Bất chấp lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trên toàn lãnh thổ Syria được ban bố, khu vực Đông Ghouta vẫn đang chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt "chưa từng có" trong vòng 7 năm qua.
Đáng chú ý là khí độc hóa học cũng đã được phát hiện tại đây. Trong bối cảnh đó, một lệnh ngừng bắn kéo dài 5 giờ đồng hồ mỗi ngày từ phía Nga được cho là "tia sáng hi vọng" duy nhất đối với những người dân đang mắc kẹt tại khu vực này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh UN.
"Địa ngục trần gian" là cụm từ Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres dùng để miêu tả về thực trạng tại Đông Ghouta, Syria. Tại phiên họp của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, ông Guterres hôm qua đã kêu gọi các bên giao tranh ở Syria nghiêm túc thực hiện lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trên phạm vi toàn quốc.
"Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ có ý nghĩa nếu chúng được thực hiện một cách có hiệu quả. Đó là lý do tại sao tôi mong muốn Nghị quyết được thực hiện ngay lập tức và phải được duy trì đều đặn. Mục đích là để đảm bảo việc cung cấp các khoản viện trợ và trợ giúp nhân đạo, nhằm giảm bớt đau khổ cho người dân Syria. Đông Ghouta không thể chờ đợi thêm nữa, đã đến lúc chấm dứt thực trạng tại địa ngục trần gian này", Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói.
Tuy nhiên, đại diện của Syria tại Liên hợp quốc, ông Hussam Edin Aala hôm qua vẫn tuyên bố, quân đội nước này sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ của mình, bao gồm cả Đông Ghouta. Điều này không hề vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, bởi trong Nghị quyết này không bao gồm các tổ chức khủng bố như IS và mặt trận Al- Nusra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Dẫu vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã ra lệnh cho quân đội nước này đang làm nhiệm vụ tại Syria ngừng bắn 5 giờ mỗi ngày tại Đông Ghouta, đồng thời thiết lập một "hành lang nhân đạo" để giúp những người dân bị mắc tại đây có cơ hội rời khỏi "chảo lửa" này một cách an toàn.
"Theo lệnh từ ngài Tổng thống, một lệnh ngừng bắn mỗi ngày kéo dài từ 9 giờ sáng đến 14 giờ chiều sẽ được ban bố tại Đông Ghouta, bắt đầu từ 27/2, nhằm tránh thương vong cho dân thường tại đây. Một hành lang nhân đạo sẽ được thiết lập để người dân ra khỏi đây. Các tọa độ của hành lang đang được tính toán và chúng tôi sẽ sớm công bố trong thời gian gần nhất", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện còn khoảng 400 nghìn người dân đang bị mắc kẹt tại Đông Ghouta, do lực lượng nổi dậy kiểm soát. Chiến sự tại đây được cho là "nóng nhất" trong vòng 7 năm qua ở Syria khi số người thiệt mạng trong những ngày qua lên tới hơn 500 người. Do đó, một hành lang nhân đạo từ phía Nga được cho là rất cần thiết vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, các tay súng khủng bố, thậm chí cả lực lượng nổi dậy có thể sẽ lợi dụng hành lang nhân đạo này để trốn thoát khỏi Đông Ghouta./.