Tính năng vượt trội của “Vòm Sắt”
Hệ thống đánh chặn tên lửa “Vòm Sắt” (Iron Dome) là tổ hợp phòng thủ tầm gần do liên doanh Israel Rafael Advanced Defense Systems và Israel Aerospace Industries cùng phối hợp phát triển với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Mỹ.
Hệ thống được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt các loại tên lửa, đạn pháo tầm ngắn được phóng trong phạm vi khoảng 150km. Iron Dome chính thức đi vào hoạt động ngày 27/3/2011.
Mỗi tổ hợp Vòm Sắt gồm có một radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) EL/M-2084, một đài chỉ huy và ba bệ phóng với 20 tên lửa đánh chặn Tamir, hoạt động ở chế độ tự động giám sát tình hình trên không.
Tamir là tên lửa phòng không tương đối nhỏ với đầu dẫn đường bằng radar chủ động. Với khối lượng 90 kg, dài 3 m, đường kính 160 mm, tầm bắn 17 km, dùng ngòi nổ không tiếp xúc, Tamir có giá xấp xỉ 60.000 USD.
"Vòm Sắt" khai hỏa. Ảnh: AP
Vòm sắt được chế tạo theo dạng “container” cho phép vận chuyển và triển khai nhanh chóng. Hệ thống có khả năng chống lại tên lửa không điều khiển có tầm bắn từ 4 - 70 km, có hiệu quả chống lại máy bay bay ở độ cao 10.000m.
Theo Phó Chủ tịch của nhà sản xuất Rafael - ông Pini Yungman, ở bài thử nghiệm mới nhất, Iron Dome đã đánh chặn toàn bộ 2.400 mục tiêu giả định được phóng đi, trong đó có cả đạn cối, đạn phản lực, máy bay không người lái.
Theo vị phó chủ tịch này, Iron Dome có thêm tính năng đánh chặn vỏ tên lửa cỡ lớn để tránh thương vong cho lực lượng mặt đất. Đây được coi là tính năng độc nhất vô nhị khiến Iron Dome được cả Mỹ và Israel ca ngợi là hệ thống đánh chặn tuyệt vời nhất thế giới.
Những chiến tích đã được khẳng định
Trong những năm gần đây, Israel đã sử dụng thành công “Vòm Sắt” để bắn hạ hàng nghìn rocket phóng đi từ Dải Gaza.
Theo con số thống kê từ Quân đội Israel, hệ thống phòng thủ Iron Dome ("Vòm Sắt") của lực lượng này đã đánh chặn thành công tới 86% vụ tấn công bằng rocket của Phong trào vũ trang Hamas trong cuộc đụng độ căng thẳng vào đầu tháng 5/2019.
Cụ thể, trong hai ngày 4 - 5/5/2019, các tay súng ở Dải Gaza đã bắn hơn 690 quả rocket và đạn cối vào lãnh thổ Israel.
Vụ tấn công đã khiến 3 thường dân thiệt mạng và làm bị thương 130 người khác, buộc các phương tiện truyền thông Israel phải đặt ra câu hỏi liệu liệu rằng hệ thống đánh chặn Iron Dome của họ đã mất tác dụng?
Iron Dome đánh chặn tên lửa Grad phóng đi từ Dải Gaza
Thế nhưng, đối ngược với sự hoài nghi trên, những số liệu thống kê cho thấy, Iron Dome đã hoạt động đặc biệt tốt. Tất nhiên, Israel cũng vẫn phải đánh giá lại mức độ đánh chặn mà nước này kỳ vọng trong các cuộc xung đột tương lai.
Các đợt tập kích ồ ạt rõ ràng đã làm giới quan sát lo lắng. Mặc dù cuộc tấn công chỉ diễn ra 2 ngày nhưng lượng đầu đạn và số người thương vong không kém gì chiến dịch "Operation Cast Lead" kéo dài 23 ngày hồi năm 2008. Các tay súng Gaza thậm chí còn tự hào khoe rằng họ đã chế áp thành công một số tổ hợp Iron Dome của Israel bằng chiến thuật "giội mưa" rocket.
Tuy nhiên, Quân đội Israel (IDF) cũng đã tuyên bố về thành công của chính mình khi thông báo rằng Iron Dome đạt tỷ lệ đánh chặn tới 86%. Tính tổng thể, IDF đã đánh chặn được khoảng 240 (35%) số tên lửa và đạn pháo và chỉ có 35 quả đạn (5%) rơi xuống các khu vực đông dân cư. Số còn lại (60%) đã rơi xuống các vùng nông thôn.
Tỷ lệ đánh chặn 86% là một con số rất đáng nể. Kết quả gần tương đương với tỷ lệ 85% của chiến dịch "Pillar of Defense" và chỉ thấp hơn một chút so với 90% của "Protective Edge".
Theo thống kê của liên doanh Raytheon - Rafael, "Vòm Sắt" hiện đang là hệ thống được sử dụng nhiều nhất thế giới với kỷ lục đánh chặn 1.500 đầu đạn tấn công ở tỷ lệ thành công lên tới 90% kể từ thời điểm nó được đưa vào trang bị năm 2011.