Mỹ gay gắt lên án Nga dung túng Syria tấn công hóa học nhưng bằng chứng... vẫn đang đi tìm

Hải Võ |

Lầu Năm Góc thừa nhận chỉ sử dụng báo cáo của các tổ chức phi chính phủ về tấn công hóa học ở Syria nhưng không thể xác nhận thông tin có chính xác hay không.

Tuy nhiên, theo RT, Mỹ vẫn chỉ trích Nga liên quan đến các diễn biến gần đây ở Đông Ghouta, Syria, bất chấp việc thiếu bằng chứng.

Các báo cáo hôm 25/2 nói rằng một số người dân ở Đông Ghouta, vùng ngoại ô Damascus do quân đối lập kiểm soát, có các triệu chứng do bị tiếp xúc với khí clo. Phương Tây sau đó nêu nghi vấn quân chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn đã "tấn công hóa học" tại đây.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói rằng phương Tây không nên "khoanh tay đứng nhìn" nếu thông tin quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta được xác thực.

Thông tin trên xuất hiện ngay sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ngừng bắn thời hạn 30 ngày ở Syria. RT chỉ ra, các báo cáo này "tình cờ" được củng cố bằng những hình ảnh do tổ chức White Helmets cung cấp, trong khi Nga cáo buộc nhóm này có liên hệ với nhiều tổ chức khủng bố.

Hôm 27/2, Bộ ngoại giao Mỹ ra thông cáo chỉ trích Nga "không ủng hộ" lệnh ngừng bắn của LHQ, với lý do Moskva "tiếp tục hỗ trợ" chính phủ Syria của tổng thống Bashar al-Assad trong chiến dịch không kích ở Đông Ghouta.

Tuy nhiên, khi trả lời yêu cầu bình luận từ hãng RT, Bộ quốc phòng Mỹ thừa nhận họ không có bằng chứng xác thực rằng đã có vụ tấn công hóa học thực sự xảy ra ở Ghouta.

"Chúng tôi đang tìm kiếm bằng chứng," một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói trong thông cáo gửi RT, đồng thời cho biết các thông tin mà họ có được cho đến lúc này hoàn toàn đến từ "các nhóm trên thực địa", bao gồm thông tin của White Helmets.

Dù vậy, Lầu Năm Góc nói, "chúng tôi không thể xác nhận số lượng sự cố cụ thể, nhưng chúng tôi có thể thấy được Nga đã thất bại trong việc bảo đảm chính quyền Syria tuân thủ [quy định về vũ khí hóa học]", và bổ sung các báo cáo "đáng tin cậy" về tình trạng bạo lực tiếp diễn cho chính quyền Assad gây ra.

Cùng ngày 27, các nhóm vũ trang đối lập cố thủ ở Đông Ghouta đã làm gián đoạn ngày thiết lập hành lang nhân đạo đầu tiên, do Trung tâm hòa giải Nga và quân chính phủ Syria giới thiệu, nhằm đưa dân thường ra khỏi vùng chiến sự. Theo RT, trong khi quân Syria quan sát lệnh ngừng bắn thì phe đối lập tận dụng "khoảng dừng nhân đạo" để phát động tấn công toàn diện vào các cứ điểm của chính phủ.

Quân đội Syria tấn công mở đường tiến vào Đông Ghouta

Moskva nhiều lần tỏ thái độ bất mãn khi bị các quan chức Mỹ buộc tội chóng vánh trong nhiều vấn đề quốc tế.

Hồi cuối tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ các sự cố hóa học xảy ra ở Syria, bởi Moskva hậu thuẫn chính phủ Assad - bên duy nhất mà Washington tin rằng đã tiến hành tấn công hóa học.

"Dù là ai đã thực hiện các vụ tấn công thì cuối cùng Nga cũng phải gánh trách nhiệm với các nạn nhân ở Đông Ghouta, cũng như vô số người Syria khác trở thành mục tiêu của vũ khí hóa học kể từ khi Nga can thiệp vào Syria," ông Tillerson nói.

Đáp trả, Nga nhiều lần kêu gọi mở các cuộc điều tra quốc tế đúng đắn và phù hợp với từng sự vụ, kết hợp với các nhóm làm nhiệm vụ thu thập bằng chứng thực tế trên thực địa. Moskva cũng cảnh báo rằng phe đối lập "đang chuẩn bị một hành động khiêu khích có thể dính dáng đến việc sử dụng vũ khí hóa học".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại