Nga choáng váng: Chiến binh Iran tập kích quân Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận Syria bên bờ sụp đổ

Hải Võ |

Một cuộc đột kích của các tay súng người Iran nhằm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong lãnh thổ Syria đã tác động nghiêm trọng đến tiến trình hòa bình ở nước này - theo Arab News.

Căng thẳng Iran-Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát

Arab News cho hay, cuộc tập kích nhằm vào một cứ điểm do quân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở tỉnh Idlib, Syria, phía Nam thành phố Aleppo, vào hôm 5/2 đã giết chết 1 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và làm 5 người khác bị thương. Quân đội Thổ trả đũa bằng rocket.

Các chuyên gia nhận định trên Arab News, cho rằng vụ đổ máu có thể là dấu hiệu cho rắc rối trong tương lai gần, và sự rạn nứt của cơ chế đàm phán hòa bình ở Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ kỳ đứng ra chủ trì.

Từ năm ngoái, các quan chức từ Ankara, Tehran và Moskva đã nhất trí thiết lập một loạt vùng giảm căng thẳng ở Syria, nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực giữa các nhóm vũ trang chống chính phủ và các lực lượng ủng hộ tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Liên hợp quốc cũng ủng hộ cơ chế trên, nhưng cả Nga-Thổ-Iran đều duy trì can thiệp sâu trong tình hình xung đột Syria. Vụ việc hôm 5/2 chỉ là tín hiệu mới nhất rằng tình trạng hòa hoãn đang bên bờ sụp đổ, và một làn sóng xung đột mới có thể ập đến.

Huseyin Bagci, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học kỹ thuật Trung Đông ở Ankara, nói rằng thỏa thuận ba bên - đạt được qua các vòng đàm phán ở Astana, Kazakhstan - vẫn "hợp lệ", nhưng "ba nước bảo trợ hòa đàm cần phải gặp nhau ngay lập tức để thảo luận các vấn đề nội bộ đang diễn ra giữa họ".

Ông dự đoán sẽ có thêm nhiều giao tranh trong vài tuần tiếp theo, giữa những lực lượng đại diện cho Iran với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai phe đều đang nỗ lực gia tăng tầm ảnh hưởng tại tỉnh Idlib - địa bàn hiện vẫn do nhóm khủng bố Hayat Tahrir Al-Sham kiểm soát.

Theo Arab News, cứ điểm mà các tay súng Iran tấn công hôm 5/2 chỉ vừa được lính Thổ Nhĩ Kỳ dựng lên vào sáng cùng ngày. Đây là điểm quan sát thứ tư của quân đội Thổ tại tỉnh Idlib, ngoài ra 8 trạm khác cũng được xây dựng theo thỏa thuận ba bên tại Astana. Tuy nhiên, việc quân Thổ dựng cứ điểm kể trên diễn ra trong thời điểm khá nhạy cảm.

Kể từ ngày 20/1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phát động chiến dịch Cành Ô-liu chống lại lực lượng người Kurd của Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) - thành phần nòng cốt của Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn, đóng ở gần khu vực Afrin của Syria.

Ankara khẳng định chiến dịch là "nỗ lực thành công" nhằm loại bỏ mối đe dọa ly khai đối với lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Damascus quan ngại binh lính thổ sẽ tiến sâu vào Syria hòng tạo lập hiện diện lâu dài tại đây.

Người Kurd công bố video "thổi tung" xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/2/2018 ở Afrin, Syria

Rủi ro cơ chế hòa đàm đổ vỡ

Cuộc nội chiến Syria bị biến thành trận địa giao tranh của các thế lực trong khu vực và quốc tế kể từ làn sóng nổi dậy đầu tiên năm 2011.

Bằng tuyên bố mục đích chống khủng bố và bảo vệ đồng minh then chốt - chính quyền tổng thống Assad, Iran ngày càng có tầm ảnh hưởng quan trọng ở Syria.

Bằng chứng cho mối quan hệ khăng khít Iran-Syria, theo Arab News, là một ngày sau vụ tấn công 5/2, quân đội chính phủ Syria đã triển khai các tên lửa phòng không tới tiền tuyến ở Aleppo và Idlib - động thái rõ rệt nhằm cảnh báo Ankara không leo thang trả đũa.

Tehran cũng thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ ngưng chiến dịch Cành Ô-liu chống người Kurd. Iran cáo buộc Ankara đang xâm phạm chủ quyền Syria và gây bất ổn khu vực.

Trong khi đó, Nga cũng nhận thấy mình bị sa lầy trong cuộc xung đột, và tình hình có thể nghiêm trọng hơn là cơ chế hòa đàm Syria do ba bên dẫn dắt sẽ đổ vỡ nếu Iran và Thổ "trở mặt", khiến Moskva không còn chủ động kiểm soát các lợi ích chiến lược của mình được nữa.

Sau gần ba năm từ khi phát động chiến dịch không kích chống IS ở Syria, mới đây Nga đã mất thêm một phi công giỏi điều khiển chiến cơ Su-25, khi quân nhân này nổ mìn tự sát để tránh bị quân nổi dậy bắt giữ ở tỉnh Idlib.

Timur Akhmetov, nhà nghiên cứu ở Hội đồng quan hệ quốc tế tại Moskva, nói rằng xung đột mới nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng vũ trang do Iran bảo trợ có thể vẫn chưa diễn biến thành vết nứt mới trong cuộc chiến ở Syria.

"Sẽ là không thực tế nếu dự đoán có thêm đối đầu giữa các nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn với các lực lượng thân chính quyền Assad trong thời gian tới. Nhân tố quyết định sẽ là việc Nga không yểm trợ bằng không lực cho bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ," ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại