Tâm sự của người cựu binh tự chế máy bay trực thăng

C. Bình |

Đã ngoài 60 tuổi, nhiều người cứ nghĩ rằng người thương binh già Bùi Hiển (ngụ thị xã Thuận An, Bình Dương) sẽ vui thú điền viên bên gia đình khi cuộc sống khấm khá, thế nhưng bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ, ông nghĩ mình phải góp sức dù nhỏ để xây dựng quê hương, đất nước. Và ông đã mày mò sáng tạo để chế chiếc máy bay trực thăng với mong muốn “giúp người nông dân thoát cảnh nghèo và bảo vệ tài nguyên rừng”.

Thấm đẫm nỗi khổ của người nông dân

Đến xưởng cơ khí của Bùi Hiển ở thị xã Thuận An sau cơn mưa chiều nặng hạt, chúng tôi thấy ông vẫn cặm cụi cùng các nhân viên xem lại động cơ của chiếc trực thăng mang tên “Giấc Mơ” mới vừa tập cất cánh. Vội lau nhanh đôi bàn tay nhem nhuốc dầu mỡ, người đàn ông này mời khách vào nhà.

Bên tách trà nóng, ông Hiển, bộc bạch: “Vào bộ đội, tôi tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam từ năm 1972 và bị thương. Đến năm 1978, tôi phục viên và chọn mảnh đất miền Đông Nam bộ cùng gia đình mưu sinh.

Trong một lần đi ngang qua vườn cao su, thấy người đàn ông ngoài 50 tuổi ướt đẫm mồ hôi trên áo đang phun thuốc trừ nấm trên thân cây cao su. Người này phải dùng cây tre khô dài hơn 10m mới đưa được vòi ống dẫn thuốc trừ nấm lên cao để xịt từ ngọn cây xuống đất.

Mỗi lần phải dùng ít nhất 10kg thuốc để diệt nấm thân cao su. Chứng kiến cảnh này, tôi thương họ rơi nước mắt bởi đã bỏ công sức ra mà chưa hẳn kết quả diệt nấm được như mong đợi”.

Theo ông Hiển, quá trình dùng thuốc xịt từ trên xuống thì nguy cơ thuốc theo hơi nước bay vào mắt và ngấm vào cơ thể người dân ảnh hưởng đến sức khỏe là điều khó tránh khỏi. Khi đó, ông mong muốn sẽ chế được trực thăng bay với độ cao khoảng 20m để phun thuốc nấm, thuốc trừ sâu cho các cánh rừng cao su.

Nếu được như vậy thì người dân chỉ hết khoảng 1-2kg thuốc/ha để diệt nấm và họ không tổn hại về sức khỏe. Mặt khác, tiền công thuê xịt nấm hoặc thuốc trừ sâu cũng phải hết 500.000 - 600.000 đồng/ha. Dùng trực thăng chỉ tốn thời gian khoảng 15-20 phút/ha, hết khoảng 5-6 lít xăng thì hết gần 100.000 đồng/ha.

Sau thử nghiệm bay trực thăng lần đầu tiên, ông Hiển nản lòng vì nó bay không được hết công suất như mình mong muốn. Được gia đình và người dân động viên, ông tiếp tục quá trình mày mò nghiên cứu. Một người đàn ông tên Tuấn đã lặn lội từ miền Tây đến động viên ông Hiển và “đặt hàng”.

Người này nói với ông rằng, “Tôi làm công tác bảo vệ rừng rất vất vả. Anh cố gắng nghiên cứu để giúp người dân và giúp chúng tôi. Hàng ngày, tôi cùng đồng đội dùng ca nô tuần tra bảo vệ hàng trăm ha rừng.

Trong khi đó, lực lượng rất mỏng không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ rừng. Chúng tôi tuần tra vừa qua thì bọn lâm tặc đã chuẩn bị sẵn cưa máy phá rừng. Nếu anh chế tạo được trực thăng, chúng tôi có thể bay tuần tra thường xuyên, có như vậy “máu rừng” sẽ không chảy”.

Gian nan nghiên cứu

Ông Hiển nhớ lại: “Chiếc trực thăng đầu tiên hoàn thành vào cuối năm 2013, sau hơn 3 năm trời mất ăn mất ngủ để nghiên cứu. Phải mất thêm 3 năm nữa, tôi mới hoàn thành chiếc máy bay trực thăng mang tên Giấc Mơ.

Nhìn chiếc máy bay còn thô sơ của tôi, không ai dám ngồi lên. Gia đình cũng ngăn cản tôi vì sợ trục trặc có thể mất mạng. Tuy nhiên, tôi chế tạo ra nên hiểu nó. Và, tôi sẽ làm phi công cho chiếc máy bay của mình. Tôi lại lên mạng, tải phần mềm tập lái trực thăng trước để luyện tập.

Khi đã thành thục, tôi đến các trung tâm đào tạo phi công trực thăng, xin tài liệu và nhờ phi công có kinh nghiệm hướng dẫn tường tận. Sau đó, tôi tập lái trên chính chiếc máy bay của mình.

Hơn nửa năm nay, tôi luyện tập đều đặn mỗi ngày trong khoảng không gian nhỏ, từ việc cất cánh cho tới nghiêng phải, nghiêng trái, tiến và lùi. Từ khi tập lái, tôi mới thấy những khiếm khuyết của máy bay để chỉnh sửa.

Đến tận bây giờ, chiếc máy bay đã hoàn toàn có thể bay tốt và tôi cũng đã vững tay lái rồi. Tôi đang hoàn tất các thủ tục để được Bộ Quốc phòng cấp phép bay thử trên bầu trời”.

Trao đổi với chúng tôi, một luật sư bày tỏ: Ông Bùi Hiển vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật chế tạo máy bay trực thăng. Việc làm này cần được Nhà nước khuyến khích và tạo những điều kiện tốt nhất để ông Hiển phát huy tài năng. Tuy nhiên, ông Hiển sẽ gặp phải một số vấn đề về pháp lý.

Đối với các loại phương tiện xe cộ cần được cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận mới được phép lưu thông; những phương tiện quân sự cần được Bộ Quốc phòng cấp giấy chứng nhận mới được phép sử dụng.

Máy bay trực thăng khi bay trên bầu trời thì phải được cấp giấy phép đảm bảo an toàn về kỹ thuật và an toàn không lưu...

Nếu cứ áp dụng một cách cứng nhắc các quy định như vậy thì sẽ khó tạo cho ông Hiển hứng thú phát minh, sáng tạo. Mong rằng, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho người dân sáng tạo, nhất là trong giai đoạn họ đang thử nghiệm vận hành các máy móc, phương tiện...

Khi thành công thì cần tư vấn, tạo điều kiện để họ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xin giấy phép để áp dụng trong thực tế, tránh thất thoát những thành tựu nghiên cứu có ích cho đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại