Tuyên bố của ông Oleg Siyenko đưa ra khi tham dự Diễn đàn quân sự-kỹ thuật quốc tế "Quân đội-2016" ở Kubinka thuộc tỉnh Moskva, đồng thời lưu ý rằng các thử nghiệm T-14 "đang diễn ra tích cực".
"Tôi muốn nói rằng các kết quả mà chúng tôi đạt được ngày hôm nay đã xác nhận đầy đủ các nhiệm vụ kỹ thuật mà Bộ Quốc phòng giao cho chúng tôi và vượt quá một vài chỉ số", ông Siyenko cho biết.
Trước khi ông Oleg Siyenko đưa ra tuyên bố này, hồi đầu năm 2016, lãnh đạo các lực lượng Nội vụ Nga cũng đã khiến thế giới choáng khi tuyên bố có thể từ chối các dòng xe chiến đấu Armata vì quá "xịn".
Lãnh đạo Các lực lượng Nội vụ của Liên bang Nga nhận thấy, những loại xe thiết giáp thuộc loại thiết bị chiến đấu chuyên dụng như "Armata", "Bumerang" và "Kurganets" không thật cần thiết cho trang bị của ngành này và có thể sẽ không tiếp nhận chúng vào hệ trang bị.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, hiện bộ này đã có khá nhiều loại trang bị bọc thép cho lực lượng của mình, trong khi các dòng xe được thiết kế trên khung gầm Armata có quá nhiều vũ khí và ngoại hình "dữ tợn".
Bộ Nội vụ nước này hiện đang nghiên cứu chọn phương án xe ô tô bọc thép "Ural-VV" để trang bị cho cho các tiểu đoàn, trung đoàn và lữ đoàn cảnh sát cơ động chứ không dùng xe chiến đấu bộ binh của quân đội.
Còn riêng lực lượng trinh sát và đặc nhiệm, ngoài sở hữu xe ô tô bọc thép Ural-VV mới, sẽ được trang bị thêm các xe bọc thép chở quân BTR-82" - báo Izvestia trích lời một đại diện của Bộ Nội vụ cho biết.
Theo đại diện Bộ Nội vụ, Bộ này chưa có nhu cầu về Armata và các loại xe chiến đấu hạng nặng tương tự. Những xe BMP được sản xuất phục vụ cho hoạt động quân sự qui mô lớn, trong khi Lực lượng Nội vụ chỉ chuyên tham gia việc duy trì an ninh trật tự trong nước.
Vừa qua, Phó Tổng giám đốc của Nhà máy Uralvagonzavod, phụ trách mảng thiết bị đặc biệt là ông Vyacheslav Khalitov cho biết, khoảng hai mươi siêu xe tăng và xe thiết giáp được thiết kế trên nền tảng Armata đang trải qua quá trình thử nghiệm ở mọi cấp độ.
Theo lời vị Phó Tổng giám đốc của Uralvagonzavod, sau cuộc thử nghiệm hàng loạt này, xe tăng T-14 Armata và xe chiến đấu bộ binh T-15 Armata sẽ được đưa vào hệ trang bị của quân đội Nga khoảng năm 2016-2017.
Đồng thời, những chiếc đầu tiên trong dòng xe này có thể được xuất khẩu sau năm 2020. Tuy nhiên, chúng còn phụ thuộc vào đơn đặt hàng của quân đội Nga là nhiều hay ít và khả năng của nhà sản xuất có đủ đáp ứng yêu cầu trang bị đại trà cho quân đội Nga, trước khi xuất khẩu.
Do đó, việc lực lượng Nội vụ Nga từ chối không tiếp nhận cũng là điều dễ hiểu vì với chức năng chủ yếu là bảo vệ an ninh nội địa, họ sẽ không phải đối đầu với những đối thủ có lực lượng tăng-thiết giáp mạnh hay sở hữu những loại vũ khí chống tăng có uy lực lớn.