Ngày 27/10, sau Hội nghị Toàn thể lần thứ 6 Khóa 18 đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức trở thành "lãnh đạo hạt nhân" thứ 4 sau Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân.
Một số chuyên gia Mỹ chuyên nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc nhận định, đối với Tập Cận Bình, việc được xác lập trở thành "lãnh đạo hạt nhân" có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu sự tập trung quyền lực của ông.
Người tiền nhiệm của Tập Cận Bình là ông Hồ Cẩm Đào không được xác lập vị thế một "lãnh đạo hạt nhân".
Ông Scott Kennedy - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) cho biết, danh xưng "lãnh đạo hạt nhân" có ý nghĩa tượng trưng quan trọng.
"[Tập Cận Bình] hiện có địa vị cao nhất. Ông ấy thực chất đã có một 'quyền phủ quyết', mặc dù chính quyền Bắc Kinh không nói đến điều này nhưng trên thực tế trong tầng lớp lãnh đạo cấp cao, ông ấy có quyền phủ quyết về nhân sự và chính sách", ông Kennedy nói.
Điều này có nghĩa, trở thành "lãnh đạo hạt nhân", ông Tập chắc chắn có quyền quyết định cuối cùng đối với các vấn đề lớn như vấn đề nhân sự cấp cao trong Đại hội 19 của ĐCSTQ diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Một người dân chụp ảnh chân dung các lãnh đạo Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng, "lãnh đạo hạt nhân" đánh dấu bước tiến trong quá trình tập trung quyền lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm trước Đại hội 19.
Ông Timothy Heath - Chuyên gia nghiên cứu vấn đề Trung Quốc thuộc Công ty nghiên cứu quốc phòng Mỹ RAND Corporation đánh giá:
"Đây là một động thái khác hé lộ công cuộc xây dựng quyền lực chính trị của ông Tập... Quyền lực của Tập Cận Bình sẽ không ngừng tăng cường, quyền lực ông nắm giữ càng ngày càng lớn".
Truyền thông Mỹ nhận định, sau khi lên nắm quyền từ 2012, ấn tượng của dư luận với ông Tập chính là tốc độ tập trung quyền lực nhanh chóng.
Ông không những là người đứng đầu khối cơ quan đảng - nhà nước - quân đội, mà còn trở thành Tổ trưởng tiểu tổ lãnh đạo trung ương, có thể can thiệp đến mọi lĩnh vực như kinh tế, cải cách và an ninh quốc gia.
Sau khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát động chiến dịch chống tham nhũng với quy mô chưa từng có.
Tuy nhiên, trong quá trình "đả hổ diệt ruồi", tăng cường xây dựng quy tắc chính trị mới, ông Tập đã "đắc tội" với các nhóm lợi ích và đối mặt khó khăn từ các thế lực chống đối.
Nhằm đạt được "thắng lợi mang tính áp đảo" trong chiến dịch chống tham nhũng, người đứng đầu Trung Nam Hải có lẽ muốn tiếp tục tiến hành cải cách sâu rộng chính trị, quân sự, khẳng định vị thế mà chọn ra con đường tập trung quyền lực tối đa.
Đặc biệt, "hạt nhân Tập Cận Bình" được xác lập sẽ là đòn giáng mạnh đối với các thế lực chống đối và mục đích chính của động thái này chính nhằm hạn chế kiểm soát của những nhóm này tới vấn đề nhân sự tại Đại hội 19 và đẩy nhanh quá trình giăng bắt thêm nhiều "hổ lớn".
"Hạt nhân Tập Cận Bình" xuất hiện cho thấy, chính trường Trung Quốc đang có sự thay đổi, trong một vài năm tới có thể sẽ xảy ra những sự kiện lớn.