300 triệu USD hậu thuẫn phe đối lập?
Theo tờ Sputnik, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục trang bị vũ khí và huấn luyện, đào tạo cho các lực lượng đối lập ở Syria vào năm 2019, bất chấp việc lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gần như đã bị đánh bại tại Syria.
Theo các chuyên gia Nga, các bên ủy nhiệm do Mỹ hậu thuẫn có thể trở thành "công cụ" giúp Washington chống lại Damascus và Moscow, những lực lượng đang nỗ lực hoạt động nhằm mang lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông chìm trong khói lửa suốt 8 năm qua.
Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ quân sự đối với bất kỳ lực lượng nào đang chống lại chính quyền hợp hiến Syria hiện tại, Ivan Konovalov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Moscow, Nga bình luận về đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump. Trước đó, chính quyền Mỹ đề nghị phân bổ 300 triệu USD trong năm tài khóa 2019 để "huấn luyện, trang bị, duy trì và cho phép các phần tử của Phe Đối lập Syria (VSO), giúp lực lượng này được hoạt động dưới luật pháp hiện tại" ở Syria.
Theo chuyên gia, số tiền mà Washington bỏ ra từ trước tới nay để hỗ trợ cho "lực lượng đối lập ôn hòa" có một phần đã rơi vào tay khủng bố, do những vũ khí mà Mỹ trang bị cho lực lượng này không hoàn toàn đi theo con đường mà Lầu Năm Góc mong muốn.
"Vũ khí dường như được chuyển giao cho các nhóm đối lập ôn hòa, thế nhưng theo một cách nào đó, chúng rơi vào tay của những phần tử cực đoan mà chính Mỹ gọi là khủng bố. Rồi có một ngày nọ, các chiến binh của nhóm Al-Nusra Front bất ngờ phá hủy phương tiện quân sự Syria ở Đông Ghouta bằng hệ thống chống tăng TOW do chính Mỹ sản xuất. Qua đó thấy rằng Washington không kiểm soát được việc nguồn tiền của họ sẽ đi về đâu, cũng như việc kẻ nào sẽ nhận được vũ khí. Đó là cách tiếp cận rất nguy hiểm", ông Konovalov nói với tờ Sputnik.
Trên giấy tờ, văn bản, Mỹ tuyên bố hỗ trợ các lực lượng đối lập để chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng trên thực tế dường như Washington đang đeo đuổi một suy tính hoàn toàn khác. Theo văn bản đề xuất ngân sách, "tới cuối năm tài khóa 2018, lực lượng VSO sẽ có quy mô khoảng 60 đến 65.000, trong đó 30.000 chiến binh sẽ tiếp tục chống IS ở vùng Thung lũng sông Euphrates, và 35.000 người còn lại của Lực lượng An ninh Nội bộ sẽ đóng ở các vùng được giải phóng để bảo vệ dân thường". Qua đó thấy rằng Lầu Năm Góc đang muốn xây dựng một lực lượng được coi như "cánh tay" của Mỹ tại Syria.
Cây viết bình luận của tờ Sputnik Vadim Saranov cho rằng điểm mâu thuẫn nằm ở chỗ chính quyền Donald Trump nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực cho các lực lượng ủy nhiệm trong khi chính ông Trump tuyên bố trong thông điệp liên bang rằng "liên quân quốc tế đánh bại IS đã giành lại gần như 100% lãnh thổ từ tay những kẻ sát nhân ở Iraq và Syria".
Theo ông Saranov, sự mâu thuẫn trong lời nói, hành động giữa Tổng thống và chính quyền Mỹ đã tiết lộ một sự thật rằng chương trình huấn luyện và trang bị của Mỹ chủ yếu nhằm tới liên minh Nga-Syria.
Mỹ chuyển hướng sang chiến tranh lai
Các chuyên gia lưu ý rằng ở thời điểm vài năm trước, chiến tranh lai và chiến tranh ủy nhiệm phần lớn được coi chỉ là một thứ gì đó thuộc về quá khứ. Nhưng với tình hình hiện tại ở Syria, khi Mỹ tiếp tục chống lưng cho các nhóm đối lập thì di sản thời Chiến tranh Lạnh này có thể sẽ trở thành loại hình chiến tranh phổ biến trong tương lai gần.
Lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn ở Syria.
"Trong khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất người ta chiến đấu bằng súng và lưỡi lê, Thế chiến II bằng xe tăng và chiến đấu cơ thì ngày nay vũ khí chính là các nhóm quân sự hoạt động không tuân theo quy tắc nào", ông Konstantin Sivkov, chuyên gia quân sự Nga và Chủ tịch Học viện Các vấn đề Địa chính trị, nói với tờ Sputnik.
Theo lý giải của Sivkov, "chiến tranh lai xuất hiện như một phương án thay thế cho khả năng đối đầu hạt nhân".
"Nếu chiến tranh thế giới lần thứ ba xuất hiện, ở giai đoạn đầu nó sẽ nằm trong hình thái của một cuộc chiến tranh lai, nhưng sau đó sẽ lớn dần thành một cuộc chiến tranh thông thường với quy mô lớn. Với những mâu thuẫn toàn cầu hiện có, đây có thể là các điều kiện tiên quyết để một cuộc chiến như thế nổ ra", chuyên gia quân sự cảnh báo.
Nhìn chung, các nhà phân tích nhận xét, nếu Washington cứ tiếp tục sa lầy và chưa chịu rút chân đi khỏi vùng đất Syria thì cuộc chiến ở quốc gia này vẫn còn dai dẳng và mãi sẽ là một bộ phim không có hồi kết, với cả Mỹ, cả Damascus và cả những mâu thuẫn giữa Washington và Kremlin.