Ngày 12/11, các tàu của Hạm đội 6 Hải quân Mỹ gồm soái hạm USS Mount Whitney tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Porter đã tới cảng Constanta, Romania ở Biển Đen sau khi ghé thăm Batumi, Gruzia. Bộ tư lệnh Mỹ tại châu Âu cho biết, các tàu này đang hoạt động cùng các đồng minh và đối tác NATO ở Biển Đen.
Đợt triển khai này diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có chuyến thăm các nước trong khu vực.
Soái hạm USS Mount Whitney của Hải quân Mỹ và khinh hạm Marasesti của Romania ở Biển Đen ngày 12/11/ Ảnh: Hải quân Mỹ
Nga tất nhiên bị chọc giận bởi những hoạt động này. Trong cuộc họp với các lãnh đạo quân đội, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đe dọa các tàu chiến Mỹ khi nói rằng các lực lượng Nga có thể quan sát tàu USS Mount Whitney "qua ống nhòm hoặc trong tầm ngắm của hệ thống phòng thủ".
Bình luận của ông Putin đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và NATO.
7 năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và trong bối cảnh căng thẳng đang dấy lên ở Đông Âu, Biển Đen vẫn là "điểm nóng" và có thể tiếp tục "tăng nhiệt".
Vùng biển chiến lược
Biển Đen nằm ở vị trí chiến lược, kết nối Caucacus với châu Âu dọc sườn Tây Nam của Nga. Khu vực này có các cảng biển nước ấm của Nga và đem lại cho Nga con đường tới Địa Trung Hải và các vùng biển xa hơn.
Biển Đen có vị trí quan trọng trong cấu trúc an ninh quốc phòng của Nga. Việc chiếm ưu thế vượt trội tại khu vực này cho phép Moscow đối phó với những thách thức từ NATO.
"Biển Đen cũng là nơi diễn ra các hoạt động [quân sự] của Nga, vốn đã gia tăng trong 2 thập kỷ qua", bà Alina Polyakova, người đứng đầu Trung tâm phân tích chính sách châu Âu cho biết trong một phiên điều trần trước Thượng viện [Mỹ] hồi tháng 10.
Các hoạt động này bao gồm cả những lần trạm chán gần với các lực lượng NATO trên biển và trên không, cũng như các cuộc tấn công ở Ukraine và Gruzia - hai nước đối tác muốn gia nhập NATO.
NATO đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen, nhưng hạn chế về địa lý và công cụ luật pháp quốc tế có nghĩa là việc chống lại Nga ở đây không phải điều dễ dàng.
"Sân nhà" của Nga
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hạm đội Biển Đen của Nga bị thu nhỏ lại. Với cải cách quân sự năm 2008 và Chương trình vũ trang nhà nước 2011-2020, Hạm đội Biển Đen trở thành một lực lượng linh hoạt hơn, có khả năng hoạt động ở các khu vực gần bờ và các vùng biển xung quanh Nga.
Thành phần chính của Hạm đội Biển Đen là 3 khinh hạm tên lửa dẫn đường lớp Đô đốc Grigorovich được chế tạo từ năm 2014, 2 khinh hạm tên lửa dẫn đường lớp Krivak và tuần dương hạm tên lửa dẫn đường lớp Slava.
Ngoài ra còn có 6 tàu ngầm tấn công chạy diesel-điện lớp Kilo cải tiến và 1 tàu ngầm lớp Kilo phiên bản cũ hơn. Các tàu này được hỗ trợ bởi một loạt tàu nhỏ hơn, trong đó có 6 tàu hộ vệ tên lửa, 5 xuồng tên lửa cùng các tàu tác chiến ven bờ.
Hạm đội Biển Đen còn có sư đoàn Lục quân số 22 được thành lập mới đây, 1 đơn vị phòng không và 2 đơn vị hàng không đóng tại Crimea và 1 đơn vị phòng không đóng tại Rostov-on-Don.
Moscow hiện đang đẩy mạnh năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập ở Biển Đen, đặc biệt là xung quanh Crimea, để bảo vệ các tàu chiến và ngăn chặn lực lượng đối thủ. Bổ sung cho khả năng tấn công từ xa của Hạm đội Biển Đen là tên lửa hành trình Kalibr, có tầm bắn tối đa 2.000km.
Các thành viên và đối tác NATO ở Biển Đen ở thế bất lợi về quân sự so với Nga. Romania có 3 khinh hạm, 7 tàu hộ vệ và một số xuồng hỗ trợ, 1 tàu ngầm lớp Kilo cũ. Bulgaria cũng không vượt trội hơn, chỉ có 4 khinh hạm, 3 tàu hộ vệ và một số tàu hỗ trợ khác, chủ yếu là tàu quét thủy lôi.
Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng hải quân quy mô và năng lực đáng kể trong NATO, nhưng mối quan hệ nồng ấm với Nga và bất hòa với NATO đã làm dấy lên nghi ngờ về những cam kết của Ankara với liên minh quân sự này.
Ukraine vẫn đang tái xây dựng lực lượng hải quân sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, trong khi Gruzia - quốc gia nhỏ nhất ở Biển Đen, chỉ có lực lượng bảo vệ bờ biển.
Trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga, những nước này sẽ phải tìm sự trợ giúp từ bên ngoài, nhưng cũng có nhiều rào cản. Công ước Montreaux năm 1936 hạn chế loại tàu và số lượng tàu mà các quốc gia không ở khu vực Biển Đen có thể đưa tới khu vực này. Thời gian lưu lại khu vực này cũng không quá 21 ngày và Thổ Nhĩ Kỳ phải được cảnh báo trước về bất cứ chuyến di chuyển nào ra, vào Biển Đen.
Những hạn chế này có lợi cho Nga và cản trở những gì Mỹ có thể làm trong khu vực. Chỉ 3 tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ được phép tới Biển Đen cùng lúc. Tuy nhiên, 1 tàu Arleigh Burke cũng là một nền tảng uy lực. Mỗi tàu có thể mang 56 tên lửa Tomahawk, có tầm bắn tương đương với tên lửa Kalibr của Nga.
Mỹ cần chiến lược rõ ràng hơn ở Biển Đen
Hiện các nước Biển Đen và thành viên NATO đang hợp tác để cải thiện khả năng chống lại Nga.
Romania đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis trên bộ và đang mở rộng các cơ sở khác để tiếp nhận thêm binh sỹ NATO. Bulgaria đang thảo luận với Mỹ về việc mở rộng năng lực quân sự của nước này. Ukraine cũng có một số bước đi nhằm hiện đại hóa và mở rộng quân đội.
Trong những tuần gần đây, kể từ sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin, giới chức khu vực và cả các nghị sỹ Mỹ đã thúc giục chính quyền Biden làm nhiều hơn để hỗ trợ các nước khu vực Biển Đen, trong đó có cả việc tăng cường bán vũ khí và triển khai binh sỹ. Một số người cho rằng cần xây dựng một chiến lược rõ ràng hơn ở Biển Đen để răn đe Nga.
Tàu USS Mount Whitney bắt đầu rời khỏi Biển Đen vào ngày 15/11 và tiếp theo đó tàu USS Porter rời khỏi vùng biển này vào ngày 16/11. Những cuộc triển khai như vậy thường khiến Nga giận dữ, nhưng Mỹ không có dấu hiệu lùi bước.
Mỹ nói rằng, sự hiện diện của các tàu chiến nước này ở Biển Đen là nhằm thể hiện "cam kết đối với phòng thủ tập thể ở khu vực châu Âu và củng cố sức mạnh của liên minh NATO"./.