Người phụ nữ Tày khổ nhất vùng cao Tuyên Quang

Mạnh Mường |

(Soha.vn) – Đến thăm và nghe người dân kể về người đàn bà ở vùng cao Khuồi Phát cả đời chưa một ngày sống cho bản thân khiến ai ai cũng cảm phục.

Ma Thị Quế (1979) sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở vùng cao Khuồi Phát, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Ngay từ bé cuộc sống khó khăn, vất vả đã đeo đẳng người phụ nữ này. Người dân trong vùng thường ví von  “Khổ như Ma Quế” để chỉ về cuộc đời bất hạnh, long đong, lận đận của chị.

Từ lớp 4 đã tự mình chăm lo cho mẹ và năm người em

Cha mẹ sinh được 6 người con thì chị là con cả, vì mẹ tật nguyền không thể làm được việc gì nên từ bé chị đã quen với việc đi nương rãy phụ cha chăm lo cho mẹ và các em. Chị còn nhớ rất rõ, cha mẹ không được học hành, cuộc sống khổ sở nên ngày nhỏ, dù khó khăn thế nào chị nuôi khát khao đến lớp, được học hành. Nhưng cuộc sống nghèo đói, cộng với bệnh tật vì nhiều năm lao động vất vả, người cha đã qua đời khi chị mới học đến lớp 4. Nén nỗi đau mất cha, mất đi người trụ cột gia đình, chị gắng gượng đứng dậy và tiếp tục thay cha làm mọi việc vì giờ đây, trên đôi vai gầy của chị là người mẹ già tật nguyền và 5 đứa em nhỏ. Chị dở dang việc học hành từ đây và cũng bắt đầu lao vào công việc như một con thiêu thân không kể ngày đêm để kiếm sống.

Khi các em đã yên bề gia thất, chị thương mẹ tàn tật nên đã xin mẹ ở vậy để chăm lo cho mẹ. “Lúc đó mẹ khóc, còn đòi tự vẫn, cương quyết bắt mình lấy chồng và nói vì mình hy sinh nhiều cho mẹ và các em rồi, giờ các em đã lớn nên hãy tự tìm hạnh phúc riêng cho mình, và rồi mình cũng nghe lời mẹ”.

Lấy chồng và bắt đầu một cuộc sống gian nan mới

Vốn là người con gái đảm đang, chăm chỉ, tháo vát lại nhanh mồm, nhanh miệng nên chị cũng được nhiều chàng trai trong vùng nhắm đến. Có lẽ cũng là cái duyên phận, số mệnh của chị nên bén duyên cậu học trò 18 tuổi Vàng A Thạch (1983).

Mái ấm của gia đình chị Ma Thị Quế và anh Vàng A Thạch cùng 3 con nhỏ tại Khuồi Phát, Kim Quan, Yên Sơn (Tuyên Quang)

“Anh Thạch hỏi cưới mình khi anh ấy còn đang học lớp 10, khi đó hai gia đình cũng không có tiền cưới, chỉ làm mấy mầm cỗ cúng tổ tiên và làm lễ ra mắt hai bên họ hàng”. chị Quế chia sẻ.

Anh chị có với nhau ba mặt con (1 gái, 2 trai), bé lớn tên Vàng Thị Phượng (2001); bé thứ hai tên Vàng Văn Toàn (2003) và bé Vàng Văn Dân (2005).

Chỉ tay ra gian bếp vừa chưa đầy 10m2, chị Quế nói: “trước đây, cả vợ chồng con cái đều phải sống trong cái bếp đó, trải ít phên nứa xuống và nằm chung với đồ đạc”.

Nơi đây đã từng là mái ấm của vợ chồng anh chị và 3 con thơ
Nơi đây đã từng là mái ấm của vợ chồng anh chị và 3 con thơ

Vừa rồi, được nhà nước cho vay vốn xóa đói giảm nghèo 8.000.000đ cùng với 8.400.000đ tiền hỗ trợ xóa nhà tạm, nhờ hàng xóm giúp đỡ thêm dựng được ngôi nhà tránh mưa, nắng.

Tưởng đâu cuộc sống bình lặng trôi đi, nào ngờ tai họa từ đâu giáng xuống đầu. Năm 2008 anh Thạch bỗng nhiên bị đau nhức khắp người kéo dài, khi đi khám phát hiện bị Viêm đa khớp. Do nhà nghèo không có tiền chạy chữa nên anh xin về.

Biểu hiện của bệnh là đau, nhức, sưng tấy hết các khớp, đặc biệt mùa đông. “Những ngày đầu nó đỏ lên như màu cái xô” vừa nói chị Quế vừa chỉ vào cái xô đỏ ở góc nhà.

 

Người đàn ông trụ cột gia đình đã nằm một chỗ 6 năm nay

Chị thương chồng chạy đôn đáo ngược xuôi vay mượn từng đồng để chạy chữa cho anh. Có những lần bế con trong đêm đi khắp xóm vay mượn tiền.

Tám tháng cho anh dùng thuốc nam không ăn thua, rồi đông tây y đủ cả, còn có người khuyên nên làm lễ cúng giải hạn chị cũng đã làm thịt cả trâu bò. Thế nhưng tất cả đều chẳng hề có tác dụng, giờ đây tiền bạc cũng khó, không biết vay ai nữa nên đành để anh nằm một chỗ.

Nhìn quanh nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đen trắng cũ kỹ và chiếc xe đạp mini cà tàng. Vì con đi học xa nên chị cũng cố mua cho ba đứa nhỏ có cái đi học, còn ti vi vốn là của một người dưới xuôi lên công tác, thấy thương mấy đứa nhỏ nên mua tặng. Nhà cửa thì toang hoang nhìn ra bốn phía thông nhau bởi chỉ được che chắn bằng những tấm phên rách, những bao tải cũ,… Năm nào cũng vậy, từ Tết đến tháng 5 là nhà anh chị thiếu ăn, chạy từng bữa, vay, mượn, đong gạo. Hiện tại số nợ của vợ chồng anh cũng lên con số 40 triệu, trong đó nợ ngân hàng 30 triệu, nợ anh em họ hàng, làng xóm 10 triệu đồng.

Mái ấm mới của anh chị được đan lát tạm bợ và không kín gió

Chị Thắm, một cán bộ văn hóa, người dẫn đường cho chuyến đi thực tế của chúng tôi chia sẻ: “Gia đình chị Quế được xếp vào diện nghèo nhất xã, hàng tháng được hỗ trợ 360.000đ cho anh Thạch theo diện người tàn tật, và 30.000đ tiền điện cho hộ nghèo.”

Trong câu chuyện giữa chúng tôi, hễ chi tiết nào chị Quế nhầm lẫn thì anh Thạch lại đá ngay vào để “đính chính”. Dù nằm một chỗ nhưng đầu óc anh khá minh mẫn và nhớ rất rõ từng chi tiết.

Anh kể lại lần chị lên nhổ sắn nhưng thấy anh vẫn nằm lì, ở trên đồi chị gọi vọng xuống “dậy mà đi làm đi, cứ nằm thế à?” nhưng anh “cứng hết tay chân rồi có dậy được đâu mà đi làm nữa”. Lúc đó, chị chị vẫn còn nghĩ là chồng mình đang đùa… Vậy là giấc ngủ trưa năm 2008 đến nay anh vẫn chưa dậy khỏi chiếc giường đó.

Khi được hỏi về chế độ ăn thì anh Thạch nói vui: “Nằm một chỗ, không làm gì nên cũng không ăn nhiều, bữa chỉ ăn một bát con cơm, vợ con ăn thế nào thì cũng ăn như thế, nhiều lúc có cơm muối trắng cũng thấy đủ lắm rồi.”

Vợ và các con của anh Thạch bao nhiêu năm rồi quen với khổ

Trong lần nói chuyện ngắn ngủi đó, chúng tôi không thấy chị Quế tỏ ra yếu đuối, buồn rầu, cũng không hề kể lể. Có lẽ một phần do chị trải qua nhiều khổ cực, gian nan từ bé, nên giờ đã chai lì và mạnh mẽ trước mọi khó khăn. Tuy nhiên, có thể cảm nhận thấy rõ, nỗi lo lắng hằn lên trên khuôn mặt chị. Năm học mới sắp đến gần, hiện tại, sách vở của ba đứa nhỏ vẫn chưa biết trông vào đâu.

Gia cảnh anh Vàng A Thạch và chị Ma Thị Quế ở Khuồi Phát, Kim Quan, Yên Sơn, Tuyên Quang

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Chúng tôi chia tay ra về, anh Thạch cố khều khều hai bàn tay run rẩy để chào khách và không quên cảm ơn. Hình ảnh người đàn bà nhỏ nhắn, nhanh nhảu, trải bao gian khổ từ bé, nay lại nặng nợ chồng con cùng với người đàn ông nằm bất động khi tuổi còn quá trẻ và ánh mắt trong veo, vô hồn của ba đứa trẻ khiến cho chúng tôi quá nặng bước chân. Cầu mong có phép màu nhiệm cho cuộc đời của họ.

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC Online số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hoặc: chị Ma Thị Quế, xóm Khuồi Phát, Kim Quan, Yên Sơn, Tuyên Quang

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại