Tình hình Syria đang có nhiều diễn biến tích cực. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi.
Các lực lượng đối lập bị đánh bật khỏi Đông Ghouta, nhưng vẫn chưa bị tiêu diệt, chúng đang di chuyển về phía Đông sông Euphrate, nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ. Mỹ nuôi dưỡng các lực lượng này và các lực lượng của người Kurd gồm các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) và các lực lượng dân chủ Syria (SDF).
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại trên thực tế, nhưng vẫn là một nguy cơ lớn đối với Syria nói riêng, cũng như khu vực Trung Đông nói chung. Chiến dịch quân sự "Nhành Ô-liu" của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria vẫn sẽ tiếp tục sau khi họ chiếm được Afrin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân sớm khỏi Syria, nhưng vẫn tiếp tục đưa trang thiết bị quân sự hạng nặng đến để củng cố các căn cứ quân sự của mình ở Manbij và Idlib.
Hơn nữa, với tính cách bồng bột và hay thay đổi của ông Trump, chưa có điều gì khẳng định rằng tuyên bố này sẽ được thực hiện. Ngày 4/4/2018, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng lại tuyên bố rằng ông Trump đồng ý để các lực lượng Mỹ lưu lại Syria thêm một thời gian nữa.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman tuyên bố Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tiếp tục nắm quyền, nhưng với điều kiện phải đoạn tuyệt quan hệ với Iran. Như vậy, tình hình còn khá nhiều phức tạp.
Tuyên bố chung của Nga - Thổ - Iran
Trong bối cảnh như vậy, Hội nghị thượng đỉnh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran họp tại Ankara ngày 4/4/2108 đã tập trung bàn về các biện pháp định hình cho tương lai của Syria.
Tổng thống Vlamdimir Putin, Recep Tayyip Erdogan và Hassan Rouhani đã thảo luận việc thực hiện các thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần trước họp tại Sochi tháng 11/2017 và các nghị quyết của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria được tổ chức cũng tại Sochi sau đó.
Tổng thống Hassan Rouhani, Vlamdimir Putin, và Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.
Ngoài ra, hội nghị còn thảo luận các biện pháp thực hiện các thỏa thuận Astana, củng cố lệnh ngừng bắn và các bước bổ sung nhằm chấm dứt các hoạt động quân sự và duy trì các khu vực giảm căng thẳng tại Syria. Ba bên cam kết sẽ giúp đỡ việc thành lập Ủy ban dự thào hiến pháp gồm đại diện các tầng lớp chính trị, tôn giáo, xã hội của Syria.
Điều hết sức quan trọng là Hội nghị đã ra Tuyên bố chung khẳng định ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời nhất trí cho rằng vấn đề Syria chỉ có thể giải quyết được bằng các biện pháp hoà bình, và tiếng nói cuối cùng sẽ thuộc về người dân Syria.
Xung đột quan điểm
Trước đây Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều nhất trí và hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố, đứng đầu là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ba nước cũng đồng thuận với nhau về những điểm cơ bản của một giải pháp cho cuộc xung đột và tương lai của Syria.
Tuy nhiên, sau khi IS bị đánh bại, giữa ba nước này lại xuất hiện một số quan điểm khác biệt nhau. Moscow, Ankara và Tehran có mục tiêu và lợi ích chính trị, kinh tế, quân sự khác nhau.
Mục tiêu chiến lược của Nga là khôi phục lại ảnh hưởng của mình tại Trung Đông thông qua sự hiện diện quân sự tại Syria. Moscow ủng hộ người Kurd tham gia vào tiến trình chính trị tại Syria. Tổng thống Putin phát biểu: "Dân tộc Kurd là một bộ phận của một nước Syria đa chủng tộc, họ có quyền tham gia vào tiến trình chính trị và có chỗ đứng xứng đáng trong tương lai của Syria".
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại tìm mọi cách để tiêu diệt các lực lượng người Kurd, coi các tổ chức của người Kurd là khủng bố, ngăn cản họ tham gia vào việc tìm ra một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng ủng hộ một số nhóm đối lập Syria, trong đó có lực lượng quân đội Syria tự do (FSA).
Còn Iran theo dòng Shia thì tập trung mọi cố gắng trong cuộc tranh giành vai trò và ảnh hưởng với Ả Rập Saudi theo dòng Sunni thông qua sự có mặt của mình ở Syria, Lebanon, Yemen...
Nga - Thổ - Iran muốn gửi thông điệp gì đến phương Tây?
Hội nghị tạm gác sang một bên các bất đồng để tập trung vào việc tăng cường hợp tác thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Syria và mở rộng hợp tác song phương Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - Iran. Một nước Syria hoà bình, ổn định tập trung tái thiết thời kỳ hậu chiến sẽ là mẫu số chung cho quan hệ hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran.
Các bất đồng đã không cản trở những nỗ lực của ba nước trong việc nâng cao tầm quan hệ hợp tác mới hiệu quả hơn về chất. Ba vị Tổng thống đã dành một phần thời gian đáng kể cho quan hệ hợp tác song phương.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động một số dự án hợp tác khổng lồ như nhà máy điện hạt nhân Akkuyu với 4 tổ máy có công xuất tổng cộng 4,8 ngàn Kw trị giá 20 tỉ đô la, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2023, đường ống dẫn hơi đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" sẽ đưa vào sử dụng tháng 12/2019, thành lập Quỹ đầu tư chung có vốn 1 tỉ đô la và đẩy nhanh tiến độ bàn giao hệ thống phòng không hiện đại S-400 Triumph vào năm 2020.
Nga và Iran cũng thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại thông qua việc thành lập khu vực mậu dịch tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Iran. Các công ty của Nga thỏa thuận sẽ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và dầu khí của Iran trị giá lên tới hơn 50 tỉ đô la.
Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran tại Ankara là một bước tích cực nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán hoà bình Geneva giữa các bên Syria đã bị gián đoạn từ đầu tháng 12 năm ngoái. Giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột Syria chỉ có thể đạt được với sự tham gia và đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan tại các cuộc hoà đàm Geneva.
Trong bối cảnh Anh và Mỹ tập hợp 28 nước phương Tây trong một chiến dịch ngoại giao chưa từng có nhằm chống lại Nga, quan hệ căng thẳng giữa phương Tây với Thổ Nhĩ Kỳ và việc Mỹ đe dọa hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran, mục đích của Hội nghị thượng đỉnh Ankara không chỉ nhằm thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Syria, mà còn muốn phát đi một thông điệp về việc tập hợp lực lượng - nếu không muốn nói là liên minh - nhằm chống lại các hành động thù địch của phương Tây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đón tiếp Tổng thống Nga Putin