Tam quốc diễn nghĩa: Nắm cả triều đình trong tay, tại sao Tào Tháo không lên ngôi hoàng đế?

Quốc Tiệp (t/h) |

Tào Tháo dù nắm trong tay quyền lực không ai bằng, nhưng khi còn sống ông chỉ xưng là Ngụy vương chứ nhất quyết không phế Hán Hiến Đế để lên ngôi hoàng đế.

Tào Tháo là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử Trung Quốc, xuất thân tầm thường nhưng lại là một người có chí hướng, có tham vọng, cùng với sự khôn ngoan của mình, ông đã vùng lên trong loạn Đổng trác những năm cuối thời Đông Hán.

Tam quốc diễn nghĩa: Nắm cả triều đình trong tay, tại sao Tào Tháo không lên ngôi hoàng đế? - Ảnh 1.

Tào Tháo (155 – 220) tự Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Sau khi Đổng Trác mất, Tào Tháo tiếp nhận ý kiến của Tuân Úc và Trình Dục, đón Hán Hiến Đế đến Hứa Xương vào năm đầu Kiến An (năm 196 sau Công nguyên) và bắt đầu giai đoạn lịch sử "mượn danh nghĩa thiên tử thống lĩnh chư hầu", biến vị hoàng đế trẻ tuổi thành con rối của mình, biến sứ mệnh của mình trở nên danh chính ngôn thuận.

Dựa vào con át chủ bài là hoàng đế này, Tào Tháo chiếm một lợi thế tuyệt đối trong chính trị, từ đó, diệt Viên Thiệu, bình Lã Bố, dần dần thống nhất lưu vực sông Hoàng Hà, khôi phục lại chức Thừa tướng và tạo nên bá nghiệp, đặt nền móng cho cục diện chân vạc Tam quốc.

Sau trận Xích Bích, Tào Tháo chú trọng xây dựng Nghiệp Thành là thủ phủ cũ của Viên Thiệu, thường đóng đại quân tại đây, ít coi trọng Hứa Xương như thời kỳ đầu. Để củng cố thực lực phương bắc, ông hạ lệnh chiêu mộ nhân tài; sau đó ban bố tờ "Thủ sắc" để tự trần tình. Bài Thủ sắc đại ý nói bản ý ban đầu ông chỉ hy vọng lập chút công danh, nhưng vì gặp thời loạn nên từng bước lên địa vị Thừa tướng; "nếu không có ta thì nhà Hán đã mất".

Cuối bài ông nhấn mạnh việc những người nghi ngờ ông muốn cướp ngôi nhà Hán đều là nghĩ sai; ông cũng muốn rời bỏ chức vụ hiện tại cũng không thể, vì đã kết oán với nhiều người, sợ bị hãm hại.

Để cho mọi người thấy điều mình nói không phải dối trá, ông trả lại 3 huyện 2 vạn hộ được phong, chỉ giữ lại huyện Vũ Bình 1 vạn hộ.

Tuy nhiên, do tự mình chuyên quyết việc triều đình, ông đã gặp phải sự chống đối ngấm ngầm từ các lực lượng ủng hộ Hán Hiến Đế, nhưng các lực lượng này không đủ mạnh và bị Tào Tháo đàn áp thẳng tay, kể cả những người thân thích của Hiến đế cũng bị giết như: Phục hoàng hậu, Đổng Quý phi, Đổng Thừa, Phục Hoàn.

Năm 213, ông ép Hiến Đế phong mình làm Ngụy Công, ban cho Cửu tích gồm: xe ngựa, y phục, nhà son, đội nhạc, nạp bệ, cung tên, hổ bôn, việt vàng. Ông cắt Ngụy quận và 9 quận khác ở Ký châu vào lãnh thổ nước Ngụy làm đất ăn lộc. Nước Ngụy của Tào Tháo với tư cách là một nước chư hầu nằm trong lãnh thổ nhà Hán bắt đầu hình thành.

Tam quốc diễn nghĩa: Nắm cả triều đình trong tay, tại sao Tào Tháo không lên ngôi hoàng đế? - Ảnh 2.

Tào Tháo "mượn danh nghĩa thiên tử thống lĩnh chư hầu".

Tháng 11 năm 213, ông thiết lập một bộ máy triều đình nước Ngụy riêng biệt, có Thượng thư lệnh, Thị trung và 6 viên khanh.

Năm 216, sau khi đánh bại Trương Lỗ trở về, Tào Tháo sai Hoa Hâm chuẩn bị và ép Hán Hiến Đế ra chiếu phong mình làm Ngụy Vương. Ông lập con thứ hai là Tào Phi làm thế tử.

Tháng giêng năm 220, Tào Tháo qua đời, thọ 66 tuổi. Ông ở ngôi Ngụy vương được 5 năm.

Thời kỳ nắm trong tay đỉnh cao quyền lực, kiểm soát cả Hán Hiến Đế nhưng Tào Tháo đã bỏ qua mọi lời khuyên phế vua tự lập triều đại mới, ông đã không bị danh vọng làm mờ mắt. Cho đến lúc chết, Tào Tháo vẫn chỉ là Thừa tướng nhà Đông Hán.

Tào Tháo trong Thuật chí lệnh có nói rõ: "Tề Hoàn, Tấn Văn hầu sở dĩ thùy xưng chí kim nhật giả, dĩ kì binh thế quảng đại, do năng phụng sự Chu thất dã", ý muốn nói, Tề Hoàn công và Tấn Văn hầu thân là bá chủ trong "Xuân Thu ngũ bá", sau khi xứng bá vẫn có thể lưu danh ngàn đời đó là bởi họ vẫn luôn tôn phụng nhà Chu. Hàm ý là nếu một trong hai người đó thay thế nhà Chu, thì đã không có kết quả như ngày hôm nay.

Qua đây có thể thấy, dù thế lực của Tào Tháo lúc bấy giờ đang rất to lớn, nhưng ông quyết không một dạ hai lòng, không muốn làm "gian hùng" cướp Hán mà muốn là một "năng thần" luôn một lòng trung thành với vị vua trẻ. Tất cả điều này đều nói lên rằng Tào Tháo chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nho giáo, không muốn trở thành tội nhân thiên cổ mà muốn làm một thánh nhân được lưu danh muôn đời.

Tam quốc diễn nghĩa: Nắm cả triều đình trong tay, tại sao Tào Tháo không lên ngôi hoàng đế? - Ảnh 3.

Tào Tháo trên đỉnh cao quyền lực nhưng vẫn nhất định không xưng đế.

Trong sách Ngụy Thị Xuân Thu của Tôn Thành (nhà sử học thời Đông Tấn, triều đại liền sau thời nhà Ngụy) thì Tào Tháo từng trả lời về việc xưng đế rằng: "Nhược bằng mệnh trời chỉ cho ta làm một Chu Văn Vương nữa mà thôi".

Chu Văn Vương còn gọi là Cơ Xương, một tướng soái dưới thời vua Trụ (vị vua nổi tiếng bạo ngược độc ác và là vị vua cuối cùng thời nhà Thương). Chu Vũ Vương tuy nắm trong tay binh quyền và sự ủng hộ của triều đình nhưng quyết không soán ngôi. Sau này con trai ông mới diệt vua Trụ của nhà Thương, lập ra nhà Chu, đó là Chu Vũ Vương rồi truy tôn Cơ Xương làm Chu Văn Vương.

Quả nhiên, Tào Tháo không phế bỏ vua Hán Hiến Đế mà con trai ông là Tào Phi đã soán ngôi nhà Hán, lập ra nhà Ngụy, đóng đô ở Lạc Dương. Tào Tháo được truy tôn là Thái Tổ Vũ Hoàng Đế, thường gọi là Ngụy Vũ Đế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại