Theo tờ Politico ngày 25/2, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Đức, ông Boris Pistorius, đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng an ninh và nhận được sự ủng hộ của các công dân Đức. Tuy nhiên, những thách thức lớn, một số đã ăn sâu vào cấu trúc lực lượng vũ trang Đức, có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín của của ông Pistorius.
Chỉ gần bốn tuần kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Pistorius đã gây được tiếng vang lớn khi gần như ngay lập tức thúc đẩy thành công việc viện trợ xe tăng Đức đã được thảo luận từ lâu cho Ukraine. Bên cạnh đó, ông Pistorius còn giành được sự tín nhiệm bằng cách nói thẳng thắn về tình trạng của các lực lượng vũ trang Đức và đưa ra những yêu cầu táo bạo đối với cấp trên của mình - Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước, trong khi Thủ tướng Scholz nhắc lại quan điểm của mình rằng Đức phải dành cố định 2% GDP cho quốc phòng, ông Pistorius đã mạnh dạn thúc đẩy, tuyên bố “mọi người phải rõ ràng rằng chỉ 2% là không đủ".
Hiện ông Pistorius đang đi đầu trong các nỗ lực của Đức nhằm thúc đẩy các quốc gia khác gửi xe tăng của họ tới Ukraine, trong khi những chiếc xe tăng Leopard đầu tiên sẽ đến Kiev ngay trong tháng tới.
Các chính trị gia đối lập và những nhà quan sát phương Tây đã đánh giá cao Bộ trưởng quốc phòng mới của Đức và công chúng nước này nói chung cũng cho rằng ông Pistorius khá nhạy bén.
Đáng chú ý, chính trị gia Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) này của Đức đã giành được vị trí cao nhất trong xếp hạng mức độ tín nhiệm chính trị của Đức, cao hơn cả Thủ tướng Scholz và Phó Thủ tướng Robert Habeck.
Điều đó thậm chí còn đáng chú ý hơn khi xét đến việc ở Đức, các bộ trưởng quốc phòng thường có mức độ tín nhiệm thấp trong chính trường, với chức vụ này thường được gọi là “ghế nóng” khiến sự nghiệp chính trị của nhiều quan chức Đức kết thúc.
Alexander Müller, người phát ngôn về chính sách quốc phòng của Đảng Dân chủ Tự do, đảng cầm quyền trong chính phủ liên minh Đức, cho biết: “Ông Pistorius là một chính trị gia đưa ra những thông báo rõ ràng, không vô nghĩa và cũng trả lời thẳng các câu hỏi và không vòng vo”.
Ông Müller gợi ý rằng uy tín của ông Pistorius có thể liên quan đến thực tế là Thủ tướng Scholz và Bộ trưởng Quốc phòng tiền nhiệm Christine Lambrecht đã phải vật lộn để truyền đạt rõ ràng quan điểm của Chính phủ đối với Ukraine - khoảng trống mà Pistorius hiện đang lấp đầy.
Ông Müller nói: “Sự thẳng thắn của [ông Pistorius] rất được lòng mọi người, đặc biệt là vào thời điểm hiện tại khi một số người đang bất an trước cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và việc Đức chuyển giao vũ khí cần thiết một cách tự nhiên như xe tăng Leopard”.
"Tuần trăng mật" sớm kết thúc
Vào cuối tháng 1, Thủ tướng Scholz bất ngờ bổ nhiệm ông Pistorius khi Bộ trưởng Quốc phòng Lambrecht từ chức giữa một loạt sai lầm. Bà cũng đã phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng về việc không thực hiện các cải cách sau quyết định thay đổi lớn của Thủ tướng Scholz trong chính sách đối ngoại của Đức, vốn được cho là sẽ biến nước này thành một lực lượng an ninh hàng đầu của châu Âu.
Nhưng "tuần trăng mật" đó có thể sẽ sớm kết thúc. Ông Pistorius thừa nhận rằng “rất nhanh chóng nhận ra” Bộ Quốc phòng Đức “siêu phức tạp” như thế nào với cơ cấu tổ chức hiện tại. "Vẫn còn sớm, và công việc khó khăn vẫn chưa đến. Vì vậy, chúng ta không nên quá lạc quan”, Katja Leikert từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu, đảng đối lập chính, cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius. Ảnh: Politico
“Đó là điều chúng tôi cần giải quyết. Đối với tôi, điều tồi tệ nhất là chúng ta không biết ai chịu trách nhiệm về việc gì”, ông Pistorius nói, chỉ ra các thủ tục mua sắm phức tạp và chậm chạp của quân đội Đức là đặc biệt cần cải cách. Ví dụ, một quyết định hành chính đôi khi cần có tới 12 người ký.
Với quân số hơn 500.000 binh sĩ tại ngũ vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh năm 1980, các lực lượng vũ trang Đức đã trải qua một quá trình chuyển đổi khó khăn, khi quân số tại ngũ giảm xuống còn 180.000. Theo đó, cơ cấu tổ chức phức tạp phải vật lộn để thích nghi.
Ông Müller cảnh báo: “Có một số 'quả bom hẹn giờ' đang chờ Bộ trưởng Pistorius", nêu ra ba thách thức cụ thể: Xe chiến đấu bộ binh Puma có vấn đề về chất lượng; chậm tiến độ mua sắm trang thiết bị quân sự thay thế như xe tăng Leopard 2 viện trợ cho Ukraine; và việc mua máy bay trực thăng vận tải CH-47 mới của Mỹ, vốn “có thể gặp vấn đề vì có tin đồn rằng việc này có nguy cơ trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với kế hoạch”.
Tại hội nghị ở Munich gần đây, ông Pistorius cho biết đang đẩy nhanh quá trình mua sắm, bao gồm cả xe tăng Leopard 2 A7 mới, đồng thời yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng Đức “đặt hàng sớm các bộ phận” để chế tạo những chiếc xe tăng đó ngay bây giờ - trước khi thủ tục hành chính được hoàn tất.
Nhưng một thách thức khác đó là cần đảm bảo nguồn vốn cần thiết. Mặc dù quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro dành cho thiết bị quân sự của Đức cho phép Berlin thực hiện một số khoản đầu tư thiết yếu, chẳng hạn như hiện đại hóa lực lượng không quân đã lỗi thời bằng cách mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, nhưng điều đó không đủ để lấp đầy mọi khoảng trống.
Lời kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng vượt quá 2% GDP của của ông Pistorius có nghĩa là Đức cũng sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng thường xuyên từ 50 tỷ euro hiện tại lên khoảng 60 tỷ euro vào năm tới, theo tính toán của Bộ Quốc phòng Đức.
Các cuộc đàm phán ngân sách đang trở thành cuộc chiến chính trị thực sự đầu tiên: Một số đảng viên cánh tả SPD muốn ưu tiên chính sách xã hội hơn chi tiêu quốc phòng và đồng lãnh đạo đảng này Saskia Esken đã nói rằng Chính phủ Đức trước tiên nên thông qua quỹ đặc biệt 100 tỷ euro trước khi kêu gọi tăng thêm tiền.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner muốn tuân thủ luật nợ được quy định trong hiến pháp của Đức, có nghĩa là hạn chế tăng ngân sách quốc phòng trừ khi Đức tăng thuế - điều mà ông Lindner đã phản đối kể từ ngày đầu tiên nhậm chức.