hành sơ tán y tế", ông nhấn mạnh.
Thông điệp tương tự được các nước Anh, Pháp và Hà Lan nhắc lại trong suốt phiên họp.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho hay, "Tất cả mọi thứ đang được thực hiện" để đảm bảo hoạt động hiệu quả của việc ngừng bắn 5 giờ mỗi ngày ở Đông Ghouta. Nhà ngoại giao Nga cũng cáo buộc phiến quân sử dụng ngừng bắn để tấn công hôm 27 và 28.2.
Ông Nebenzia cho biết, điều cần thiết ở đông Ghouta là "vô hiệu hóa hiệu quả" Mặt trận Nusra đồng thời kêu gọi hợp tác để loại nhóm cực đoan này. Quan chức ngoại giao Nga cũng chỉ trích gay gắt phương Tây, đặc biệt là Mỹ khi nói việc ngừng bắn phụ thuộc hoàn toàn vào Nga và Syria.