Khách hàng ở cách xa hàng nghìn km
Trên thế giới, số quốc gia có tiềm lực khoa học công nghệ đủ khả năng sản xuất và xuất khẩu vũ khí trang bị không có nhiều, trong khi đó số quốc gia phải đi mua thì rất lớn, ở khắp các châu lục.
Khoảng cách từ nơi chế tạo - đầu cầu xuất phát tới nơi giao hàng có thể lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn km.
Hành trình từ lúc thỏa thuận ký kết hợp đồng, triển khai sản xuất, nghiệm thu sản phẩm và giao hàng tới đích theo yêu cầu là một quá trình rất dài, có thể mất tới vài ba năm, hoặc thậm chí lâu hơn, khâu nào cũng quan trọng, bất kỳ trục trặc ở đâu cũng ảnh hưởng lớn tới cả bên bán lẫn bên mua.
Trong đó, các bên chắc chắn không thể lơ là ở khâu vận chuyển giao hàng. Thế nên, trong quá trình đàm phán và ký kết hợp đồng, các bên đều cân nhắc và thương lượng rất kỹ về điều khoản vận chuyển, giao hàng, bảo hiểm,... sao cho hợp lý, đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, giá thành chấp nhận được.
Bởi lẽ, vũ khí hiện đại thường rất đắt tiền, cấu thành từ nhiều khối linh kiện điện tử tinh vi, nếu trong qúa trình vận chuyển giao hàng chỉ cần một sơ sảy nhỏ là có thể gây hậu quả khôn lường. Nếu không có bảo hiểm thì quả thật là tai họa, có thể dẫn tới đổ vỡ hợp đồng và phát sinh các rắc rối về pháp lý.
Tất nhiên, hầu hết các hợp đồng mua bán vũ khí đều được mua bảo hiểm trong quá trình vận chuyển, trừ các hợp đồng mua bán vũ khí "chui" mà cả bên bán, bên mua đều muốn che giấu, không muốn công khai nên không thể mua được bảo hiểm.
Radar 36D6M1 của do hãng Iskra (Ukraine) chế tạo chuẩn bị lên máy bay vận tải giao cho khách hàng. Ảnh: Iskra.
Radar 36D6M1 của do hãng Iskra (Ukraine) chế tạo chuẩn bị lên máy bay vận tải giao cho khách hàng. Ảnh: Iskra.
Giao hàng bằng phương tiện nào?
Với những vũ khí, trang bị nhẹ, gọn gàng có thể lựa chọn phương thức vận chuyển bằng đường hàng không. Nhưng với những vũ khí, trang bị hạng nặng, nhất là loại siêu trường siêu trọng, đa phần phương thức lựa chọn là vận chuyển bằng đường biển. Tại sao?
Thứ nhất, giá rẻ. Điều này thì chắc chắn rồi, chi phí vận chuyển bằng tàu biển luôn luôn rẻ hơn rất nhiều so với đường không.
Thứ hai, giữ được bí mật nhất định. Thông thường, các loại vũ khí nặng, siêu trường siêu trọng được xếp dỡ lên tàu, chủ yếu là các tàu vận tải khoang hàng kín, vừa đảm bảo hạn chế sự ăn mòn của hơi muối biển trong quá trình vận chuyển trên biển, vừa kín kẽ, không bị soi mói, do đó xác xuất bị lộ là rất thấp.
Tàu sẽ chạy thẳng từ cảng đi tới cảng đến, dừng nghỉ nếu có thì chỉ rất ngắn để tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và để kíp thủy thủ được nghỉ một chút sau đó ngay lập tức tàu sẽ khởi hành về đích để giao hàng nhằm tiếp tục quay vòng sớm nhất cho chuyến vận chuyển tiếp theo.
Thứ ba, vẫn chuyển được số lượng lớn. Điều này tàu biển hơn đứt vận chuyển bằng máy bay. Ví dụ một quốc gia mua 100 chiếc xe tăng, nếu vận chuyển bằng máy bay thì cực kỳ tốn kém, mà mỗi chuyến bay sẽ chỉ chở được 1-2 chiếc xe tăng là cùng.
An-124 Ruslan đưa xe tăng T-90S đến Peru trình diễn.
Muốn giao hết 100 chiếc xe tăng cần phải bay 50-100 chuyến, không ngân sách nào chịu nổi. Người ta chỉ dùng máy bay vận tải cỡ lớn để chuyên chở 1-2 chiếc xe tăng đi triển lãm mà thôi.
Mặc dù có nhiều ưu điểm như vậy, nhưng vận chuyển bằng đường biển vẫn có một số hạn chế nhất định đó là thời gian di chuyển khá lâu (bình quân tàu hàng chỉ chạy ở vận tốc 12-15 hải lý/h), khí tài có bị ảnh hưởng do hơi muối biển, tất nhiên nếu bảo quản, che đậy tốt thì không đáng ngại.
Ngoài ra, khi hải hành trên biển, tàu vận tải cũng phải đối mặt với những rủi ro như bão tố, sóng thần, nhưng có mua bảo hiểm thì nếu tổn thất xảy ra chắn chắn sẽ được bồi thường.
Cướp biển cũng là một nguy cơ. Đã có nguyên một tàu chở vũ khí của Ukraine với hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp và vũ khí các loại bị cướp biển bắt đòi tiền chuộc.