Bất đồng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Khi đồng minh chiến lược ngả sang Nga, Iran

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Mặc dù căng thẳng, nhưng ở cả hai bên đều không muốn quan hệ đổ vỡ và điều quan trọng nhất là Washington không muốn đẩy Ankara đi xa hơn nữa trong quan hệ với Nga và Iran.

Khủng hoảng ngoại giao giữa hai đồng minh lớn nhất NATO

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, hai thành viên lớn nhất trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO gần đây trở nên hết sức căng thằng. Có thể nói mối quan hệ này là tồi tệ nhất kể từ khi thành lập Tổ chức này năm 1949 đến nay.

Giữa tháng trước chính quyền Mỹ đã tuyên bố thành lập Lực lượng an ninh biên giới gồm 30 ngàn quân, trong đó phần lớn là người Kurd thuộc các đơn vị Bảo vệ nhân dân YPG ở Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan coi đây là đội quân khủng bố và đe dọa sẽ tiêu diệt lực lượng này ngay "từ khi còn trong trứng".

Quyết định vũ trang cho người Kurd của Mỹ đã làm cho Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận. Ankara coi YPG là cánh tay kéo dài của đảng Công nhân Kurdistan PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu liệt kê vào danh sách khủng bố.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã phê phán mạnh mẽ và coi quyết định này là hết sức sai lầm. Ông nói sẽ nêu vấn đề này với Tổng thống Donald Trump và Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussel tháng 5/2018.

Ngày 10/10/2017, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan còn tuyên bố: "Đại sứ Mỹ tại Ankara John Bass là nhân vật không được hoan nghênh và Thổ Nhĩ Kỳ không coi ông là đại diện của chính phủ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ".

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt giữ một nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Ankara với lý do nhân viên này có quan hệ với giáo sĩ lưu vong người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen - người từng bị Ankara tố cáo đứng đằng sau kế hoạch đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan hồi tháng 7/2016 và đã yêu cầu chính quyền Mỹ dẫn độ ông này về nước.

Cũng trong thời gian này, Đại sứ quán Mỹ ở Ankara tuyên bố ngừng cấp mọi thị thực cho các công dân của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được xem là hành động trả đũa sau khi chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdoran bắt giữ một nhân viên của Đại sứ quán Mỹ ở Ankara.

Chỉ vài giờ sau, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington cũng đưa ra một thông báo tương tự ngừng cấp thị thực cho người Mỹ.

Trước đó, Ủy ban đối ngoại Hội đồng Hạ viện Mỹ đã ra quyết định bắt giữ 12 nhân viên bảo vệ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan với cáo buộc họ đã tấn công những người ủng hộ đảng Công nhân Kurdistan PKK đối lập biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington khi ông thăm Mỹ hồi tháng 5/2017.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối mạnh mẽ hành động này. Đích thân Tổng thống Erdogan đã tố cáo chính quyền Mỹ không ngăn cản những phần tử ông cho là khủng bố tụ tập chống lại ông và tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ về chính trị cũng như về pháp lý đối với quyết định này.

Nguyên nhân từ đâu?

Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều nguyên nhân tích tụ từ lâu.

Do những tính toán chiến lược của mình tại khu vực, Mỹ dành cho người Kurd sự ủng hộ mạnh mẽ. Washington đã và đang cung cấp tài chính, vũ khí cho các phong trào của người Kurd, trong đó có đảng Công nhân Kurdistan PKK, các lực lượng dân chủ người Kurd SDF, đứng đầu là các đơn vị bảo vệ nhân dân YPG ở Syria và phong trào li khai của người Kurd ở miền Bắc Iraq... chống lại Ankara và được Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.

Bất đồng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Khi đồng minh chiến lược ngả sang Nga, Iran - Ảnh 1.

Chiến binh người Kurd. Ảnh: Reuters

Việc cung cấp vũ khí cho các lực lượng người Kurd được Ankara coi là đe dọa tới an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và là ranh giới đỏ trong quan hệ giữa hai nước. Ông Erdogan cho rằng những việc làm này của chính quyền Mỹ là không thể chấp nhận được.

Mâu thuẫn giữa hai nước lên đến đỉnh điểm khi Ankara tố cáo Washington đứng sau âm mưu đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan tháng 7/2016 thông qua một số lực lượng chống đối trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và giáo sỹ Fethullah Gulen sống lưu vọng tại Mỹ.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần yêu cầu dẫn độ vị giáo sỹ này, nhưng đến nay Mỹ vẫn viện nhiều lý do không đáp ứng.

Trong hơn một thập kỷ vừa qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không thuận buồm xuôi gió, nhất là từ khi ông Erdogan trở thành Tổng thống, và đảng Công lý và Phát triển AKP của ông trở thành đảng cầm quyền, Thổ Nhĩ Kỳ thi hành chính sách phục vụ lợi ích dân tộc, dần dần xa rời Mỹ và phương Tây, xích lại gần với Nga và Iran.

Đảng AKP là một đảng chính trị mang tư tưởng Hồi giáo ôn hoà do ông Erdogan thành lập năm 2001 và lên nắm chính quyền năm 2002. Trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2015, đảng AKP đã về đầu với 49,4% số phiêu, chiếm 315/550 ghế trong Quốc hội và trở thành đảng cầm quyền có ảnh hưởng lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Giữa Mỹ và Thổ Nhĩ kỳ hiện nay điểm chung thì ít, mâu thuẫn thì nhiều.

Là đảng mang tư tưởng Hồi giáo, AKP ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel, ủng hộ phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas, Tỏi chức Anh em Hồi giáo và một số tổ chức Hồi giáo khác mà Mỹ coi là khủng bố.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành ông chủ của Nhà Trắng đang tìm cách xoá bỏ hầu hết di sản của Tổng thống Barack Obama, co cụm về bên trong, giảm bớt cam kết với bên ngoài. Châu Âu đang đứng trước nhiều khó khăn nội bộ và nguy cơ tan rã sau khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu Brexit và xu hướng các khu vực đòi độc lập ở Tây Ban Nha, Italia, Pháp...

Bất đồng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Khi đồng minh chiến lược ngả sang Nga, Iran - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Bất đồng giữa Mỹ và châu Âu ngày càng mở rộng khi chính quyền Donald Trump cắt giảm đóng góp tài chính cho khối quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO và không sẵn sàng làm chiếc ô an ninh cho châu Âu.

Thỏa thuận về di cư ký kết giữa Liên minh châu Âu EU và Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3-2015 theo đó EU cam kết giúp Thổ Nhĩ Kỳ 5 tỷ đô la, đẩy nhanh tiến trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ ....vẫn chỉ là mực đen trên giấy trắng.

Trong tình hình như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đồng minh Mỹ và châu Âu không thể giúp và bảo vệ an ninh cho mình, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đi tìm liên minh mới.

Thổ Nhĩ Kỳ đi tìm liên minh mới

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Liên bang Nga và Iran được cải thiện nhanh chóng sau chuyến thăm Ankara của Tổng thống Putin cuối tháng 9/2017 và chuyến thăm Tehran của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đầu tháng 10/2017.

Từ chỗ quan hệ thù địch khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc máy bay Su-24 của Nga cuối năm 2015, Tổng thống Erdogan đã coi Tổng thống Putin là người bạn thân thiết nhất. Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu chống lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Một liên minh mới Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Iran được hình thành trên thực tế đang góp phần tích cực vào việc giải quyết các vấn đề khu vực, đặc biệt là bảo trợ cho Hội nghị Astana nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài hơn bảy năm qua tại Syria.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Iran và Nga, đặc biệt việc Ankara quyết định mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 và các loại vũ khí chiến lược khác của Moscow đang làm cho cho Mỹ lo ngại về khả năng đồng minh lớn nhất trong khối NATO sẽ tuột khỏi vòng kiểm soát của mình, đe dọa nghiêm trọng tới sự đoàn kết và thống nhất của liên minh.

Tương lai quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Iran chỉ là tập hợp lực lượng trên cơ sở lợi ích trước mắt nhằm đối phó lại sức ép của Mỹ và phương Tây.

Bất đồng Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Khi đồng minh chiến lược ngả sang Nga, Iran - Ảnh 3.

Việc Ankara ngả sang Nga, Iran và một số nước khác là nhằm đa dạng hoá quan hệ, giảm lệ thuộc vào Mỹ. Nga và Iran có vai trò và ảnh hưởng lớn ở Trung Đông, nhưng cũng không thể giải quyết được các vấn đề của khu vực nếu không có sự tham gia của Mỹ.

Những bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là bất đồng giữa hai đồng minh chiến lược trong khối quân sự NATO. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần Mỹ cũng như Mỹ cũng cần giữ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Mặc dù căng thẳng, nhưng ở cả hai bên đều không muốn quan hệ đổ vỡ và điều quan trọng nhất là Washington không muốn đẩy Ankara đi xa hơn nữa trong quan hệ với Nga và Iran.

Chuyến thăm Ankara của cố vấn Anh ninh quốc gia Mỹ Herbert Raymond McMaster chuẩn bị cho chuyến thăm của Ngoại trưởng Rex Tillerson tuần này là nhằm hàn gắn sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

Cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tìm cách giải quyết các bất đồng, khôi phục lòng tin lẫn nhau và khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược lâu dài giữa hai nước. Đặc biệt là Mỹ có căn cứ quân sự lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ không muốn Ankara tiếp tục ngả hơn nữa về phương Đông.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại