Kể cả không phải là fan của Tân Hiệp Phát , thì chúng ta cũng không thể không khâm phục họ khi nhìn vào hành trình phát triển của doanh nghiệp đến thời điểm này.
Tân Hiệp Phát có một lộ trình phát triển rõ ràng và họ cũng cố hết sức để đi theo lộ trình đó. Tân Hiệp Phát vừa kỷ niệm 25 năm thành lập doanh nghiệp và có thể chia lộ trình phát triển của họ như sau:
- 10 năm đầu tiên xây dựng nội lực;
- 5 năm tiếp theo vươn lên ngôi vị doanh nghiệp Việt Nam số 1;
- 10 năm vừa qua là Đi ra thế giới và Mở rộng sang những ngành nghề khác.
Trong khoảng 2 năm gần đây, tên 3 cha con ông Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và Trần Bích Ngọc thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông bởi những phi vụ đầu tư táo bạo, như thành lập các công ty mua bán nợ, bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng tái chế để phục vụ cho ngành nghề đầu tư mới bất động sản; đầu tư vào công ty truyền thông công nghệ Yeah1…
Với đường hướng đi ra thế giới, Tân Hiệp Phát mặc dù đã xuất khẩu sản phẩm ra hơn 10 nước nhưng với tỉ trọng không đáng kể. Họ đang đặt mục tiêu doanh thu tỷ đô và sẽ tấn công thị trường Mỹ vào năm 2023. Ước vọng lớn nhất hiện tại của Tân Hiệp Phát vẫn là trở thành công ty hàng đầu châu Á trong lĩnh vực nước giải khát không cồn.
Với hướng đi mở rộng đa ngành, cùng sự giúp sức của 2 người con gái của ông chủ Trần Quí Thanh cộng với nguồn vốn dồi dào tích lũy trong vài chục năm, tập đoàn này đang làm khá tốt – ít nhất cũng khiến nhiều người trong nghề bất động sản ghen tị vì phong cách ‘mạnh vì gạo, bạo vì tiền’ mà họ đang thể hiện.
Tấn công vào mảng bất động sản với phong cách vũ bão
Ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Ảnh: FB nhân vật.
Kể từ khi tuyên bố chính thức đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giữa năm 2018, Tân Hiệp Phát mà cụ thể là chị em bà Trần Uyên Phương - Trần Bích Ngọc, thường xuyên khiến giới đầu tư được mở mắt.
Ví dụ: chỉ trong chưa đầy 1 tháng ở năm 2019, có ít nhất 11 công ty có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đã được Tân Hiệp Phát thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 18.830 tỷ đồng.
Với những doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực bất động sản ở giai đoạn sau này, khó khăn nhất vẫn là không có đất sạch để làm dự án, do quỹ đất ở các thành phố lớn ngày càng cạn kiệt.
Thay vì đi con đường bình thường như nhiều doanh nghiệp cùng cảnh ngộ đang đi, ví dụ như Bamboo Capital - tìm những chủ đầu tư có đất đẹp nhưng không có tiền để xây sản phẩm tốt rồi mua lại hoặc M&A;Tân Hiệp Phát lại nhắm vào những khu đất mà Nhà nước hoặc Ngân hàng sẽ mang ra đấu giá vì nhiều lý do khác nhau.
Họ thành lập công ty mua bán nợ là để thuận lợi hơn trong việc tìm quỹ đất sạch theo cách thức nói trên.
"Nếu nói Tân Hiệp Phát không có quỹ đất thì có vẻ hơi khiêm tốn. Tập đoàn hiện có một vài quỹ đất nho nhỏ, chỉ nói riêng 4 nhà máy chúng tôi đã có 160ha. Đất mà Tân Hiệp Phát có thể sử dụng, cái trong khu công nghiệp, cái ngoài khu công nghiệp. Nguồn vốn đầu tư vào bất động sản cũng nhỏ thôi, khoảng vài nghìn tỷ đồng", ông Trần Quí Thanh chia sẻ vào tháng 5/2018.
Một năm sau, chúng ta được biết, Tân Hiệp Phát có rất nhiều lô 'đất vàng' tại Đà Nẵng, TP. HCM và Vũng Tàu.
Tại Đà Nẵng là lô đất 12.077m2 trên tuyến đường Bạch Đằng – phía Bắc đường dẫn vào cầu Sông Hàn và lô đất diện tích 1.836m2 nằm trên trục nối giữa đường Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo (chuyển nhượng năm 2016).
Tại TP. HCM, vào tháng 4/2018, bà Đinh Thị Tuyết Nhung đã nhận 163 tỷ đồng từ Tân Hiệp Phát để chuyển nhượng 8 mảnh 'đất vàng' tại TP.HCM. Tại Vũng Tàu, Tân Hiệp Phát đã đấu giá thành công một lô 'đất vàng' trị giá 394 tỷ đồng tại khu vực trung tâm.
Dự án Suntory Bay được giới thiệu trong sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập Tân Hiệp Phát.
Lúc đó, ông Trần Quí Thanh kể, sau 1 năm tích cực mua bán, Tân Hiệp Phát đang có khoảng gần 10 dự án bất động sản đang chờ triển khai, cái nào hoàn tất thủ tục pháp lý trước họ sẽ triển khai xây dựng trước.
Còn với mảnh đất 18.000m2 vừa đấu giá xong tại Vũng Tàu, doanh nghiệp này dự định sẽ xây dựng chung cư cao cấp, giá bán sẽ được họ công bố sau khi hoàn tất khâu thiết kế.
Rồi khoảng 3 đến 4 tháng nữa, Tân Hiệp Phát sẽ chính thức khởi công xây dựng dự án đầu tiên của mình tại Đà Nẵng. Dự án đầu tiên này sẽ có tên là Suntory Bay, nằm gần cầu sông Hàn – có thể là trên lô đất 12.077m2 như chúng ta đã nói ở trên.
"Với vị trí đó, chúng tôi dự định sẽ xây căn hộ nghỉ dưỡng – condotel hạng sang, giá từ 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng/m2. Dự kiến vốn đầu tư sẽ từ 4.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng", Chủ tịch Tân Hiệp Phát cho biết thêm.
Bên cạnh đó, vào tháng 10/2019, ông Trần Quí Thanh cũng tiết lộ với Bloomberg rằng: Tân Hiệp Phát cũng sẽ đầu tư 40 triệu USD vào một doanh nghiệp tái chế nhựa, biến chai nhựa và chất thải liên quan khác thành gạch lát sàn và vật liệu cách nhiệt tường để sử dụng cho các dự án nhà ở của doanh nghiệp này.
Mới nhất, cách đây vài hôm, bà Trần Bích Ngọc đã trúng thầu khu "đất vàng" 170 tỷ đồng ở Vũng Tàu. Trong khi, trước đó chưa lâu, bà Ngọc cũng vừa thắng thầu khu đất 9.994,8m2 tại đường Bến Đầm (huyện Côn Đảo) với giá 80,1 tỷ đồng.
Theo đó, trong 2 năm vừa qua, Tân Hiệp Phát bỏ ra khoảng 807 tỷ đồng để mua hoặc thông qua đấu thầu thắng nhiều khu đất có vị trí đẹp tại TP. HCM và Vũng Tàu. Ngoài ra, với tình trạng khó khăn chung của thị trường bất động sản - nhất là vấn đề thủ tục hành chính, cho tới thời điểm hiện tại, Tân Hiệp Phát chưa chính thức động thổ bất cứ dự án bất động sản dân dụng nào.
Trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập doanh nghiệp, Tân Hiệp Phát cũng đã giới thiệu dự án Suntory Bay ở Đà Nẵng tại sự kiện, song theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án này vẫn chưa khởi công xây dựng như kế hoạch mà ông Trần Quý Thanh vừa chia sẻ vào giữa năm 2019.
Đầu tư vào lĩnh vực truyền thông công nghệ phục vụ câu chuyện PR-marketing sản phẩm
Bà Trần Uyên Phương đang trả lời truyền thông trong sự kiện ký kết hợp tác chiến lược với Yeah1.
Mới đây, Tân Hiệp Phát đã thực hiện một động thái khiến rất nhiều người bất ngờ, khi bà Trần Uyên Phương đã bỏ ra 300 tỷ đồng để mua 21,61% cổ phần của Yeah1 – doanh nghiệp về truyền thông duy nhất Việt Nam đang hoạt động trên sàn chứng khoán HOSE.
Nhờ hiệu ứng của thương vụ này, cổ phiếu của Yeah1 tăng lên tới 60.200 đồng/cổ, tính tính giá trung bình các cổ phiếu mà bà Phương mua vào là 49.400 đồng/cổ, thì chỉ trong 7 ngày, cô cả của ông Trần Quí Thanh đã lời được 65 tỷ đồng.
Không như các doanh nghiệp sản xuất truyền thống tại Việt Nam khác, Tân Hiệp Phát là tập đoàn khá nhạy với thời cuộc, rất chịu khó ‘đu trend’ khi làm marketing – PR sản phẩm. Ngay từ năm 2017, họ từng đầu tư sản xuất một show về ẩm thực tên ‘Mỹ nhân vào bếp’ để marketing cho các sản phẩm nước uống của mình.
Ngoài ra, sau khi trải qua rất nhiều thăng trầm là các scandal truyền thông khác nhau, họ thật sự thấu hiểu tầm quan trọng của truyền thông và có một doanh nghiệp truyền thông của riêng mình gần như là điều bắt buộc nếu muốn phát triển bền vững.
Thành lập một doanh nghiệp truyền thông và phát triển nó lên tầm mức cao trong ngành không phải là điều đơn giản, đầu tư vào một công ty truyền thông vẫn là một chiến lược thông minh hơn.
Chia sẻ với giới truyền thông ở buổi ký kết hợp tác chiến lược với Yeah1, bà Trần Uyên Phương hy vọng thông qua các nền tảng mà Yeah1 phát triển - như Mega1, các sản phẩm như Number 1 sẽ tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trẻ.
Theo đà phát triển, trong tương lai, những khách hàng thân thiết trẻ hiện tại mà Yeah1 sẽ mang đến cho họ, sẽ là tập khách hàng chính của các sản phẩm bất động sản của họ trong tương lai. Thêm nữa, bất động sản là một lĩnh vực làm truyền thông rất khó.
Thế nên trong tương lai, nếu chúng ta thấy Yeah1 đi rao bán chung cư, condotel… thì cũng không có gì ngạc nhiên!