Ái nữ nhà Tân Hiệp Phát chi hơn 300 tỷ đồng để sở hữu 21,61% vốn của Yeah1
Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát mới đây đã hoàn tất mua vào 6,05 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã YEG ) với mục đích đầu tư cá nhân.
Sau giao dịch, bà Phương đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 2,26% lên 21,61% qua đó trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Yeah1 sau ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT (tỷ lệ 25,52%).
Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong 3 ngày 17/2, 18/12 và 19/2 với tổng giá trị lên đến gần 300 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 49.392 đồng/cổ phiếu. Đây là lượng cổ phiếu mà ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và ông Đào Phúc Trí, Tổng giám đốc bán cho đối tác chiến lược theo thông báo trước đó.
Được biết, bà Phương là con gái ông Trần Quý Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp sở hữu hàng loạt thương hiệu nước giải khát như trà Dr Thanh, Trà Xanh Không Độ, Nước tăng lực Number 1...
Trên thị trường, cổ phiếu YEG đang trong nhịp phục hồi mạnh từ đáy sau thông tin bán cổ phiếu của lãnh đạo công ty cho nhà đầu tư chiến lược.
Sau nhiều phiên 3 phiên tăng kịch biên độ bất chấp thị trường chung không thuận, cổ phiếu này đã leo lên mức 60.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 22% so với mức giá bình quân bà Phương mua vào. Như vậy, bà Phương tạm thời lãi hơn 60 tỷ đồng sau một tuần trở thành cổ đông lớn tại Yeah1.
Hơn 64 triệu cổ phiếu MBB đã vào tay ai?
Ngân hàng TMCP Quân đội (mã MBB ) mới đây đã phân phối toàn bộ hơn 64,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài với giá bán 27.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu về, theo đó, là hơn 1.736 tỷ đồng.
Ngày bắt đầu chào bán là 21/2 và ngày hoàn thành đợt chào bán vào 26/2.
Theo thông tin được công bố, danh sách nhà đầu tư mua cổ phiếu MBB đợt này bao gồm KIM Vietnam Growth Equity mua vào gần 24 triệu cổ phiếu và KITMC Worldwide Vietnam RSP Balance Fund mua 2,65 triệu đơn vị.
Đây là 2 quỹ thành viên của nhóm Korea Investment Trust Management Co. (KITMC), một trong công ty quản lý quỹ hàng đầu Hàn Quốc.
Trong khi đó, Fiera Capital - một nhà quản lý lớn tại Canada nhận gần 15,4 triệu cổ phiếu. Quỹ TMAM Vietnam Equity nhận gần 10,9 triệu cổ phiếu, Franklin Templeton Investment mua hơn 4 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, 8 tổ chức trên cũng là các nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng tổng cộng hơn 21,4 triệu cổ phiếu quỹ từ MBB vào 22/1.
Theo đó, các nhà đầu tư này đã gom tổng cộng 85,7 triệu cổ phiếu MBB từ phát hành riêng lẻ và cổ phiếu quỹ.
Thoái toàn bộ hơn 7 triệu cổ phiếu Sudico (SJS), Nhóm Dragon Capital “bỏ túi” gần 150 tỷ đồng
Nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã hoàn tất bán ra toàn bộ hơn 7 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,16% vốn CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico – mã SJS). Sau giao dịch này, nhóm quỹ Dragon Capital không còn nắm giữ cổ phiếu SJS.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong ngày 24/2/2020 với tổng giá trị giao dịch lên đến gần 150 tỷ đồng, tương đương giá thỏa thuận bình quân 21.000 đồng/cổ phiếu. Bên mua là nhà đầu tư trong nước.
Trước đó, vào ngày cuối cùng của năm 2019, ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch HĐQT đồng thời là cổ đông lớn nhất tại Sudico đã bán ra 6,9 triệu cổ phiếu SJS cũng theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân gần 16.300 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền thu về hơn 112 tỷ đồng.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Bình đã giảm từ 17,3% (19,87 triệu cổ phiếu) xuống còn 11,29% (12,97 triệu cổ phiếu).
Trên thị trường, cổ phiếu SJS bật tăng khá mạnh từ đầu tháng 2/2020. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 20.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 30% trong gần 1 tháng.
Cổ đông lớn Invest Tây Đại Dương tiếp tục giảm sở hữu tại GTNFoods (GTN)
CTCP Invest Tây Đại Dương mới đây đã thực hiện bán ra 2,6 triệu cổ phiếu CTCP GTNfoods (mã GTN) nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với tổng giá trị 44,2 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 17.000 đồng/cổ phiếu.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cổ đông này giảm xuống mức 12,96% vốn (32,4 triệu cổ phiếu) và là cổ đông lớn thứ 2 tại GTNFoods sau CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã VNM).
Trong năm 2019, sau nhiều lần “bạo chi” chào mua cổ phần, Vinamilk (mã VNM) đã trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Mộc Châu Milk với tỷ lệ chi phối lên đến 75%.
Sau khi thâu tóm thành công, nhiều nhân sự của Vinamilk đã được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát của GTNfoods nhiệm kỳ 2020-2024 trong đó đáng chú ý có bà Mai Kiều Liên, đại diện cho 35% vốn, được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
Trên thị trường, cổ phiếu GTN đang trong nhịp điều chỉnh mạnh sau khi đạt đỉnh hồi giữa tháng 12/2019. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/2, cổ phiếu này dừng ở mức 16.700 đồng/cổ phiếu, giảm 26% trong 2 tháng. Dù vậy, nếu so với thời điểm trước khi Vinamilk chào mua công khai (tháng 3/2019), thị giá GTN đã tăng khoảng 40%.
Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây đã thông báo về việc đưa cổ phiếu GTN vào diện kiểm soát và sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều kể từ ngày 3/3 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại 31/12/2018 (số điều chỉnh hồi tố) là âm 39,73 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 là âm 66,26 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2019 là âm 208,7 tỷ đồng.