Tại sao xung đột giữa Israel và Palestine “nóng” đột biến?

Thùy Linh |

Xung đột giữa người Israel và người Palestine đã sôi sục trong tuần này và leo thang nhanh chóng thành một trong những vòng bạo lực tồi tệ nhất giữa hai bên trong vài năm trở lại đây.

Tình hình vốn đã căng thẳng bị đẩy lên thành xung đột bởi hành động đuổi các gia đình Palestine khỏi nhà của họ, diễn ra ngay tại một trong những thánh địa linh thiêng nhất trong thành phố - gần thành cổ Jerusalem - được người Hồi giáo gọi là Noble Sanctuary, còn người Do Thái gọi là Temple Mount (Núi Đền).

Cảnh sát Israel xông vào Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, đụng độ trực tiếp và bắn lựu đạn choáng về phía người Palestine bên trong thánh địa của họ, trong khi người Palestine ném gạch đá để đáp trả.

Các cuộc đụng độ tại đó và nhiều khu vực khác của Thành Cổ khiến hàng trăm người Palestine và một số cảnh sát Israel bị thương. Sau vụ việc, các nhóm chiến binh Palestine ở Gaza đã tiến hành các vụ tiến công bằng tên lửa sang đất Israel và quân đội Israel trả đũa dữ dội bằng các vụ oanh tạc.

Đến ngày hôm sau, một đại diện của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng tình hình đang "leo thang tiến tới một cuộc chiến toàn diện".

Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tiến trình Hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cho biết: "Hãy ngừng bắn ngay. Chúng ta đang leo thang tới một cuộc chiến tranh toàn diện. Lãnh đạo của các bên phải có trách nhiệm trong việc giảm leo thang.”

Tuy nhiên, việc dập tắt bạo lực có thể không dễ dàng do sự tác động của các yếu tố chính trị, tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc.

Tại sao xung đột giữa Israel và Palestine “nóng” đột biến?  - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel phóng tên lửa đánh chặn một trái rocket từ Dải Gaza ngày 12/5 (Ảnh: CNN)

Tại sao vụ việc xảy ra?

Thành phố Gaza đã lâm vào tình trạng căng thẳng trong vài tuần, khi người Palestine phẫn nộ trước việc đóng cửa một quảng trường nổi tiếng ngay khi tháng lễ Ramadan bắt đầu, và một cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm để trục xuất 7 gia đình Palestine khỏi nhà của họ ở Đông Jerusalem dường như sắp kết thúc.

Các gia đình này đã sống trong khu phố Sheikh Jarrah, ngay phía Bắc của Thành Cổ, kể từ năm 1956 - trong một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian để tìm nhà ở Đông Jerusalem do Jordan kiểm soát cho các gia đình bị mất tài sản ở nơi đã trở thành tiểu bang của Israel vào năm 1948.

Một tổ chức dân tộc chủ nghĩa của Israel có tên là Nahalat Shimon đang vin vào luật năm 1970 - được thông qua sau khi Israel giành được quyền kiểm soát đối với Đông Jerusalem - để lập luận rằng chủ sở hữu của vùng đất trước năm 1948 là các gia đình Do Thái, có nghĩa là những người cư trú hiện tại của Palestine nên bị trục xuất và tài sản của họ phải được trao lại cho người Do Thái Israel.

Người Palestine cho rằng luật bồi thường ở Israel là không công bằng vì họ không có bằng chứng pháp lý nào để đòi lại tài sản mà họ đã mất cho các gia đình Do Thái vào cuối những năm 1940 ở nơi đã trở thành nhà nước của Israel.

Tòa án tối cao của Israel dự kiến ​​sẽ xét xử kháng cáo trong vụ Sheikh Jarrah vào ngày 10/5. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Israel đã yêu cầu hoãn lại.

Cuộc chiến pháp lý về những ngôi nhà ở Sheikh Jarrah đã khơi dậy một cuộc tranh cãi gay gắt về việc ai đã tuyên bố chủ quyền đối với thành phố, các thánh địa và lịch sử của nó. Jerusalem luôn là khu vực nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Những thay đổi nhỏ đều có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn.

Hàng trăm phần tử cực đoan Do Thái đã diễu hành qua Jerusalem vào cuối tháng 4 và hô vang khẩu hiệu "Cái chết cho người Arab", vào đêm ghi nhận báo cáo về vụ việc cộng đồng người Do Thái và Arab trong thành phố tấn công nhau.

Đầu tuần này, cuộc tuần hành Ngày Jerusalem hàng năm, thường đi qua Thành Cổ của người Hồi giáo, đã được định tuyến lại nhằm tránh leo thang thêm.

Tại sao xung đột giữa Israel và Palestine “nóng” đột biến?  - Ảnh 2.

Người Palestine ở thành phố Gaza kiểm tra một chiếc xe hơi trúng đòn oanh tạc của Israel (Ảnh: CNN)


Đông Jerusalem là gì và tại sao nó lại nhạy cảm như vậy?

Thành phố Jerusalem đã bị chia cắt trong gần hai thập kỷ sau khi thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948. Đông Jerusalem do người Jordan kiểm soát, trong khi Tây Jerusalem do người Israel kiểm soát.

Điều quan trọng là Thành cổ Jerusalem và các thánh địa của nó nằm ở Đông Jerusalem.

Thành Cổ là nơi có Nhà thờ Mộ Thánh, nơi những người theo đạo Cơ đốc tin rằng Chúa Jesus đã được chôn cất.

Đây cũng là nơi đặt Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, nơi người Hồi giáo tin rằng Nhà tiên tri Mohammed đã đến trong Chuyến du hành đêm của mình, cũng là địa điểm nơi họ tin rằng ông đã lên thiên đường.

Ngoài ra, đây là nơi có địa điểm linh thiêng nhất trên thế giới đối với người Do Thái - phiến đá nơi Abraham đã đến để hiến tế con trai mình, Isaac, nơi đây còn có Đền thờ thứ nhất và thứ hai trong thời cổ đại.

Trong Chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm được Đông Jerusalem và áp đặt sự kiểm soát lên toàn bộ thành phố. Israel cũng chiếm được Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Bán đảo Sinai, sau đó trao trả lại cho Ai Cập theo thỏa thuận hòa bình năm 1979, tuy nhiên, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan vẫn nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Israel.

Người Palestine chỉ được hưởng quyền tự trị hạn chế ở Gaza và các phần của Bờ Tây, nhưng Israel vẫn duy trì quyền kiểm soát tất cả các đường biên giới và vấn đề an ninh.

Tại sao xung đột giữa Israel và Palestine “nóng” đột biến?  - Ảnh 3.

Một người đàn ông Palestine chạy khỏi hơi cay, trong một cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Palestine (Ảnh: CNN)


Thực trạng ngày nay ở Jerusalem

Toàn bộ thành phố Jerusalem nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Israel nói rằng không có sự khác biệt giữa phía Đông và phía Tây của thành phố, thay vào đó mô tả thành phố là thủ đô của họ. (Mặc dù vậy, thành phố vẫn tự tách biệt, ở Đông Jerusalem phần lớn là người Palestine, trong khi Tây Jerusalem phần lớn là người Israel. Các tài xế taxi người Israel thường từ chối lái xe đến các địa điểm ở Đông Jerusalem.)

Trên thực tế, luật pháp quốc tế coi Đông Jerusalem, Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Gaza là lãnh thổ bị chiếm đóng theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mặc dù Israel tranh cãi về điều đó. Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được thông qua năm 2016, nói rằng các khu định cư của Israel trên lãnh thổ bị chiếm đóng của người Palestine là "không có giá trị pháp lý" và vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế.

Luật pháp quốc tế không phân biệt khu định cư ở Bờ Tây hay khu định cư ở Đông Jerusalem, mà coi cả hai đều là lãnh thổ bị chiếm đóng.

Thành Cổ, và cụ thể hơn là khu phức hợp Al Aqsa, được quản lý bởi thỏa thuận riêng được gọi là Hiện Trạng.

Israel phụ trách an ninh tại địa điểm này và Jordan quản lý các địa điểm tôn giáo thông qua một tổ chức Hồi giáo có tên là Waqf.

Trong thời gian bình thường, du khách thuộc mọi tín ngưỡng được phép tham quan khu phức hợp, nhưng chỉ những người theo đạo Hồi mới được phép cầu nguyện ở đó.

Người Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai

Tại sao xung đột giữa Israel và Palestine “nóng” đột biến?  - Ảnh 4.

Người Israel tham gia "Ngày Jerusalem" tổ chức hôm đầu tuần này (Ảnh: CNN)


Giới chức Israel và Palestine nói gì về vụ Sheikh Jarrah?

Hãng tin chính thức Wafa của Palestine cho hay, các nhà lãnh đạo Palestine nói rằng việc Israel đuổi nhiều gia đình ra khỏi nhà của họ không khác gì "thanh lọc sắc tộc" nhằm "Do Thái hóa thành phố linh thiêng".

Tuy nhiên, Israel nói rằng cuộc xung đột chỉ đơn giản là một "tranh chấp bất động sản". Bộ Ngoại giao nước này cáo buộc chính quyền Palestine và các nhóm chiến binh "đưa ra tranh chấp bất động sản giữa các bên tư nhân, vì mục đích dân tộc, nhằm kích động bạo lực ở Jerusalem".

Theo số liệu tử cơ quan của Liên hợp quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine, hơn 700.000 người Palestine đã phải di dời trong quá trình thành lập nhà nước Israel

Quan điểm của cộng đồng quốc tế như thế nào?

Nỗ lực đuổi các gia đình Palestine ra khỏi khu Sheik Jarrah đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Ned Price, hồi đầu tháng 5 cho biết Hoa Kỳ "quan ngại sâu sắc về khả năng các gia đình Palestine bị trục xuất khỏi các khu phố Sheikh Jarrah và Silwan của Jerusalem, nhiều người trong số họ đã sống trong nhà của mình qua nhiều thế hệ. Như chúng tôi đã nói, điều quan trọng là tránh các bước làm trầm trọng thêm căng thẳng hoặc khiến chúng ta rời xa khỏi hòa bình".

Hội đồng châu Âu cũng lên án bạo lực và bày tỏ lo quan ngại về hành động trục xuất. Peter Stano, người phát ngôn của Ủy ban Chính sách An ninh và Đối ngoại của Hội đồng EU, nói trong một tuyên bố: "Những hành động như vậy là bất hợp pháp theo luật nhân đạo quốc tế và chỉ làm gia tăng căng thẳng trên thực địa".

Các Văn phòng của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 7/5 nói rằng pháp luật được "áp dụng theo cách phân biệt đối xử", nói thêm rằng việc đưa các công dân Israel vào vùng đất bị chiếm đóng có thể "bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế và có thể lên tới một tội ác chiến tranh. "

Tại sao căng thẳng lại leo thang gần đây?

Vụ Sheikh Jarrah là tâm điểm cho những căng thẳng, chúng nhanh chóng lan rộng khắp thành phố và vượt xa những vùng giới hạn của Jerusalem.

Tình hình ở Jerusalem có thể leo thang một cách nhanh chóng, do sự kết hợp của các yếu tố tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc.

Hai ngày lễ rơi vào cùng một ngày cuối tuần trong năm nay: Đêm của Sức mạnh của người Hồi giáo (Leylet el-Qadr) vào đêm 8/5, được coi là đêm linh thiêng nhất trong năm; và ngày lễ của người Israel là Ngày Jerusalem (Yom Yerushalayim) vào 9-10/5, kỷ niệm ngày quân đội Israel giành quyền kiểm soát Thành phố cổ vào năm 1967.

Mỗi kỳ nghỉ riêng có thể truyền cảm hứng cho lòng nhiệt thành tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc, và thậm chí còn có khả năng châm ngòi cho một xung đột vốn đã căng thẳng.

Tình hình chính trị cũng là một nhân tố. Israel đã có bốn cuộc bầu cử bất phân thắng bại liên tiếp và Thủ tướng Benjamin Netanyahu thậm chí đã lôi kéo được một số chính trị gia phân biệt chủng tộc cực đoan công khai, trong quá trình ông đấu tranh để xây dựng một liên minh và nắm giữ quyền lực. Điều đó đã khuyến khích hình thành một số nhóm Do Thái cực hữu.

Các chính trị gia cánh hữu của Israel là Itamar Ben-Gvir và Arieh King đã đến Sheikh Jarrah để gửi một thông điệp rằng toàn bộ thành phố thuộc về Israel. Chính sự hiện diện của họ đã thổi bùng ngọn lửa xung đột.

Tình hình chính trị của Palestine hầu như không rõ ràng hơn Israel. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hồi tháng 4 đã trì hoãn cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên sau 15 năm, kéo dài thế đối đầu kéo dài giữa Bờ Tây, nơi phong trào Fatah của ông cai quản, và Gaza do lực lượng Hamas điều hành.

Sự nhạy cảm của Jerusalem là như vậy. Các cuộc biểu tình ở Jerusalem có thể châm ngòi cho các cuộc phản đối ở Israel và Bờ Tây, cũng như thúc đẩy hành động bắn tên lửa của các nhóm chiến binh ở Gaza và các cuộc không kích của Lực lượng Phòng vệ Israel.

Một tình huống bắt đầu xảy ra tại một khu phố ở Jerusalem giờ đã lan rộng khắp khu vực và một lần nữa khiến quốc tế chú ý đến Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại