Tâm lý "ghét trẻ con" có thực sự phổ biến?
Trong thời gian qua, các vụ việc hành khách và phụ huynh mâu thuẫn do trẻ em ồn ào trên máy bay hoặc các điểm công cộng liên tục xảy ra, không ít nơi còn để biển cấm “NO KIDS” (tạm dịch: "Không phục vụ trẻ em") thu hút sự chú ý của dư luận.
Từng có bài đăng trích dẫn khái niệm tâm lý "ghét trẻ con", chỉ ra rằng đó là "một loại rối loạn giao tiếp giữa các cá nhân thường xảy ra ở những người trẻ chưa lập gia đình, thường biểu hiện bằng sự chán ghét và tránh xa, thậm chí không thể tiếp nhận những gì liên quan đến trẻ em, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến quan niệm kết hôn và sinh con".
Trên thực tế, ở những nơi công cộng, những "em bé dễ thương" luôn là tâm điểm chú ý của đám đông. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa việc chưa lập gia đình và chưa có con với "ghét trẻ con". Nhiều người cho rằng họ "ghét trẻ con", nhưng có lẽ điều họ ghét chính là "cách các ông bố bà mẹ dễ dãi với những đứa trẻ ngỗ nghịch".
1. Trẻ nhỏ ồn ào cũng gây khó chịu như... điện thoại bật loa ngoài
Hãy tưởng tượng bạn đang đi tàu, trong toa có vài đứa trẻ.
Trên chuyến đi nhàm chán và ngồi yên một chỗ trong không gian nhỏ hẹp, những đứa bé chưa phát triển đầy đủ về trí tuệ có thể khóc không ngừng, những đứa trẻ lớn hơn có thể đập bàn, la hét... Tình trạng này càng tệ hơn nếu có nhiều đứa trẻ chơi cùng với nhau.
Tuy nhiên, giao tiếp với trẻ ở độ tuổi này đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo, không phải lúc nào cũng thành công.
Thật đáng ngưỡng mộ và biết ơn nếu phụ huynh có thể xử lý, hoặc có ý thức giữ con im lặng và trật tự nhất có thể ở nơi công cộng. Ví dụ, một số cha mẹ đã chuẩn bị nhiều công cụ dỗ dành khác nhau như đồ ăn nhẹ, đồ chơi, truyện tranh và phim hoạt hình trước khi lên tàu. Hơn nữa, nếu cha mẹ kịp thời ngăn chặn sự quậy phá của trẻ và tỏ ra biết lỗi thì về cơ bản trẻ có thể dễ dàng được tha thứ.
Nhưng điều khó chịu nhất là sự thờ ơ của cha mẹ trước hành vi quậy phá của con cái.
Mới đây, mạng xã hội Trung Quốc chú ý đến đoạn video quay lại cảnh một đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi đã đá vào lưng ghế suốt 3 phút, cha mẹ không hề nhắc nhở hay ngăn chặn hành vi của trẻ. Vị khách ngồi phía trước tỏ ra cáu kỉnh, có hành vi "giúp người khác giáo dục con cái" không đúng mực và trực tiếp lớn tiếng khiển trách đứa trẻ khiến hai bên xảy ra cãi vã gay gắt.
Trong cuộc sống thực, vấn đề ở đây chính là sự thiếu hành động của cha mẹ. Ai cũng biết, hầu hết những người bình thường đều có thể chịu đựng, mong được phụ huynh giải thích, hoặc ít nhất có động thái ngăn chặn hành vi quấy phá của trẻ, thay vì nói “Nó chỉ là trẻ con”...
Đôi khi, trẻ ồn ào chỉ để gây sự chú ý của người lớn, nhưng có lẽ nhiều người đã quá quen với tiếng ồn của trẻ nên phớt lờ.
Không phải đứa trẻ nào cũng được dạy dỗ về giới hạn chừng mực và cung cách ứng xử khi ở nơi công cộng.
Do đó, những lời phàn nàn về việc "gặp đứa trẻ ngỗ nghịch" nơi công cộng và chia sẻ "cách trị trẻ hư" đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội. Trong hầu hết các trường hợp, nội dung mang tính giải trí hơn là thực tế và mục đích là để giải tỏa cảm xúc và thu hút lượt theo dõi.
Nhất là khi thế hệ trẻ càng chú trọng đến việc duy trì ranh giới cá nhân, đồng thời dũng cảm đấu tranh cho quyền lợi của mình, không còn dung túng cho mọi hành vi làm phiền người khác nơi công cộng.
Ngoài những đứa trẻ ngỗ nghịch, họ còn ghét những hành vi như xem những đoạn video ngắn bật loa to và hút thuốc. Sử dụng âm lượng cao nhất để phát đoạn video ngắn hay tiếng ồn ào của một đứa trẻ hiếu động, cái nào gây khó chịu hơn? Có lẽ là đều như nhau!
2. Thay vì "ghét trẻ con", hãy tạo ra không gian thân thiện với trẻ nhỏ
Những người trẻ chưa có con cho rằng đã chọn làm cha mẹ thì phải chăm sóc con cái thật tốt. Ngược lại, nhiều phụ huynh lại cho rằng người trẻ không kết hôn không sinh con mắc chứng “ghét trẻ con” hoặc không hiểu được khó khăn khi có con.
Ở nơi công cộng, những "em bé dễ thương" mới là tâm điểm của đám đông. Những động tác, biểu cảm hồn nhiên của các bé luôn thu hút nhiều người đến giao lưu, chụp ảnh cùng.
Trên góc độ tâm lý, ghét trẻ con (pedophobia) thực chất là một chứng ám ảnh sợ hãi, một dạng rối loạn lo âu. Nếu thực sự mắc chứng “ghét trẻ em” thì có thể xuất hiện các triệu chứng bệnh lý như chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, khó thở, tim đập nhanh, run khi đến gần trẻ.
Hơn nữa, nếu tìm hiểu thực tế, bạn sẽ biết, sở dĩ giới trẻ không muốn sinh đẻ không phải vì ghét trẻ con, mà là phản ứng trước áp lực tồn tại của bản thân.
Nhiều phụ huynh chia sẻ trên mạng rằng khi bế con trên tàu cao tốc, họ đã bị tiếp viên hàng không nhắc nhở nhiều lần phải giữ đứa trẻ im lặng, thậm chí còn yêu cầu anh bế đứa trẻ đến chỗ giao nhau của các toa tàu. Tuy nhiên đây có phải là giải pháp hay là phân biệt đối xử khi một người dẫn theo đứa trẻ?
Trên Intercity (IC), tàu cao tốc nhanh nhất và chở nhiều hành khách nhất ở Thụy Sĩ, có những “toa gia đình” thân thiện với phụ huynh và trẻ em. "Toa gia đình" này có tấm biển gấu bông màu xanh trên cửa và được chuẩn bị đặc biệt cho các gia đình có trẻ nhỏ.
Không chỉ có những đồ trang trí giàu trí tưởng tượng trong toa xe, mà còn có một sân chơi nhỏ với cầu trượt, khung leo trèo, thuyền và hang động, sàn được lót thảm mềm. Ở đây, cha mẹ không phải lo lắng về việc tiếng ồn của con mình ảnh hưởng đến người khác và họ cũng có thể tránh được sự mệt mỏi khi dỗ dành con cái.
Ngoài ra, có một khu vực toa yên tĩnh trong chuyến tàu này, được trả tiền đặc biệt cho những hành khách cần thêm sự yên tĩnh. Nếu nhu cầu của các nhóm người khác nhau có thể được xem xét, thì có thể có ít xung đột hơn trong không gian công cộng.
Sau khi Liên Hợp Quốc đề xuất khái niệm "thành phố thân thiện với trẻ em" vào năm 1996, nhiều quá trình chuyển đổi đô thị thân thiện với trẻ em đã dần diễn ra trên khắp thế giới.
Năm 2012, Luân Đôn đã thực hiện chuyển đổi không gian dành cho trẻ em, chẳng hạn như cầu trượt gắn trên bãi cỏ, túi lưới treo trên cây trước cửa nhà, cây dùng để leo trèo... Những thiết bị này rất thu hút trẻ em và đảm bảo an toàn. Trẻ em có thể tương tác không chỉ với các bạn cùng trang lứa mà còn với cha mẹ và những người lớn năng động.
Tại Trung Quốc, quận Phúc Điền của Thâm Quyến xây dựng thí điểm khu phố thân thiện với trẻ em đầu tiên của thành phố vào năm 2020. Khu phố này có hơn chục trường học, với hơn 10.000 trẻ mầm non. Ngày nay, khu phố có 12 không gian hoạt động vui chơi bổ ích dành cho trẻ, là nơi rất phù hợp để các bậc phụ huynh vui chơi cùng con.
Trên thực tế, một số tiện ích đơn giản cũng có thể mang lại sự thuận tiện cho trẻ em. Ví dụ, ghế trẻ em ở các quán ăn, nhà vệ sinh cho mẹ và bé, có thể giúp các bậc cha mẹ mang con một mình khỏi bối rối và tôn trọng không gian của người khác.